Rau rệu có nơi gọi rau giệu. Tên Hán là kê tràng thái (từ nguyên) tên khoa học Alternanthera sessilis (L) R. Br. Ex Roem et S chult. Ngọn non làm rau ăn sống, luộc nấu canh.
Cây rau rệu.
Cứ 100g rau rệu có 89,3g nước, 4,5g protein, 19g protid, 2,1g chất xơ, 2,2g khoáng toàn phần, 98mg canxi, 22mg phospho, 1,2mg sắt, 5,1mg caroten (tiền sinh tố A) và 77mg sinh tố.
Tính năng: vị ngọt, nhạt, mát, tác dụng chống viêm, lọc máu, lợi tiểu, tiêu sưng, chống ngứa, cầm máu (máu cam, ho ra máu).
Công dụng và cách dùng:
Thúc sởi mọc nhanh, rút ngắn thời gian sởi mọc, hạn chế biến chứng.
Cách dùng: Thời kỳ xuất hiện nốt sởi: nấu rau rệu với cá diếc (luộc cá lọc lấy thịt), để ăn với cơm, hoặc nấu cháo với nước canh đó. Hoặc nấu chín đơn thuần, hoặc cùng với rau kinh giới, hoặc với tía tô để ăn cái uống nước.
Viêm da có mủ, chàm, mẩn ngứa, nấm, viêm vú... Dùng cây tươi (60 - 120g) giã lấy nước uống, bã đắp lên tổn thương hoặc sắc nước uống 15 - 30g mỗi lần.
Tràng nhạc: một nắm rau rệu, rửa sạch, giã nát, 1/2 vắt lấy nước cốt uống 1/2 đặt lên lá chuối rắc lên 1 ít phác tiêu đắp vào chỗ đau. Ngày thay thuốc một lần.
Sưng hạch ở nách bẹn: rau rệu, bèo tía, gừng sống, 3 thứ lượng bằng nhau giã nát, cho ít muối sắc kỹ lấy một chén nước, uống nóng, bã đắp chỗ đau. Trước khi đắp thuốc dùng nước vôi vẽ một vòng quanh chỗ đau để độc khỏi lan xung quanh.
Tỳ hư, uất nhiệt, đại tiện ra đờm máu ở người già: rau rệu tía một nắm nấu canh với 2 con ếch (chỉ lọc lấy nạc). Ăn nhiều lần.
Chữa các chứng máu nóng (huyết nhiệt) nổi ban ngứa, chảy máu cam, ho ra máu, tiểu tiện ra máu... Rau rệu ăn sống, uống nước giã rau rệu tươi, luộc, nấu canh, xào...
Lợi tiểu tiêu phù ở những trường hợp bệnh đường tiết niệu, gan, đái dắt, đái đỏ. Cách dùng như trên hoặc nấu canh với cá chép.
Chữa các chứng bệnh do nhiệt, sốt, khát nước, táo bón, kiết lỵ. Cách dùng như trên. Hoặc nấu canh với cá diếc.
BS. Phó Thuần Hương
Theo suckhoedoisong.vn