Cập nhật: 05/10/2015 16:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh vừa có công điện gửi: Ban chỉ huy PCTT&TKCN: Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Công an tỉnh; Cảnh sát PCCC tỉnh; Các sở, ban, ngành. Ban chỉ huy PCTT&TKCN: các huyện, thành phố, thị xã. Các công ty: TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn, Tam Đảo, Phúc Yên, Lập Thạch.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTVTW, vị trí tâm bão lúc 10 giờ ngày 04/10 ở vào khoảng 20,9 độ Vỹ Bắc, 111,0 độ Kinh Đông. Dự báo 7 giờ sáng ngày mai (05/10), bão sẽ đổ bộ và đi sâu vào đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 04/10 đến trưa ngày 06/10, mưa lớn tập trung các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng với tổng lượng mưa từ 100 - 200 mm; trên địa bàn Vĩnh Phúc do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 từ đêm (04/10) có mưa rải rác, từ rạng sáng ngày (05/10) có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Theo dự báo của Đài KTTV tỉnh từ ngày 05/10 - 07/10 lượng mưa vào khoảng 100- 150 mm. Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo ở cấp độ 1.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa, lũ sau bão, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ban, ngành; các cơ quan đơn vị; các Công ty TNHH một thành viên Thuỷ lợi và nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện một số nội sau:

1. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ sau bão để điều chỉnh công tác chỉ đạo cho phù hợp. Tăng cường công tác tuần tra canh gác công trình phòng, chống thiên tai, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố về đê, hồ đập.

2. Tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng; hệ thống các trục tiêu; hệ thống trạm bơm tiêu úng phát hiện và sửa chữa thay thế kịp thời những thiết bị phụ tùng hư hỏng để có thể vận hành được ngay khi cần thiết. Tổ chức khơi thông các luồng lạch, tháo dỡ các vật cản (đăng, đó, bèo) trên các trục tiêu, sông tiêu để tiêu thoát nước nhanh nhất. Đảm bảo cung cấp điện 24h/24h cho hệ thống trạm bơm tiêu úng. Chủ động tiêu nước đệm, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, máy móc chống ngập úng bảo vệ hoa màu, các khu nuôi trồng thủy sản và các trung tâm công nghiệp của tỉnh.

3. Chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở, các ngành liên quan kiểm tra, rà soát chặt chẽ các khu vực dân cư sinh sống ven sông suối, khu vực thấp, trũng, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; kiểm tra hệ thống các cống, hố ga thoát nước thành phố, thị xã. Tiến hành lập các chốt kiểm soát tại ngầm, suối, hệ thống cống, hố ga thoát nước thành phố, thị xã khi xuất hiện mưa lũ và thực hiện xả tràn, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người đang sinh sống ở ven sông suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

4. Kiểm soát chặt chẽ việc vận hành hệ thống các hồ chứa; triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, hồ đang thi công, nhất là các hồ đang có sự cố; tính toán đề xuất việc xả đệm tại các hồ để đảm bảo an toàn cho hồ, chống ngập úng hạ du và khả năng tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

5. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn đế sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, tổng hợp, báo cáo kịp thời mọi diễn biến về Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh theo số điện thoại: 3.862.518, Fax: 3,861.721, địa chỉ mail: pclbvp@gmail.com.

Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ban, ngành; các đơn vị và nhân dân khẩn trương triển khai, thực hiện nội dung, yêu cầu trên.

Chánh văn phòng

(đã ký)

Nguyễn Đức Sinh

Tệp đính kèm