Cập nhật: 08/10/2015 09:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo các chuyên gia, TPP sẽ tạo ra sức ép để Việt Nam đổi mới, cạnh tranh mạnh hơn, đặc biệt là chủ động nâng tầm để gặt hái thành quả.

Dệt may Việt Nam sẽ là lĩnh vực có lợi thế

nhiều nhất khi vào TPP (Ảnh minh họa:KT)

Ngay sau khi đàm phán Hiệp định TPP hoàn thành, phóng viên VOV.VN tham vấn ý kiến một số chuyên gia kinh tế về những thời cơ và thách thức mà TPP có thể mang đến cho nền kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia khẳng định họ không bất ngờ với kết quả này, vấn đề họ quan tâm hơn là Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều để có thể gặt hái thành quả từ thời cơ TPP mang lại, và đối mặt, vượt qua thách thức từ TPP.

TPP giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu

TS.Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hạch và Đầu tư) không bất ngờ với kết quả đàm phán TPP. Ông đánh giá: Nếu so sánh tương quan giữa cơ hội và thách thức thì cơ hội mà TPP mang lại nhiều hơn. “Cơ hội cũng đã nói đến nhiều nhưng điều tôi lo lắng nhất là sự chuẩn bị của Việt Nam để đón nhận cơ hội đó” - ông Hồ nhấn mạnh.

Theo phân tích của ông Hồ, nông sản, dệt may Việt Nam sẽ là lĩnh vực có lợi thế nhiều nhất. Nhưng đó là những cơ hội tiềm năng và không thể biến thành hiện thực ngay trong 1- 2 năm tới. Trong khi đó, “Việt Nam phải đương đầu, chống chọi với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. Đây là trận tuyến thương trường sẽ rất khốc liệt”.

Dẫn ví dụ cụ thể trường hợp ngành chăn nuôi thịt, ông Hồ cho hay: Khi hội nhập, chăn nuôi thịt của nước ta không còn hi vọng. Đến ngay cả doanh nghiệp lớn như Vinamilk cũng rất đáng lo vì họ đang phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Khi sữa của Australia tràn vào thị trường nước ta, chắc chắn sản phẩm sẽ rẻ hơn rất nhiều và sản phẩm “made in Vietnam” phải cạnh tranh ngay trên ‘sân nhà’. Bên cạnh đó, sản phẩm trái cây nước ta cũng sẽ chịu áp lực rất lớn từ sản phẩm nhập khẩu.

Cũng vui niềm vui TPP đàm phán thành công TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá cao việc kết thúc đàm phán khó khăn qua nhiều năm và đặc biệt là nỗ lực của Việt Nam kiên trì thực hiện quá trình đàm phán đi đến kết thúc. “Hiệp định này là một bước tiến quan trọng, mở ra cho Việt Nam rất nhiều cơ hội cũng như thách thức sắp tới” - TS.Doanh nói.

Chỉ rõ lợi thế của nước ta tham gia TPP, TS.Doanh cho hay: Việt Nam là nước kém phát triển nhất, cơ cấu kinh tế của Việt Nam khác các nước khác, trình độ cũng khác nên nền kinh tế Việt Nam và các nền kinh tế tham gia TPP sẽ bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh nhau. Đây là khác biệt lớn khi Việt Nam tham gia ASEAN cũng như khi tham gia Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) do Trung Quốc hiện nay đang thúc đẩy.

Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ được mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản với các sản phẩm như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ và các mặt hàng nông sản. Hơn nữa, Nhật Bản cũng rất muốn hợp tác với Việt Nam trong sản xuất rau quả tươi, cá và các sản phẩm khác. Đó là những tín hiệu đáng mừng của Việt Nam. Dự báo, Việt Nam sẽ thu hút được thêm đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng GDP cao hơn, có thể đạt khoảng 35 tỷ USD, mức tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm sắp tới.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cũng đánh giá rất tích cực về TPP đối với Việt Nam: “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á - nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực. Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020”.

TPP tạo ra sức ép để Việt Nam đổi mới

Quan điểm rằng Việt Nam phải chủ động để đón cơ hội, ông Phạm Hồng Hải bình luận: TPP mang đến nhiều cơ hội, nhưng “phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn”.

Khẳng định TPP cũng đặt ra rất nhiều thách thức, điều TS.Lê Đăng Doanh lo lắng là: TPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết ở trình độ cao đòi hỏi Việt Nam phải phấn đấu mới có thể đạt được. Việt Nam phải cải cách nhiều luật pháp, cải cách mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các điều kiện về lao động, nâng cao trình độ….

Theo TS.Doanh, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn khi TPP được ký kết. Bởi ngay từ bây giờ, gà Mỹ giá rẻ đã tràn vào Việt Nam. Để có thể cạnh tranh, Việt Nam phải cơ cấu lại nông nghiệp, tổ chức lại lĩnh vực chăn nuôi, giảm bớt chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng.

Còn TS.Lưu Bích Hồ thì cho rằng: Để khai thác được cơ hội thì phải giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề hàng đầu là nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Rồi lo làm tốt vấn đề xuất xứ hàng hóa. Hiện nay, nhiều hàng hóa có nguyên vật liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong TPP.

Vấn đề quan trọng nhất với Việt Nam đối với TPP, theo ông Hồ, là “TPP tạo ra sức ép để Việt Nam đổi mới, cạnh tranh nhanh hơn. Có đổi mới, cải cách nhanh hơn, môi trường đầu tư kinh doanh mới có thể tiến lên”. Cho nên, muốn “gặt” thành quả, ông Hồ khuyến cáo, riêng đối với các doanh nghiệp nhà nước của ta phải tăng tốc cổ phần hóa. Nếu doanh nghiệp nào cổ phần hóa rồi thì phải đổi mới quản trị. Còn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Hồ nhấn mạnh: “đối tượng này tôi lo lắng nhất vì năng lực yếu. Đội ngũ này cần phải nhanh chóng chú ý tới những yêu cầu mới của TPP đặt ra, tính toán lại chiến lược sản xuất, kinh doanh cho phù hợp”./.

Theo Xuân Thân/VOV.VN

Tệp đính kèm