Cập nhật: 21/10/2015 09:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kỳ thi “hai chung” sẽ được tiếp tục triển khai trong năm 2016, tuy nhiên sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp.

(Ảnh có tính chất minh họa)

Tại buổi họp báo quý III do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, thông tin về kỳ thi “hai chung” sẽ được tiếp tục triển khai trong năm 2016, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Năm tới vẫn sẽ tiếp tục mô hình thi như năm nay, tuy nhiên sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế những bất cập như đã xảy ra như nghẽn mạng, việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh…

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những trục trặc như vừa qua là rất nhỏ và Bộ đã có hướng giải quyết kịp thời. Việc thi “hai chung” là quá mới, lại không thể làm thí điểm trên phạm vi hẹp, buộc phải làm trên cả nước nên không tránh khỏi những thiếu sót.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm tới, Bộ sẽ có những thay đổi đó là: Tăng tính tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng; giao các trường tự xét tuyển, Bộ không cấp giấy báo điểm như vừa qua. Tuy nhiên, việc này sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh ảo sẽ lớn do đó phải có phương thức hạn chế thí sinh ảo.

Bên cạnh đó, chia ra các đợt xét tuyển khác nhau; khuyến khích các trường tốp trên liên kết với nhau để xét tuyển, việc rút - nộp hồ sơ và trúng tuyển chỉ trong phạm vi các trường này.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, hiện nay các trường ĐH, CĐ đã tuyển được 85% chỉ tiêu, trong đó ĐH khoảng 97%, các trường CĐ tuyển sinh được hơn 60% và sẽ phải tuyển tiếp đợt 4. Việc nhiều trường khó tuyển sinh cho thấy thí sinh đã có quyền lựa chọn trường, ngành nghề yêu thích. Những trường có sức hút thí sinh đã được thể hiện rõ. Những trường khó tuyển sinh thường ở những vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tuyển lao động cũng không yêu cầu qua đào tạo nhiều hơn. Thị trường lao động hiện nay rất lớn, do đó thí sinh có quyền lựa chọn học hoặc đi làm. Thời gian tới, Bộ sẽ bàn bạc việc cấu trúc lại các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Không phát hiện lạm thu đầu năm học

Trước câu hỏi của phóng viên về “Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân” tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII phản ánh tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan; nạn “lạm thu” đầu năm học mới vẫn tái diễn khiến dư luận bức xúc. Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Tiểu học cho biết, mặc dù Bộ GD-ĐT đã ra nhiều văn bản quy định, chấn chỉnh vấn đề này, tuy nhiên vấn nạn “dạy thêm, học thêm” vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Theo ông Định, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trước đây, giáo viên dùng điểm số để gây áp lực, hoặc lý do này khác “buộc” học sinh phải học thêm; bên cạnh đó, tâm lý phụ huynh vẫn mong con mình “tiến nhanh hơn” nên bằng mọi cách cho con học thêm. Để chấn chấn chỉnh việc này, Thông tư 30 “không chấm điểm học sinh tiểu học” là một giải pháp hữu hiệu.

“Bộ đã có quy định cụ thể, song việc triển khai, giám sát, quản lý ở các địa phương còn có vấn đề nên tình trạng này chưa chấm dứt” - ông Định khẳng định.

Về tình trạng lạm thu núp bóng “tự nguyện”, ông Phạm Văn Định cho biết đã nhận được nhiều thông tin từ phụ huynh phản ánh và Bộ đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra nhưng… không thấy.

Ông Định nói: “Đúng là nếu có thì chúng tôi đã xử lý. Các Sở đã ban hành quy định thu đầu năm, nhất là Hà Nội, rất rõ ràng. Tuy nhiên, như phản ánh thì tình trạng này vẫn còn. Biện pháp là nhà trường phải công khai thu chi với phụ huynh, có dự toán, được phụ huynh đồng ý. Theo ghi nhận thì năm nay đã tiến bộ hơn”.

Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ tài chính (Bộ GD-ĐT) cũng nhấn mạnh, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã liên tục có quy định chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong nhà trường. Tuy nhiên, việc thực hiện, đôn đốc tại địa phương chưa sâu sát, nhất là ở các thành phố lớn. “Tới đây chúng tôi sẽ xem xét lại, nhất là điều lệ hội cha mẹ học sinh và Bộ đã có bộ phận thu thập thông tin về vấn đề này” - ông Quang nói thêm./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm