Đại biểu Quốc hội đề nghị phải giảm chi ngân sách thường xuyên, nếu cứ để tình trạng như hiện nay sẽ không thể giải quyết được bài toán nợ.
Đại biểu Quốc hội đề nghị cắt giảm triệt để nguồn chi thường xuyên
cho tiếp khách, lễ sơ kết, tổng kết, kỉ niệm... (Ảnh minh họa: KT)
Từ đầu năm 2015, giá dầu thô giảm sâu, tác động trực tiếp làm giảm thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) 63.000 tỷ đồng so với dự toán năm. Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện cao nhất, thu NSNN năm 2015 vẫn ước đạt 927.500 tỷ đồng, vượt 16.400 tỷ đồng so với dự toán, tăng 7,4% so với thực hiện năm 2014. Với nguồn thu NSNN ước tính vượt dự toán, nhưng một phần do giá dầu giảm, chi NSNN từ đầu năm gia tăng đã khiến phần NSNN sau khi bù trừ vẫn hụt 31.000 tỷ đồng so với dự toán.
Giảm chi thường xuyên tạo nguồn lực cho ngân sách
Bàn về quản lý nguồn chi NSNN, đại biểu Trịnh Thế Khiết, đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, hiện nay nguồn thu tập trung có 11 tỉnh, thành thu đủ chi, còn lại 52 tỉnh thành khác có nguồn thu nhờ vào ngân sách Trung ương. Do vậy vấn đề cấp bách hiện nay là phải làm tốt việc quản lý tốt nguồn chi.
Đại biểu Trịnh Thế Khiết cho rằng, cần phải tích cực tinh giảm mạnh bộ máy hành chính và giảm chi cho bộ máy này. “Tôi thấy hàng năm nguồn tài chính chỉ đạo giảm 10% nguồn chi cho hành chính nhưng chưa đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đề nghị cần giảm mạnh chi hơn nữa cho bộ máy này, tránh việc bộ máy phình ra nhưng chất lượng kém và hiệu quả giảm đi”, đại biểu Trịnh Thế Khiết thẳng thắn chỉ rõ.
Cũng theo đại biểu Trịnh Thế Khiết, Quốc hội cần phải tập trung quản lý tốt các công trình có vốn quản lý của nhà nước, đặc biệt là các công trình phúc lợi quốc gia. Hiện nay nhiều công trình mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng đã phải xử lý các yếu kém, sự xuống cấp của công trình. Cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mới tránh lãng phí vốn đầu tư, phát sinh nhiều quy trình thủ tục gây tốn kém.
Một yếu tố hết sức quan trọng theo đại biểu Trịnh Thế Khiết đánh giá để làm giảm nguồn chi thường xuyên, trong đó có việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành, cơ quan và nguồn nhân lực. Do hiện nay ta chưa xác định rõ nội dung này dẫn đến bộ máy hoạt động chỉ khoán theo số lượng con người thực tiễn, cố hữu tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.
Khẳng định việc quản lý tốt nguồn chi NSNN là biện pháp hữu hiệu trong tiết giảm bội chi, đại biểu Trần Du Lịch, đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, điều đáng lo nhất đối với NSNN hiện nay là mỗi ngày qua, hàng chục năm qua chúng ta vẫn phải đi vay để đầu tư phát triển, trong khi đó nguồn thu hiện nay chỉ đủ để cho chi thường xuyên. Nguồn ngân sách đi vay không tạo ra được giá trị mới hay tích tụ và phát triển, trong khi nguồn thu trong nước phần lớn dành cho chi thường xuyên khiến NSNN ngày càng thâm hụt.
Đại biểu Trần Du Lịch quả quyết, vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao tiết giảm được nguồn chi thường xuyên. Quốc hội phải quyết định cắt giảm ở lĩnh vực nào. Đại biểu đề nghị cắt giảm triệt để nguồn chi cho tiếp khách, giao lưu học tập, nghiên cứu kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, kỉ niệm ngành, công tác nước ngoài… nếu cắt được những khoản này NSNN sẽ có tiền để tạo được nguồn lực.
“Với bộ máy cứ phình ra như thế này, trong những năm tới khi triển khai các luật mới bộ máy sẽ còn phình ra thêm nữa. Phải khi nào bộ máy chính trị không có dự toán tiền tiếp khách như nhiều nước thì mới có kỷ cương. Báo chí suốt ngày thấy lên tin đủ các loại lễ kỷ niệm thì làm sao NSNN có tiền? Phải làm sao giảm được chi thường xuyên, cứ để tình trạng chi thường xuyên như hiện nay sẽ không thể nào giải quyết được bài toán nợ”, Đại biểu Trần Du Lịch khẳng định.
Không thoái vốn doanh nghiệp bù vào Ngân sách Trung ương
Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, áp lực nợ công tăng cao, để điều hành ngân sách theo dự toán của Quốc hội, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép sử dụng một phần tiền bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng để bù giảm thu ngân sách Trung ương. Đồng thời cho phép đa dạng hoá kỳ hạn trái phiếu chính phủ, phát hành nhất định trái phiếu quốc tế kỳ hạn dài để cơ cấu lại một số khoản vay ngoại và nội tệ.
Với những kiến nghị của Chính phủ cho phép sử dụng một phần tiền bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước để bù giảm thu ngân sách Trung ương, đại biểu Trần Du Lịch không ủng hộ việc bán cổ phần nhà nước để hòa vào ngân sách đầu tư. Cho rằng việc hòa vốn như vậy chỉ là cách diễn giải, đại biểu Trần Du Lịch bình luận mục đích là hòa vốn để cân đối đầu tư, nhưng phải hiểu thực sự là do nguồn chi thường xuyên đã hết, nếu hòa trộn kiểu này là “nước lên - thuyền lên” sẽ khiến chúng ta mất hết tài sản.
Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị, nguồn thoái vốn đưa đầu tư vào đâu phải có địa chỉ cụ thể, ví dụ tiền này để làm bệnh viện nào, làm công trình hạ tầng nào, dùng đó làm vốn đối ứng cho dự án ODA nào phải có địa chỉ và chỉ phê duyệt đúng địa chỉ đó, không được hòa vào nguồn NSNN.
“Bao nhiêu năm chúng ta mới có một doanh nghiệp như Vinamilk, giờ thoái vốn hòa vào ngân sách sẽ là hết. Trong khi đây là nguồn lực rất lớn của đất nước, cần phân bổ lại xem cái gì có lợi cho đất nước. Quan điểm của tôi là không dùng tiền này để hòa vào làm cân đối ngân sách mà dùng nó để đầu tư có địa chỉ và Quốc hội thông qua quyết định các địa chỉ đó”, đại biểu Trần Du Lịch cương quyết.
Khẳng định việc ủng hộ việc phát hành trái phiếu chính phủ 3 tỷ USD ra nước ngoài để cơ cấu lại khoản nợ mà không làm tăng nợ, đại biểu Trần Du Lịch cho biết, việc phát hành trái phiếu luôn có hai mặt với những “tác dụng phụ”. Nếu như phát hành được trái phiếu với lãi suất thấp, dài hạn hơn để cơ cấu lại khoản nợ đang có sẽ có thể làm tăng khoản nợ quốc gia bằng ngoại tệ, tuy nhiên xu hướng sắp tới không mất cân đối ngoại tệ nên trái phiếu này để cơ cấu lại là cần thiết.
Về trái phiếu trong nước, đại biểu Trần Du Lịch nhận định, năm nay Quốc hội quyết định không cho phát hành trái phiếu kì hạn dưới 5 năm nhưng đã không thực hiện được dù có tăng lãi suất. Trước khó khăn này đại biểu Trần Du Lịch đề xuất cho đa dạng hóa nguồn trái phiếu với tỷ lệ 30% trái phiếu dưới 5 năm để xử lý trước mắt, với tỷ lệ này sẽ không tăng áp lực lớn trong các năm 2016 - 2018. “Nếu cứ quy định phát hành trái phiếu kì hạn trên 5 năm sẽ là không khả thi”, đại biểu Trần Du Lịch khẳng định điều này./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN