Với chương trình GDPT mới, người thầy không còn là một “diễn viên” truyền giảng kiến thức, mà là người tổ chức các hoạt động.
TS Phạm Thị Ly: "Chương trình GDPT mới có sự khác biệt cơ bản"
Phát biểu tại hội thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - từ tầm nhìn đến hiện thực” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển” tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS. Phạm Thị Ly - Viện Đào tạo Quốc tế, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết: Chương GDPT của chúng ta đã trải qua nhiều lần cải cách, nhưng vẫn không tạo ra được một sự thay đổi đáng kể nào trong chất lượng giáo dục.
Những cải cách “nửa vời” này đã làm giảm lòng tin của xã hội đối với những nỗ lực đổi mới. Do đó, dự thảo chương trình GDPT tổng thể do Bộ GDĐT công bố để lấy ý kiến đã thể hiện một sự khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành.
Giáo viên không còn là “diễn viên” nói
Theo bà Phạm Thị Ly, sự khác biệt trước hết là chuyển từ một nền giáo dục cung cấp kiến thức, sang phát triển năng lực. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì khích lệ học sinh khẳng định năng khiếu và sự khác biệt, nền tảng nuôi dưỡng khả năng sáng tạo và thái độ dám chấp nhận rủi ro khi đi tìm cái mới. Điều này gắn với thay đổi về phương pháp giáo dục, đặc biệt là đánh giá.
Về mặt phương pháp, chương trình mới coi trọng trải nghiệm của học sinh, thay cho lối tiếp thu “thầy đọc - trò chép”. Người thầy không còn là một “diễn viên” truyền giảng kiến thức, mà là người tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm kiếm tri thức và đạt đến hiểu biết thông qua trải nghiệm cá nhân của chính họ.
TS Phạm Thị Ly cho rằng, quan niệm “nếu không có đánh giá, học sinh không chịu học” cũng phải thay đổi. Nguyên nhân do trước đây chúng ta coi đánh giá chất lượng học tập là nhằm ghi nhận kết quả đạt được, nhưng xu hướng hiện nay là đánh giá nhằm phục vụ cho quá trình giáo dục, cung cấp thông tin phản hồi cho thầy và trò để điều chỉnh quá trình dạy và học.
“Vì vậy thay cho việc kiểm tra kiến thức và khả năng ghi nhớ hiện nay, chương trình mới sẽ đánh giá mức độ đạt được những năng lực liên quan của học sinh, ghi nhận quá trình phát triển những năng lực ấy để tiếp tục cải thiện nó. Cách thi cử do đó cũng phải khác. Bài thi phải được thiết kế cho người học thực thi năng lực mà họ đã đạt được thay cho việc nhắc lại những gì đã được học” - TS Phạm Thị Ly nói.
Việc kết hợp giữa tích hợp ở các lớp dưới và phân hóa ở các lớp trên, theo bà Ly, là phù hợp với xu hướng quốc tế, nhằm nhấn mạnh khả năng lựa chọn và trao quyền lựa chọn cho học sinh gắn với những nỗ lực hướng nghiệp. Tích hợp không chỉ nhằm giảm tải, mà còn là giúp học sinh vận dụng kiến thức của những lĩnh vực khác nhau vào việc hiểu biết hay xử lý một vấn đề.
Theo các nhà giáo dục, những khác biệt của Chương trình GDPTTT so với chương trình hiện hành là rất lớn. Nếu thực hiện được thì sẽ tạo ra chuyển biến về chất. Nếu như trước đây xây dựng chương trình trên cơ sở trả lời câu hỏi “Chúng ta muốn học sinh biết cái gì”, thì nay chương trình được xây dựng nhằm trả lời câu hỏi “Học sinh sẽ làm được gì và làm như thế nào khi kết thúc mỗi giai đoạn học tập trong nhà trường”. TS Phạm Thị Ly đồng ý với ý cho rằng đây là thay đổi lớn nhất kể từ năm 1945 đến nay.
Giáo viên đã sẵn sàng chưa?
Tuy nhiên, điều dư luận lo ngại và đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay được đào tạo để dạy theo chương trình cũ (hiện tại). Họ sẽ xoay sở như thế nào với chương trình mới? TS Phạm Thị Ly nhấn mạnh, vấn đề giáo viên và thiết chế chính là “điều kiện đủ” để thực hiện những ý tưởng của chương trình mới.
“Bộ GD-ĐT nhận định đội ngũ giáo viên phổ thông gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, chúng tôi e rằng chữ “chuẩn” ở đây chỉ có nghĩa là bằng cấp. Chúng ta chưa có bất cứ nghiên cứu nào được thực hiện một cách độc lập, có hệ thống, và dựa trên những phương pháp đáng tin cậy để đánh giá mức độ hài lòng của phụ huynh đối với chất lượng giáo dục ở phổ thông hiện nay trong đó có chất lượng người thầy. Thay đổi một cách nghĩ đã ăn sâu không chỉ một vài chục năm, mà là hàng nghìn năm từ chương theo lối thầy đọc trò chép, không phải chuyện dễ dàng, chưa nói tới việc thực hiện cách dạy mới, cách đánh giá mới” - bà Phạm Thị Lý thừa nhận.
Tương tác giữa thầy và trò ở bậc học phổ thông vô cùng quan trọng. Vì vậy, thành công của chương trình GDPT mới phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Bên cạnh việc đào tạo và tái huấn luyện đội ngũ giáo viên, quan trọng hơn nữa là động lực làm việc của người thầy, đó chính là thu nhập.
“Việc thực hiện chương trình GDPT mới không thể tách rời bài toán tài chính giáo dục. Trường phổ thông cũng phải đổi mới căn bản, quan trọng nhất là đổi mới cơ chế quản lý theo hướng dân chủ hoá, xã hội hoá; nhà trường được tự chủ, được giám sát và chịu trách nhiệm giải trình” - TS Phạm Thị Lý đề xuất.
Các chuyên gia nhận định: Đổi mới chương trình GDPT lần này, nếu được thực hiện với những điều kiện cần và đủ, sẽ thay đổi tận gốc rễ tình trạng học nhồi nhét, và thái độ học để thi và để lấy bằng. Thay vào đó, chúng ta sẽ có một thế hệ được huấn luyện cách tư duy thông qua hoạt động trải nghiệm và sáng tạo; được phát triển thiên hướng riêng của mình, thay cho nhiều thế hệ trước đây phải học văn mẫu, và phải trở thành những bản sao không có bản sắc./.
Theo Lại Thìn/VOV.VN