Xung quanh việc Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, trước thực trạng rất nhiều trường mở đào tạo ngành y, dược, Bộ Y tế đã có kiến nghị mọi sinh viên tốt nghiệp ngành này, cả trường công và trường tư, đều phải thi chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
Bộ Y tế sẽ siết chất lượng nhân lực ngành y để đảm bảo
khả năng khám, chữa bệnh cho người dân. (Ảnh: TTXVN)
“Tuy nhiên, kiến nghị này vẫn chưa được Quốc hội chấp nhận. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đề xuất lại vấn đề này,” ông Cường nói.
Theo ông Cường, việc cấp chứng chỉ hành nghề ở ngành y, dược không phải là vấn đề mới lạ mà đã được nhiều nước áp dụng. Do đây là ngành đặc thù, năng lực của y, bác sỹ quyết định đến tính mạng con người nên ở nhiều nước trên thế giới, chứng chỉ hành nghề chỉ có giá trị 5 năm. Sau 5 năm, các y bác sỹ sẽ phải thi lại chứng chỉ mới được hành nghề nên họ luôn luôn phải nỗ lực, học hỏi, cập nhật kiến thức mới.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, nhân lực ngành y tế vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nếu ở các nước phát triển, tỷ lệ bác sỹ là 30 người trên một vạn dân thì ở Việt Nam, con số này rất khiêm tốn, chỉ 7,5 bác sỹ trên một vạn dân.
Với thực trạng đó, Bộ Y tế luôn luôn ủng hộ việc mở rộng đào tạo, tuy nhiên đi kèm với đó là yêu cầu phải đảm bảo chất lượng đào tạo, thắt chặt đầu ra. Trong đó, việc thi chứng chỉ hành nghề là một giải pháp hữu hiệu.
Ông Cường cho rằng việc thi chứng chỉ không chỉ giúp các y, bác sỹ luôn luôn phải nâng cao trình độ của mình, là động lực để các sinh viên ngành y luôn phải cố gắng học tập để có thể thi đạt chứng chỉ và đi làm ngay sau khi ra trường, mà cũng là cách để các trường phải cân nhắc hơn nữa trong việc mở đào tạo ngành y.
Nếu trường không đảm bảo chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường không đi làm được, không cơ sở y tế nào dám nhận thì trường sẽ không thể thu hút được người học.
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có 22 trường đại học, cao đẳng tham gia đào tạo nhân lực ngành y, gồm cả trường đa ngành và chuyên ngành, trường công lập và ngoài công lập. Trong đó, có 5 trường ngoài công lập. Mức độ đào tạo giữa các trường cũng có sự chênh lệch rất lớn.
Trước thực trạng này, ông Cường cho biết thời gian tới, Bộ Y tế sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo để hai bộ cùng phối hợp hậu kiểm lại điều kiện đảm bảo đào tạo của tất cả các trường, cả trường công và trường tư.
“Nếu trường nào không đảm bảo chất lượng đào tạo sẽ phải đóng cửa,” ông Cường nói.
Trước đó, lãnh đạo các trường đại học chuyên ngành y, dược cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc điều kiện mở ngành y, dược quá dễ, nhiều trường mở ngành nhưng không đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì đây là ngành học đặc thù, có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người nên lãnh đạo các trường cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải siết chặt hơn nữa trong việc cấp phép đào tạo cho các trường, nhất là ở các trường đa ngành.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lên tiếng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tham vấn ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế trước khi cấp phép mở ngành cho các trường.
Tiếp thu các ý kiến này, từ tháng 12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tạm dừng mở ngành y, dược ở các trường không chuyên đồng thời phối hợp với Bộ Y tế để đưa ra các tiêu chí đối với việc mở ngành học đặc thù này. Trong việc thẩm định mở ngành y, dược của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mời Bộ Y tế cùng tham gia./.
Theo MAI GIANG (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/kien-nghi-thi-chung-chi-hanh-nghe-voi-sinh-vien-tot-nghiep-nganh-y/357767.vnp