Bỏng là một cấp cứu xảy ra do tai nạn hoặc bất cẩn, nhiều nạn nhân bị bỏng nhập viện chưa biết cách sơ cứu ban đầu. Thậm chí nhiều người đã tự ý điều trị tại nhà bằng các kinh nghiệm truyền miệng như: bôi xà phòng, dội nước mắm, bôi kem đánh răng, đắp thuốc... sau nhiều ngày điều trị không khỏi dẫn tới vết bỏng bị loét, nhiễm khuẩn mới đưa đến bệnh viện.
Khi bị bỏng cần ngâm vùng da bị tổn thương vào nước mát.
Vì vậy, cần có hướng sơ cứu đúng khi nạn nhân bị bỏng để việc điều trị không kéo dài và khả năng hồi phục sức khỏe nạn nhân được tốt hơn.
Khi phát hiện nạn nhân bị bỏng cần cách ly nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng, ngâm vùng bị bỏng vào nước mát, sạch trong 30 phút. Vào mùa đông, thay vì ngâm, nên đắp khăn ướt sạch lên vết thương. Phải xử trí đúng ngay sau khi bị bỏng, nếu để quá 15 phút thì hiệu quả sẽ giảm đi một nửa. Bước tiếp theo là lấy gạc khô băng ép lên để tránh phồng. Nâng cao vùng bị bỏng sẽ giúp vết thương giảm phù nề hơn. Sau đó, nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị đúng cách.
Không được cởi ngay quần áo của nạn nhân, đối với vùng bỏng ở quần áo phải làm mát bằng cách tưới nước mát sau đó dùng kéo cắt dần quần áo của nạn nhân. Nếu cởi ngay quần áo của nạn nhân vùng bỏng sẽ bị trớt lớp da ngoài gây mất nước, sẽ đau đớn hơn, nguy cơ nhiễm khuẩn cao, khó phục hồi. Nước mát, sạch là phương thuốc sơ cứu bỏng tốt nhất, tổn thương bỏng là nóng rát, nước mát sẽ làm giảm đau, giảm nóng rát ngay tức thì. Và có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề, làm giảm độ sâu của tổn thương bỏng đối với tổn thương bỏng nông. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho nạn nhân bỏng vì vùng da bị bỏng quá lạnh sẽ gây ra hiện tượng co mạch máu và làm tình trạng bỏng nặng nề hơn. Không nên ngâm rửa vết bỏng trong nước ấm nóng vì như vậy vết bỏng sẽ nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ cao tác động vào.
Đối với vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương hẹp, nông có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi khám và đánh giá có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đối với trường hợp bỏng rộng, sâu, nặng hơn cần thực hiện y lệch của nhân viên y tế, không chữa theo sự mách bảo.
Không nên dùng các loại thuốc mỡ, dầu, nước mắm, kem đánh răng... hoặc bất kỳ chất nào thoa vào vùng da bị bỏng khi chưa rửa sạch. Tác dụng của những cách đắp này chưa được xác thực, trong khi biến chứng để lại nặng nề hơn vì dễ gây nhiễm khuẩn vết thương.
Phòng tránh bỏng
Cần phòng tránh nguy cơ gây bỏng bằng cách luôn chú ý giám sát trẻ, sắp xếp đồ đạc quanh nhà hợp lý. Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bật lửa... gọn gàng ở nơi trẻ không với tới được, người cao tuổi không vấp phải. Bố trí bếp và nơi nấu ăn hợp lý như để bếp lò phẳng, cao hoặc có vách ngăn. Luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn nóng khi bế trẻ nhỏ... Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh để không va đụng. Đối với người cao tuổi có uống thuốc điều trị bệnh mạn tính dễ ngã do chóng mặt nên tránh xa bếp sưởi, nấu ăn để phòng tai nạn.
Bác sĩ Dương Trung Kiên
Theo suckhoedoisong.vn