Hội thảo “Thơ Xuân Diệu và những đóng góp của Xuân Diệu trong tiến trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại”, Phố sách xuân Bính Thân 2016 tổ chức tại Hà Nội khai mạc ngày mồng 3 Tết, miễn vé tham quan di tích Cố đô Huế trong 3 ngày Tết Nguyên đán.
Phố sách Xuân Hà Nội những năm trước.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nhà thơ Xuân Diệu
Ngày 3/2 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo về “Thơ Xuân Diệu và những đóng góp của Xuân Diệu trong tiến trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Diệu (2/2/1916-2/2/2016).
Hoạt động nhằm đánh giá một lần nữa những đóng góp của nhà thơ vào tiến trình văn học Việt Nam, những cống hiến của Xuân Diệu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển văn hóa của đất nước; ôn lại những bài học nhân tình, cao thượng của Xuân Diệu với cuộc đời, văn chương và những người đồng nghiệp trẻ tuổi.
Gần 50 tham luận được gửi tới hội thảo cho thấy sức sống của thơ Xuân Diệu, và thơ Xuân Diệu vẫn là đề tài lớn để các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu.
Tại hội thảo, các đại biểu đều ghi nhận, mới 30 tuổi, Xuân Diệu nổi tiếng với hai tập thơ ”Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”. Ông được biết đến với tư cách là nhà thơ lãng mạn, trữ tình. Xuân Diệu có hơn nửa thế kỷ sáng tạo thơ. Ông là người có ảnh hưởng nhất trong phong trào Thơ mới. Từ đỉnh cao của dòng thơ trữ tình lãng mạn, ông chuyển sang dòng thơ anh hùng ca, tự sự trữ tình, pha chút chính luận một cách dứt khoát từ tập thơ “Ngọn quốc kỳ” (1945) đến tập “Một khối hồng” (1964) rồi “Thánh ca” (1982)...
Là gương mặt nổi bật của nền thi ca hiện đại, Xuân Diệu để lại khoảng 450 bài thơ, trong đó có một số lượng lớn chưa được công bố, một số truyện ngắn, nhiều bút ký và tiểu luận phê bình văn học. Xuân Diệu là đại biểu Quốc hội khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Nghệ thuật của nước Cộng hòa dân chủ Đức (cũ). Nhà thơ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Ông mất ngày 18/12/1985 tại Hà Nội. Tên của ông đã được đặt cho một số đường phố, trường học, nhà văn hóa, bảo tàng tại thành phố Hà Nội và tỉnh Bình Định.
Phố sách xuân Bính Thân Hà Nội 2016
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBND về tổ chức “Phố Sách Xuân Bính Thân 2016” nhằm tôn vinh văn hoá đọc và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phố sách xuân Bính Thân 2016 sẽ diễn ra từ ngày 10/2/2016 (mùng 3 Tết) đến 15/2/2016 (mùng 8 Tết) tại phố Lê Thạch (quận Hoàn Kiếm), với điểm nhấn là phần trưng bày, giới thiệu chủ đề sách về “Thăng Long - Hà Nội” và “Mừng Đảng-Mừng Xuân”.
Phố sách xuân Bính Thân 2016 sẽ phục vụ nhu cầu của mọi đối tượng bạn đọc: Sách thiếu nhi, sách văn học, sách kinh tế, khoa học kỹ thuật, sách ngoại văn, sách điện tử và thiết bị số. Tại Phố sách cũng tổ chức các hoạt động giới thiệu, ký tặng sách, giao lưu với các nhà văn, các tác giả; giới thiệu nghệ thuật thư pháp, câu đối Tết; tô màu sách lịch sử, vẽ tranh thiếu nhi, vẽ chân dung. Đồng thời, kết hợp tổ chức một số chương trình thơ Xuân, biểu diễn nghệ thuật; bố trí một số khu vực đọc sách để bạn đọc có thể nghỉ chân, thư giãn; trang trí đẹp, tạo không gian văn hóa đọc và không khí khai xuân đặc trưng của Hà Nội…
Miễn vé tham quan di tích Cố đô Huế trong 3 ngày Tết Nguyên đán
Từ ngày 8-10/2 ( tức ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết Bính Thân), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế miễn vé vào cửa cho nhân dân và khách du lịch là người Việt Nam (kể cả Việt kiều) khi đến tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế.
Sau lễ dựng nêu (lễ Thướng tiêu) ngày 23 tháng Chạp năm Ất Mùi, từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết Bính Thân 2016, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức biểu diễn "Ngũ lân nghinh Xuân" tại Ngọ Môn; trình diễn thư pháp, trò chơi cung đình và dân gian, trình diễn lân, sư, rồng tại sân Điện Thái Hòa; lễ đổi gác tại Ngọ Môn vào 9h 30' hằng ngày; trình tấu Đại nhạc, tiểu nhạc tại sân Thế Miếu và sân điện Thái Hòa...
Nhật Nam
Theo chinhphu.vn