Giữ những điều tinh tế trong âm nhạc mà cha ông truyền lại đồng nghĩa với việc hạn chế sự ảnh hưởng của tâm lý ăn sẵn, na ná nhau, không bản sắc.
Một ấn tượng khó quên đối với công chúng yêu nhạc trong năm qua là được thưởng thức các chương trình âm nhạc cổ truyền đúng mực nhất do các nghệ sĩ-nghệ nhân lão làng trong nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc biểu diễn.
Những âm thanh từ tre, trúc, từ tiếng tơ một thuở cùng với lối hát trực tiếp không qua hỗ trợ của hệ thống âm thanh điện tử đã làm nên thương hiệu cho âm nhạc cổ truyền thông qua các chương trình như "Chuyện nhạc phố cổ", "Tiếng trúc tiếng tơ", "Tố nữ dân ca" ... diễn ra liên tục trong năm 2015. Hành trình ấy của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc là một sự nỗ lực lớn của các nghệ sĩ trong việc tìm lại hồn âm nhạc dân tộc.
"Chỉ hoài niệm lại tiếng tơ, chỉ hoài niệm dây tơ chứ có ai biết được mặt mũi dây tơ như thế nào. Bây giờ lại làm được dây tơ này là một điều tôi mừng nhất. Sau này chỉ mong nó sẽ tỏa ra nữa để ta cố gắng giữ gìn bản sắc".
"Chúng tôi hát những làn điệu Chèo hay làn điệu Ca trù, hát Văn đều lấy từ văn cổ. Nhưng kết hợp với cây đàn ngày xưa các cụ dùng tiếng tơ người ta se lại để người ta đánh đàn toàn bằng dây tơ hết. Tiếng tơ vào dây tơ rất hay, rất đằm thắm, quyện lại với nhau".
"Trúc tơ vẫn là một cuộc gặp gỡ để xây dựng một câu chuyện âm nhạc Việt Nam có Bắc, có Nam và có các bộ môn đều là cổ nhạc Việt Nam".
Đó là chia sẻ của các Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch, Thanh Hoài và nghệ sĩ Đàm Quang Minh - ba thành viên của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc khi nói về sự độc đáo của các chương trình âm nhạc cổ truyền mà họ đã dày công gây dựng.
Họ đang kể câu chuyện của những dòng nhạc cổ tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ- một không gian quen thuộc tái hiện gần như nguyên bản hình ảnh rạp Lạc Việt cách nay hơn 100 năm, với những lối hát, lối đàn cổ truyền.
Mỗi người góp một câu chuyện âm nhạc của riêng mình, tạo nên bức tranh toàn cảnh về cổ nhạc Việt Nam, từ hát Chèo, hát Văn, hát Xẩm cho đến Ca trù, Đờn ca tài tử, Cải lương... Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, đạo diễn các chương trình của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc cho biết: Nếu nghệ sĩ ưu tú Thanh Bình mang đến dòng Ca trù đàn hát khuôn, nghệ sĩ Công Hưng vừa là một tay đàn, thành danh với loại hình nghệ thuật hát Văn thì nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch lại thành công khi tung hoành với chiếc đàn đáy và hát Xẩm.
Để làm được điều đó, suốt nhiều năm trước, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch đã bắt tay khôi phục dây tơ cho những cây đàn đáy, đàn bầu, đàn nhị. Đây cũng là lúc nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc bắt đầu tìm lại được cách đàn, cách hát và con đường trở về với âm nhạc cổ truyền một cách đúng mực nhất, như các cụ ngày xưa đã từng làm.
Vẫn là những chương trình nhạc cổ, dù ở địa điểm quen thuộc 50 Đào Duy Từ hay khi biểu diễn theo yêu cầu tại những không gian văn hóa như Heritage space, Manzi hay Trung tâm Văn hóa Pháp, nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc luôn đem đến cho khán thính giả nhiều góc tiếp cận khác nhau. Lúc thì lấy tứ là tiếng trúc tiếng tơ, lúc lại từ ý tưởng một triển lãm tranh "Tố nữ dân ca" để thể hiện những làn điệu chèo cổ; Vẫn trên nền làn điệu Ca trù, hát Xẩm, các nghệ sĩ- nghệ nhân lão làng lại thổi hồn âm nhạc từ những vần thơ lục bát...
Ông Nguyễn Xuân Thành, một khán giả tại Hà Nội chia sẻ: "Lâu lắm tôi mới được nghe những chương trình mà mình thấy rạo rực từ đầu đến cuối, nhớ lại những lúc còn nhỏ mình đi nghe xẩm, xem hát chèo. Ở đây toàn là những nghệ sĩ, nghệ nhân tài năng, là những tinh túy mà các nghệ sĩ đã truyền lại cho người xem".
Nhóm Đông Kinh cổ nhạc đang dựng thêm nhà tre truyền thống tại làng Láng (Hà Nội), có tên gọi là "Nhà tre, nhạc Việt, hát tiếng tơ", biến nơi đây thành trung tâm văn hóa âm nhạc thuần Việt, hoạt động thường xuyên. Nhóm cũng đang bổ sung dần một số gương mặt trẻ thông qua các chương trình biểu diễn.
Tuy nhiên theo nhạc sĩ Vũ Nhật Tân thì con số ấy không nhiều. Điều đáng tiếc là hầu hết các trường đào tạo âm nhạc cũng như các đoàn nghệ thuật hiện nay lại phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị âm thanh điện tử, làm mất đi tính chân thật khi biểu diễn. Trong khi đó, thử thách của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc là các nghệ sĩ trẻ phải tham gia luyện tập cùng các nghệ nhân, phải theo lối hát, lối đàn bằng chính khả năng của mình:
Hành trình tìm lại hồn dân tộc cũng là cách tìm lại chính mình. Truyền thống âm nhạc là một chặng đường dài, được bồi đắp từ nghệ thuật và cái tâm của người nghệ sĩ, để các giá trị cổ truyền được lưu giữ và bảo tồn cùng năm tháng.
Giữ những điều tinh tế trong âm nhạc mà cha ông truyền lại cũng đồng nghĩa với việc hát thật, đàn thật và hạn chế sự ảnh hưởng của tâm lý ăn sẵn, na ná nhau, không bản sắc. Hành trình ấy luôn luôn mới nếu mỗi người biết lắng nghe từ trái tim mình./.
Theo Phương Thúy/VOV.VN