Đau vai gáy là bệnh hay gặp trên lâm sàng, bệnh thường gặp ở người già và tuổi trung niên.
Khương hoạt.
Đông y cho rằng do tấu lý sơ hở phong hàn thấp thừa cơ xâm nhập gây tổn thương kinh lạc, cản trở lưu thông khí huyết, gây đau. Bệnh lâu ngày gây tổn thương cân cơ gây yếu, teo cơ. Tùy từng thể bệnh mà có các bài thuốc điều trị thích hợp khác nhau.
Thể phong hàn thấp (do lạnh)
Thường xảy ra đột ngột do co cứng các cơ thang, đòn chũm khi gặp lạnh, gối cao, đông y cho rằng do phong hàn xâm phạm vào các đường kinh mạch ở vai gáy gây ra.
Triệu chứng thường gặp đột nhiên vai gáy cứng đau quay cổ khó, ấn vào các cơ thang, đòn chũm thấy đau và co cứng so với bên lành, sợ lạnh, rêu trắng, mạch phù.
Pháp điều trị: khu phong, tán hàn, thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc 1: can khương, thương truật, phụ linh thang.
Thành phần: can khương 8g, thương truật 8g, cam thảo 6g, phục linh 12g, quế chi 8g, xuyên khung 12g, ý dĩ 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài thuốc 2: trước tý thang.
Thành phần: khương hoạt 12g, độc hoạt 12g, quế chi 8g, xuyên khung 10g, tần giao 12g, chích cam thảo 6g, nhũ hương 6g, đương quy 12g, cành dâu 40g, mộc hương 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Thể phong thấp nhiệt
Triệu chứng của thể này thường là: đau vai gáy kèm theo đau nhức mình mẩy, có thể có cảm cúm kèm theo, cổ cứng đau khó quay, ấn vào các cơ thang, sợ lạnh, rêu trắng, mạch phù sác.
Pháp điều trị: khu phong, trừ thấp, thanh nhiệt giải độc, thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc: sài cát giải cơ thang.
Thành phần: khương hoạt 8g, bạch chỉ 10g, bạch thược 12g, cát cánh 12g, hoàng cầm 8g, thạch cao 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Thể can thận hư (thường do thoái hóa cột sống cổ)
Triệu chứng thường gặp: đau cứng gáy, quay trở khó khăn, cúi xuống khó khăn, vận động nhiều thì đau nhiều có khi giật hoặc đau từng cơn, có thể kèm theo tê mỏi vùng vai lan xuống tay, nằm nghỉ thì đỡ đau, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.
Pháp điều trị: khu phong, trừ thấp, bổ can thận.
Bài thuốc 1: quyên tý thang.
Thành phần: khương hoạt 8g, phòng phong12g, xích thược 12g, nghệ vàng 12g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài thuốc 2: bổ thận tráng cân thang.
Thành phần: thục địa 16g, đương quy 12g, ngưu tất 12g, tục đoạn 12g, thanh bì 10g, ngũ gia bì 12g, sơn thù 8g, bạch linh 12g, đỗ trọng 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Thể huyết ứ (thoát vị đĩa đệm, chấn thương).
Triệu chứng: gáy cứng, xoay chuyển khó khăn, đau nhức, có thể có những điểm đau dữ dội, chân tay tê dại, gân xương đau mỏi, lưỡi thâm tím, mạch trầm hoạt hoặc sáp.
Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, hành khí thông lạc, trừ thấp.
Bài thuốc 1: thư cân hoạt huyết thang.
Thành phần: kinh giới 10g, phòng phong 12g, chỉ xác 8g, thanh bì 8g, khương hoạt 12g, độc hoạt 12g, tục đoạn 16g, đỗ trọng 16g, đương quy 12g, ngũ gia bì 16g, ngưu tất 16g, hồng hoa 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài thuốc: tứ vật đào hồng.
Thành phần: thục địa 12g, đương quy 12g, xích thược 12g, xuyên khung 10g, đào nhân 8g, hồng hoa 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bên cạnh việc sử dụng các bài thuốc uống, khi bị đau vai gáy có thể áp dụng kết hợp các bài thuốc đắp, chườm bên ngoài sẽ có tác dụng nhanh hơn. Các bài thuốc chườm bên ngoài gồm:
Bài 1: Dùng lá cúc tần và lá lốt mỗi thứ một nắm, giã nhỏ, trộn rượu sao nóng. Dùng miếng vải gói lại đem chườm tại chỗ.
Bài 2: Dùng ngải cứu trộn với muối sao nóng. Dùng khăn vải gói thuốc rồi chườm vào nơi bị đau. Có thể thực hiện theo cách này nhiều lần trong ngày, tốt nhất là vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ sẽ giúp giảm đau hiệu quả.
Phòng bệnh: khi làm việc không cúi đầu quá lâu, không gối đầu cao quá, không để quạt hay điều hòa chiếu thẳng vào vùng cổ gáy kéo dài...
TS.BSCKII.Dương Trọng Nghĩa
Theo suckhoedoisong.vn