Bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đang ngày một nhiều và hệ lụy của nó đối với gia đình bệnh nhân và xã hội vô cùng nặng nề.
Cháu Nguyễn Tô Anh Trọng trong những ngày đầu điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
Chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều bệnh nhân ung thư như hiện nay. Nếu như trước đây, HIV/AIDS được gọi là căn bệnh thế kỷ nay ung thư đã chiếm vị trí này và trở thành đại dịch ở nước ta.
Đó là những nhận xét của giới chuyên môn thông qua nhiều cuộc điều tra, khảo sát thực tiễn. Vì sao bệnh ung thư lại ngày một nhiều ở Việt Nam và hệ lụy của nó diễn ra như thế nào?
Đây không phải là tiếng khóc chào đời được mong đợi tại các khoa sản hoặc bệnh viện sản khoa, mà là tiếng khóc xé lòng của một bệnh nhi ung thư đang trải qua những đau đớn tột cùng khi phải điều trị truyền hóa chất. Tiếng khóc đó là của cháu Nguyễn Tô Anh Trọng, 13 tháng tuổi, đang điều trị ung thư máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Bệnh tật phát tác sớm, khiến Trọng nhỏ thó so với những em bé cùng trang lứa. Cái đầu em to hơn người, nước da xanh bủng, đôi mắt sâu trũng nhòe nước mắt và cặp môi nhợt nhạt luôn thiếu vắng nụ cười, khiến ai nhìn cũng phải xót xa.
Chị Tô Thị Loan ở Thị trấn Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định - mẹ của cháu Trọng tâm sự, hơn 3 tháng qua, chị phải bỏ việc ở nhà máy để chăm sóc con. Mỗi lần nhìn thấy con đau đớn, héo mòn vì bệnh tật, lòng chị lại quặn thắt. Đôi mắt thâm quầng của người mẹ này ghi dấu nhiều đêm mất ngủ.
Chị nói: “Đây là con đầu tiên của vợ chồng tôi. Lúc phát hiện bệnh, cháu mới hơn 10 tháng tuổi. Đợt đầu cháu truyền 7 ngày hóa chất, rồi chọc tủy xét nghiệm thấy còn 60% tế bào ác tính trong người nên phải truyền hóa chất đợt 2. Đợt truyền này nặng hơn nên cháu phù hết cả chân tay, lên cơn sốt rét run, tái hết cả người. Cháu còn truyền hóa chất đợt 3 nữa. Cháu còn bé mà phải truyền hóa chất nên toét hết cả ven. Các bác sỹ khuyên nên đặt “bót” ở ngực cho con để đỡ phải lấy ven nhưng điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên tôi không có tiền…”.
Ung thư có thể đến với bất cứ ai. Ở các bệnh viện lớn như Nhi Trung ương, K Trung ương, Viện huyết học- Truyền máu Trung ương và các bệnh viện ung bướu của các tỉnh, thành phố, mỗi năm điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhi ung thư. Từ em bé vừa lọt lòng đến những học sinh phổ thông. Tất cả các em bị bệnh ung thư đánh cắp tuổi thơ và phải bỏ dở việc học hành. Tại các khoa điều trị ung thư cho người lớn cũng đủ mọi thành phần và lứa tuổi; từ thanh niên đến người trung tuổi và người già; từ nông dân đến trí thức, từ công nhân viên chức đến lãnh đạo cấp cao.
Đứng trước đại dịch ung thư, các y, bác sỹ - những người am tường nhất về sức khỏe mà cũng “dao sắc không gọt được chuôi”. Một bác sỹ đang là lãnh đạo của một bệnh viện lớn bỗng đứng trước án tử vì ung thư gan giai đoạn cuối. Có những cặp vợ chồng bác sỹ đều qua đời vì ung thư ruột… Với câu hỏi “gia đình có người bị ung thư không”? gần như tới nhà nào cũng nhận được câu trả lời rằng: có.
Đến nay, những trường hợp một gia đình có đến 4 người chết vì ung thư như nhà cụ Tuất ở làng Lũng Vị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội không còn là chuyện hiếm. Hàng chục thôn, xóm có tỷ lệ mắc và tử vong cao gấp nhiều lần so với mức trung bình cả nước được gọi là làng ung thư.
Theo số liệu thống kê giai đoạn 2005 đến 2010, cứ mỗi năm nước ta phát hiện thêm khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư và có khoảng 95.000 trường hợp tử vong vì bệnh này. Trong đó, trung bình mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca ung thư gan mới phát hiện, chiếm tỷ lệ cao nhất thế giới. Những con số vừa nêu đã báo động về một đại dịch ung thư từ cách đây hơn 5 năm. Hội Ung thư Việt Nam và Bộ Y tế nhận định ung thư là vấn đề quốc gia và ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, bệnh ung thư đang là một đại dịch ở Việt Nam.
Giáo sư Đức nói: “Trước đây chúng ta lo lắng cho tương lai về một đại dịch ung thư thì nay đã là sự thật. Chúng ta phải thấy rằng, bệnh ung thư đang phát triển trở thành một vấn đề rất bức xúc trong xã hội, là một vấn đề rất bức xúc đối với mỗi gia đình, từng dòng họ, tập thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học… Ở đâu chúng ta cũng đều thấy thân nhân, đồng nghiệp, họ hàng, bạn bè của chúng ta chết vì ung thư, hiện tượng này đang diễn ra trước mắt, hàng năm và rất nhiều. Trước đây chỉ nghe loáng thoáng đây đó có bệnh nhân ung thư, còn nay gần như nhà nào cũng có người mắc ung thư. Từ nay đến 2020 tỷ lệ ung thư còn tăng cao hơn vì chúng ta chưa kiểm soát được các yếu tố nguy cơ”.
Bệnh ung thư đã và đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tuy nhiều bệnh viện ung thư được thành lập hoặc mở rộng nhưng tình trạng quá tải bệnh nhân ung thư ở nước ta vẫn xảy ra trầm trọng tại các các cơ sở y tế đã đủ thấy tình hình bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Chúng tôi sẽ đề cập trong các bài viết sau./.
Theo Văn Hải/VOV.VN