Cập nhật: 02/03/2016 10:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

H.Pylori (Helicobacter Pylori) là vi khuẩn rất phổ biến sống trên màng hoạt dịch của dạ dày con người, được xem là nguyên nhân của bệnh viêm loét dạ dày. Thế nhưng, những nghiên cứu mới đây cho thấy H.Pylori cũng có những vai trò tích cực.

H.Pylori trong dạ dày con người.

Vai trò phòng bệnh

H.Pylori gây ra bệnh viêm loét dạ dày ở một số người, nhưng đại đa số những người mang vi khuẩn này không có triệu chứng nào của bệnh. Tới nay, đây là nhóm vi khuẩn duy nhất được tìm thấy có khả năng sống ở môi trường axit cao của dạ dày.

Từ khi bị phát hiện và tình nghi là thủ phạm gây bệnh viêm loét dạ dày, tỷ lệ nhiễm H.Pylori ở các nước phát triển đã giảm đi đáng kể bởi các biện pháp vệ sinh thực phẩm và việc dùng thuốc kháng sinh. Trong cùng một thời gian, các trường hợp viêm loét và ung thư dạ dày giảm đi cùng tỷ lệ nhiễm H.Pylori. Thế nhưng ngược lại với mong đợi của chúng ta, các nghiên cứu ở Anh và Mỹ cho thấy, tỷ lệ ung thư thực quản, bệnh ợ chua cùng trào axit vào thực quản cũng đã tăng vọt. Từ những năm 1996, nhà vi sinh vật Martin Blaser (Trường Dược, Đại học New York - Mỹ) đã đưa ra giả thuyết: H.Pylori có tác dụng điều hòa và ngăn chặn sự trào axit vào thực quản. Vài năm sau, TS. Catherine de Martel (Cơ quan Nghiên cứu ung thư Quốc gia ở Pháp) đã công bố nghiên cứu cho thấy những người không có H.Pylori ở dạ dày có nguy cơ ung thư thực quản cao.

Các nhà nghiên cứu sinh vật học thuộc Đại học Stanford (Mỹ) cho biết, nhiều chủng vi khuẩn tìm thấy trong cơ thể con người có vai trò tích cực cho chuyển hóa, dinh dưỡng và phòng bệnh mà điển hình là trường hợp của H.Pylori. Ngoài ung thư thực quản, chứng ợ chua (trào axit lên thực quản) các tác giả còn cho thấy sự giảm nhiễm H.Pylori có thể còn làm tăng các bệnh như: viêm ruột kích thích, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn’s, thậm chí cả bệnh đái tháo đường.

Trong một nghiên cứu khác, nhóm bác sĩ người Đức đã cho thấy tác dụng phòng các bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm ở đường tiêu hóa cho trẻ em bởi H.Pylori. Ở các nước đang phát triển, các bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn (vi khuẩn và siêu vi khuẩn) gây tử vong cho rất nhiều trẻ em. Nghiên cứu được đăng tải mới đây trên tạp chí Journal of Infectious Diseases, đã theo dõi 2.500 trẻ em từ 5-8 tuổi, 54% số trẻ có H.Pylori bị các bệnh tiêu chảy trong 3 tháng từ trước đến thời điểm nghiên cứu, trong khi đó hơn 76% trẻ em không có H.Pylori đã bị các bệnh tiêu chảy này. Như vậy, H.Pylori đã phòng được một nửa các trường hợp tiêu chảy cho trẻ. Các tác giả đã kết luận: Do H.Pylori chỉ gây ra bệnh viêm loét dạ dày cho một tỷ lệ nhỏ số người bị nhiễm, việc dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn này ở trẻ em còn được cân nhắc lại.

Với người lớn, các thử nghiệm lâm sàng cũng không cho thấy một lợi ích nào của việc dùng kháng sinh để tiêu diệt H.Pylori ở những người bị ợ chua mà không có loét dạ dày. Các triệu chứng và tổn thương tại đường tiêu hóa hoàn toàn như nhau ở những bệnh nhân được dùng kháng sinh so với nhóm không được dùng kháng sinh.

Vi khuẩn trong cơ thể: Bạn hay thù?

Từ ví dụ về H.Pylori, chúng ta thấy rằng việc phân biệt bạn hay thù với các vi khuẩn tồn tại trong cơ thể chúng ta là rất phức tạp và không thể giải quyết một cách đơn giản. Trong môi trường, vi khuẩn tham gia vào mọi quá trình cân bằng: phân hủy và đưa vào đất, khí quyển các phân tử carbon, nitrogen, ôxy. Các chất thải độc hại, xác của các sinh vật chết, đều được phân hủy thành các chất hữu cơ bởi vi khuẩn. Nhờ hoạt động này, vi khuẩn lấy lại thăng bằng về hóa học cũng như sinh học cho môi trường sống.

Trong mũi, miệng, họng, đường ruột, đường sinh dục, tiết niệu... của con người và động vật có rất nhiều vi khuẩn lành tính sinh sống. Nhờ các vi khuẩn này, chúng ta không bị các vi khuẩn, nấm, virut gây bệnh hoặc có độc tố xâm nhập và làm hại cơ thể. Ngoài ra việc hợp tác của vi khuẩn trong cơ thể còn rất đa dạng như: tiêu hóa, tổng hợp vitamin, cung cấp các chất vi lượng, phòng ung thư hóa, phòng dị ứng, chống độc, điều hòa chuyển hóa, nội tiết và miễn dịch...

Nếu chúng ta quá chú trọng đến việc làm sạch bằng phóng xạ, hóa chất các thức ăn, nước uống... cùng với dùng thuốc hóa dược, thuốc kháng sinh bừa bãi, nhằm tiêu diệt hoặc cản trở sự sinh sống và phát triển của các vi khuẩn lành tính trong cơ thể, nhưng hậu quả không lường hết cho sức khỏe có thể xảy ra. Sự tăng vọt của các bệnh dị ứng, bệnh tự miễn và cả ung thư trên toàn cầu trong cuộc sống đầy hóa chất như hiện nay rất có thể có liên quan tới sự mất cân bằng hoặc giảm lượng vi khuẩn lành tính trong cơ thể và môi trường.

TS.BS. Hoàng Xuân Ba

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm