Rau cải giúp hạn chế suy giảm trí nhớ, nhờ vậy mà trong bệnh tự kỷ nó có khả năng giúp người bệnh hòa nhập tốt hơn; chữa phạm phòng, gút... Tuy nhiên, công dụng trị liệu còn tùy thuộc vào mỗi loại rau cải.
Cải bẹ xanh (Brassica campestris L.) còn gọi là cải dưa, cải sen, vân đài... Nó có vị cay, đăng đắng nên thường được gọi là cải đắng, lá có màu xanh đậm hoặc xanh nõn chuối. Cải bẹ xanh thường dùng để nấu canh, hay cuốn bánh xèo với rau xà lách. Cải bẹ xanh giàu vitamin A và vitamin K. Loài này có thể được dùng như một thực phẩm bổ sung selen, crôm, sắt và kẽm.
Cải bẹ xanh có vị cay, tính ôn, có tác dụng thông khí trừ đờm, làm ấm tỳ vị và kích thích tiêu hóa; thường dùng để chữa các chứng ho nhiều đờm, suyễn thở, bụng đầy đau, có tác dụng giải cảm hàn, thông đàm, lợi khí... Trong cải bẹ xanh có chứa rất nhiều các loại vitamin A, B, C, K, axít nicotic, catoten, abumin... Do đó mà cải bẹ xanh được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng vì có nhiều lợi ích đối với sức khỏe cũng như có tác dụng phòng chống bệnh tật như: phạm phòng, gút. Dưới đây là một số công dụng từ lá cải bẹ xanh:
Chống lão hóa da: với những thực phẩm rau có màu xanh đậm như cải bẹ xanh thì hàm lượng vitamin càng cao, giàu chất chống oxy hóa và axít folic cần thiết cho tế bào máu, giúp da dẻ hồng hào, tươi tắn. Vì vậy, mỗi ngày dùng từ 200 - 300g rau cải bẹ xanh trong khẩu phần ăn sẽ giữ được sự tươi trẻ.
Chữa bệnh gút: các chất trong nước rau cải bẹ xanh có tác dụng đào thải chất axít uric, nguyên nhân dẫn đến bệnh gút, dùng cải bẹ xanh nấu và uống mỗi ngày thay nước. Nhờ uống loại nước này đều đặn có tác dụng giúp thải ra ngoài chất axít uric, phòng trừ bệnh gút rất hiệu quả. Dùng cải bẹ xanh hay một số nơi gọi là cải đắng (có vị hơi đắng) nấu nước uống hàng ngày. Mỗi ngày dùng một lượng rau vừa đủ nấu với nước. Uống hàng ngày thay nước lọc. Tuy nhiên, không nên nấu quá đặc mà nên nấu loãng để dễ uống hơn. Nên uống trong thời gian ổn định.
Trị viêm họng, ho hen, mụn nhọt, trĩ, các chứng phong hàn…: dùng hạt cải bẹ xanh tán nhuyễn sau đó cho vào một ít nước, khuấy cho đến khi thấy sền sệt, dùng đắp vào phần hầu, băng lại sẽ thấy hiệu quả và giảm đau họng ngay. Ngoài ra, hạt cải bẹ xanh còn dùng để chữa trị các chứng đau lưng, đau xương sống, bệnh tiêu chảy...
Cải xanh (Brassica juncea (L.) Czern. et Coss), thuộc họ Cải Brassicaceae, còn gọi là cải canh, hoàng giới, trựu diệp giới (cải lá nhăn)... Cây của châu Á nhiệt đới và cận nhiệt đới, có nhiều ở vùng Trung Á. Ở nước ta, cải xanh được trồng rất phổ biến khắp cả nước làm rau ăn. Cây chịu được nóng mưa. Có thể trồng quanh năm, trừ những tháng nóng và mưa nhiều. Ở miền Bắc Việt Nam có hai vụ: vụ chiêm tháng 2 - 6, gieo 30 - 35 ngày thì được thu hoạch; vụ mùa tháng 8 - 11, gieo 20 - 25 ngày thì nhổ cấy, 30 - 35 ngày sau ăn được.
Đông y cho rằng cải xanh là loại rau lợi tiểu. Hạt cải có hình dạng, tính chất và công dụng như hạt mù tạt đen của châu Âu. Người ta cũng ép hạt lấy dầu (tỉ lệ 20%) chế mù tạt làm gia vị và dùng trong công nghiệp. Cải xanh có vị cay đắng, tính ấm, có tác dụng thông khiếu, an thần, tiêu hóa đờm thấp, tiêu thũng, giảm đau. Bởi vậy, được dùng chữa ho hen, làm tan khí trệ, chữa kết hạch, đơn độc sưng tấy. Ở Trung Quốc, hạt và cả cây cũng dùng làm thuốc chữa ho, long đờm, tiêu thũng, giảm đau.
Dưới đây là vài cách trị bệnh từ cải xanh:
Chữa ho hen, đờm suyễn ở người già: hạt cải xanh, hạt củ cải, hạt tía tô, mỗi vị 8 - 12g, sắc uống hay tán bột uống mỗi lần 4 - 5gel, ngày uống 2 - 3 lần.
Viêm khí quản: hạt cải xanh (sao) 6g, hạt Cải củ (sao) 10g, hạt cải bẹ (sao) 10g, nước 600ml, sắc còn 300ml, chia ba lần uống trong ngày.
Đơn độc sưng tấy: hạt cải xanh tán nhỏ, trộn dấm, làm cao dán, đắp ngoài…
Chữa viêm thận: dùng rau cải canh tươi 150g (khô 50g), đổ ngập nước, đun sôi, giữ nhỏ lửa 25 phút, sau đó đập 1 quả trứng gà vào, trộn đều, sau khi canh chín thêm chút muối; mỗi ngày ăn một lần sau bữa cơm trưa, liên tục trong nhiều ngày, hoặc có thể dùng cải canh khô sắc nước uống thay trà (Thực vật dược dụng chỉ nam).
Cải thìa (Brassica alba (L.) Boiss.), có nhiều loại như: cải bẹ trắng (Brassica chinensis L.), cải thìa (Brassica alba (L.) Boiss.), cải rổ tàu (Brassica var viridis L.), cải bắc thảo hay cải bắp dài...; cải bẹ trắng còn gọi là bạch thái, bạch giới thái, hồ giới, thục giới...
Theo Đông y, cải bẹ trắng có vị cay, tính ấm, không độc; có tác dụng khoan lợi, tiêu đàm, thuận khí trừ đờm, làm ấm tỳ vị, làm ra mồ hôi, tiêu thũng, chỉ thống. Thường dùng để chữa các chứng ho đờm, bụng đầy trướng, nôn mửa do lạnh, chân tay tê dại, cước khí, thũng độc, sang thương...
Khoa học nhận thấy rau cải trắng có thể thúc đẩy nhu động ruột, giúp tiêu hóa, phòng chống bí đại tiện và trĩ, tiêu trừ ứ huyết, có tác dụng trợ giúp phòng ngừa chữa ung thư kết tràng. Hàm lượng vitamin C trong rau cải trắng cũng khá cao, rất có ích cho việc phòng chống bệnh hoại huyết, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Hạt cải trắng dùng làm thuốc gọi là bạch giới tử, có vị cay, tinh ấm, tác dụng lợi khí, long đàm, thông kinh lạc, tiêu viêm, giảm đau. Thường dùng chữa đàm tích tụ, ho nhiều đàm, mụn nhọt, ống chân sưng đau (cước khí), đau nhức do phong hàn...
Duới đây là một số cách chữa bệnh bằng rau cải trắng:
Phòng chống cảm mạo: dùng 250g rau cải trắng, củ cải 100g, cho thêm hành, gừng tươi, tất cả rửa sạch, nấu lên để ăn trong ngày. Hay dùng rễ cải thìa 50g rửa sạch, gọt bỏ vỏ ngoài, thái lát, đường đỏ 30g, sắc nước uống trong ngày.
Tiêu đàm nhiệt, thông lợi đại tiểu tiện, giải nhiệt, hết khát: dùng rau cải trắng 300g, rửa sạch, luộc chín, cho thêm vào lượng đường phèn vừa đủ để ăn.
Chữa nẻ da, lở loét do giá lạnh: dùng 250g rễ cây rau cải trắng, 30g ớt, cho lượng nước vừa đủ vào, nấu sôi, lấy nước nguội để rửa ngoài. Rau cải trắng có thể thúc đẩy nhu động ruột, giúp tiêu hóa.
Chữa xuất huyết do loét dạ dày hoặc loét hành tá tràng: dùng toàn bộ cây rau cải trắng, đem rửa sạch, để ráo nước, ép vắt lấy nước, mỗi lần uống 30g, pha thêm đường trắng vào, hâm nóng lên uống, ngày 2 lần.
Viêm phế quản, suyễn thở: dùng hạt cải canh (sao) 3 - 6g, hạt củ cải (sao) 6 - 9g, vỏ quít 6g, cam thảo 6g, sắc nước uống (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).
Thanh phế nhiệt, chữa ho khan do viêm phế quản, ho do phê táo về mùa thu, táo kết dạ dày và ruột, đại tiện táo bón: thân cây rau cải trắng 100g, đậu phụ 50g, táo tàu 10 quả, nấu với nước ăn cả nước lẫn cái (bỏ hạt táo).
Chữa ho gà: dùng rễ cải thìa 2 cái, đường phèn 30g, sắc nước uống trong ngày.
Chữa viêm loét khoang miệng, viêm lưỡi: dùng rễ cải thìa gọt bỏ vỏ già ở ngoài, thái lát, sao nhỏ lửa cho vàng thẫm, tán thành bột mịn, cho vào lọ nút kín dùng dần. Mỗi ngày lấy bột thuốc bôi vào chỗ bị bệnh 2 - 3 lần. (Đối với trường hợp vết loét trong khoang miệng đã ăn sâu cần bôi thuốc nhiều ngày hơn).
Kiết lị ra máu, bụng đau, bồn chồn: dùng cải trắng cả cây, rửa sạch, giã vắt lấy 2 chén nước, hòa thêm 1 chén mật ong vào, hâm nóng uống.
Chữa ung thũng, hậu bối, nhọt mọc ỏ cổ: dùng lá cải trắng sắc nước uổng hoặc nấu thành các món ăn. Cũng có thể dùng giấy ẩm bọc cải bẹ, hơ nóng, chườm lên chỗ bị nhọt. còn gọi là cải bẹ trắng, bạch giới, hồ giới...
Hành kinh đau bụng do huyết ứ: dùng hạt cải bẹ 9g, hồng hoa 9g, diên hồ sách 9g, đan sâm 15g, xích thược 12g, hương phụ 12g sắc nước uống (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).Sản hậu đau bụng do huyết ứ: dùng hạt cải bẹ (sao) 6g, đương quy 9g, quế 4,5g; sắc nước uống (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).
Chữa sản máu hôi ra không ngừng, bụng ngực đau nhói: dùng hạt cải bẹ (sao), quế - hai vị liều lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, dùng dấm nấu với bột mì thành hồ, trộn với bột thuốc làm thành viên to bằng hạt nhãn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần uống 1 - 2 viên, chiêu thuốc bằng rượu ấm (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).
Chữa sản hậu chóng mặt: dùng hạt cải bẹ, sinh địa (khô) - hai thứ liều lượng bằng nhau; tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 6g bột thuốc, gừng tươi 7 lát, rượu, đồng tiện và nước - mỗi thứ nửa chén, sắc cạn còn 7 phần uống (Ôn thị hải thượng tiên phương).
Phụ nữ sau khi sinh ít sữa: dùng cải bẹ cả cây, giã đắp lên vú (Nhật dụng bản thảo).
BS. HOÀNG TUẤN LONG
Theo suckhoedoisong.vn