Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam- Châu Á 2016 được kì vọng sẽ góp phần thực hiện chiến lược bảo tồn và phát triển nghề, văn hóa truyền thống.
Đại diện Hiệp hội tơ lụa Châu Á có mặt tại Festival.
Vừa qua, Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam- Châu Á năm 2016 chủ đề “Đưa tơ lụa trở lại đời sống hiện đại" đã khai mạc tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hơn 70 đại biểu của 9 quốc gia có nền tơ lụa nổi tiếng thế giới tham gia dự.
Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam- Châu Á năm 2016 gồm 2 nội dung chính là "Khôi phục nét văn hóa truyền thống của lụa Việt" và "Con đường tơ lụa đi vào đời sống hiện đại". Khuôn khổ Festival có các hoạt động tái hiện nghi thức lễ truyền thống trong lễ hội dâng hương Bà chúa tơ tằm xứ Quảng, giới thiệu và trình diễn kỹ thuật dệt truyền thống của của nghệ nhân các làng nghề Tân Châu với sản phẩm Mỹ Á- một thời nổi tiếng; Kỹ thuật dệt hoa văn cổ đám cưới của người Chăm; Dệt thổ cẩm dân tộc Cơ Tu, lụa tơ tằm thiên nhiên làng nghề miền Bắc tại tỉnh Bắc Giang...
Thông qua các hoạt động giao lưu, kết nối với các nghệ nhân của các làng lụa nổi tiếng trên thế giới, Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam- Châu Á 2016 được kì vọng sẽ góp phần thực hiện chiến lược bảo tồn và phát triển nghề, văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú hơn cho du lịch Hội An và gia tăng tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa các làng nghề truyền thống của Việt Nam với quốc tế.
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành tơ lụa bị mai một do thị trường, do thị hiếu. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam nằm trong chương trình khôi phục các làng nghề cũng đã có Đề án hồi phục các làng nghề như làng nghề dệt ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, làng nghề dệt ở Duy Trinh. Những nơi này hiện nay đang giữ gìn, bảo tồn nghề dệt và đang phát huy giá trị nghề dệt lụa trong phát triển kinh tế”./.
Theo Hoài Nam/VOV.VN