Vĩnh Phúc là miền đất địa linh nhân kiệt. Vẻ đẹp của miền đất này đã in đậm trong tâm trí của nhiều du khách khi đặt chân đến nơi đây. Mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của tự nhiên nay vẫn còn dày đặc những di tích lịch sử trải khắp 9 huyện thành thị chứng minh cho bề dày truyền thống văn hóa. Nơi đây còn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng và lòng hiếu khách.
Khu di tích khảo cổ học Đồng Đậu
Huyện Yên Lạc vốn là vùng đất cổ của Vĩnh Phúc, với dấu ấn của người Việt đã tồn tại nơi đây hàng ngàn năm, các tầng văn hóa tồn tại nối tiếp nhau, dày và phong phú. Nhiều nhất và đáng chú ý nhất là những dấu ấn của thời đại Hùng Vương, thời kỳ khởi đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam cùng với truyền thuyết Cha Rồng - Mẹ Tiên sinh ra 100 trứng; người con cả trở thành vua lấy hiệu là Hùng Vương. Xã hội thời các vua Hùng nổi lên nhiều nhân vật kiệt xuất mà qua truyền thuyết đã được nhân dân tôn thành những vị thánh như: Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Lăng Thị Tiêu, Sơn Tinh, Thủy Tinh… Yên Lạc có rất nhiều những di tích, những huyền tích mang dấu ấn của thời đại này, tiêu biểu là Di chỉ Khảo cổ Đồng Đậu, đền Bắc Cung và đền Tranh.
Yên Lạc nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung đều có những dấu ấn tiêu biểu của thời kỳ đầu dựng nước. Nơi đây đã in dấu chân của người Việt cổ khi di cư đi tìm vùng đất mới. Dấu ấn đó được lưu lại rõ nét tại khu di chỉ khảo cổ Đồng Đậu. Đây là những dấu tích quan trọng phản ánh quá trình hình thành nhà nước đầu tiên của dân tộc trên lưu vực sông Hồng.
Đồng Đậu vốn có tên là Gò Đậu (Có rất nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi, có người giải thích đây là nơi trồng đậu, cũng có người nói đây là nơi đất lành chim đậu, cây cối tươi tốt); là một gò đất nổi cao nằm cuối thôn Trung, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc. Đồng Đậu cách thành phố Vĩnh Yên 9km theo đường chim bay về phía Nam. Đường giao thông liên huyện Yên Lạc – Vĩnh Tường chạy sát phía Nam di tích. Gò có diện tích khoảng 8,5hecta, từ Nam đến Bắc rộng khoảng 215m, từ Đông sang Tây dài khoảng 400m. Đỉnh gò cao 13,6m so với mặt nước biển và cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 10m. Nhìn tổng quan địa thế khu vực, gò Đồng Đậu cao ráo, xung quanh tiếp giáp với vùng đồng bằng chiêm trũng về mạn Đông quanh năm ngập nước. Vùng trũng có diện tích khá lớn, về phía Bắc có thể thông với đầm Vạc, về phía Nam trước kia có thể thông với sông Hồng. Như chúng ta đã biết, sông Hồng hiện nay chảy xuôi từ Tây sang Đông cách di tích Đồng Đậu khoảng 8km. Ngay sát chân gò có rất nhiều ao đầm, luồng lạch mà nhân dân địa phương gọi là đầm Đậu, ao Náu, ao Thích, chằm Quan và có thể là dấu vết của sông Loan xưa. Xa hơn nữa là những đầm Rưng, đầm Yên Phương, đầm Vạc, hồ Đồng Văn. Từ Đồng Đậu du khách có thể phóng tầm mắt ra bốn phương ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên nơi này như một bức tranh nên thơ. Xa xa phía Tây là dãy núi Ba Vì xanh lam đậm nét, phía Đông Bắc là dãy núi Tam Đảo vươn cao hùng vĩ. Gần hơn là dòng sông Loan và các ao hồ lấp lánh, trước mặt là những cánh đồng lúa nước, những ruộng rau xanh mướt, sau lưng là những xóm làng cao ráo, trù phú được bao bọc bởi những lũy tre làng. Với địa thế là vùng đất màu mỡ cùng với những dấu vết lưu lại cho thấy khu vực này từ xa xưa đã nằm sát ngay trung tâm kinh tế chính trị của đất nước và cũng có thể nơi đây chính là một trong những trung tâm văn hóa tiêu biểu thời kỳ Văn Lang. Từ khi chưa có những phát hiện khảo cổ, người dân nơi đây đã có những suy nghĩ mộc mạc “đụng đến gò Đậu là đụng đến mồ mả cha ông, tổ tiên mình” nên mọi người đều có ý thức bảo vệ, giữ gìn nên khu gò Đậu mới được như ngày nay.
Gò Đậu đã trải qua bảy lần khai quật bắt đầu từ tháng 11 năm 1965. Đặc biệt ở lần khai quật thứ ba, gò Đậu đã vinh dự được cố thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm và trực tiếp chỉ đạo. Trải qua những lần khai quật, hàng vạn hiện vật đã được phát hiện trong đó có những hiện vật quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu như: Ngôi mộ táng của người Việt cổ có niên đại 2000 - 3000 năm, các dụng cụ săn bắn được làm bằng xương, đồng thau, các khuôn đúc, đồ dùng cá nhân… Qua các hiện vật khai quật được đã phản ánh nếp sống sinh hoạt của cư dân xa xưa. Ở Đồng Đậu, các tầng văn hóa gồm nhiều lớp nối tiếp nhau tạo nên sự phong phú và đa dạng các hiện vật. Với những di vật được phát hiện, Đồng Đậu là khu khảo cổ có nhiều nhất di vật bằng xương được tìm thấy trên cả nước. Hiện nay các hiện vật đều được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc để nhân dân tham quan và tìm hiểu. Ngày 21 tháng 4 năm 2000, Khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đền Thính
Một di tích quan trọng khác trên miềm đất Yên Lạc địa linh mà du khách không thể bỏ qua trong hành trình theo dấu chân Hùng Vương đó chính là đền Thính, hay còn gọi là đến Bắc Cung thờ vị thánh trong Tứ Bất Tử của Việt Nam – Thánh Sơn Tinh. Sơn Tinh vốn là con rể của vua Hùng Duệ Vương đã cùng các bậc trung thần, tướng lĩnh tài ba trong phổ hệ bách thần sơn thuỷ từ Thuỷ Tổ Âu Cơ đánh dẹp ngoại bang xâm lấn bờ cõi, giữ vững ổn định biên cương. Ông đặc biệt có tài trị thủy, giúp vua cha chiến thắng thuỷ thần. Ngài là hiện thân của khát vọng làm chủ thiên nhiên, chiến thắng thời tiết của người dân Việt cổ. Đền Thính nằm tách biệt khỏi khu dân cư giữa cánh đồng thuộc xã Tam Hồng, cách trung tâm huyện lỵ Yên Lạc khoảng 1km về phía Tây. Gọi là đền Thính vì nhân dân kiêng chữ huý chữ Thánh trong bài vị Tản viên sơn Thánh, nên gọi chệch đi. Cũng có sự giải thích khác rằng sau khi chiến thắng Thủy Tinh và cưới được công chúa Ngọc Hoa, Người đã từ chối ngôi báu mà Vua Hùng muốn trao, cùng hai em du ngoạn khắp nơi, giúp dân khai điền, trị thủy và được nhân dân nơi nơi tôn kính. Khi đi ngang qua vùng Tam Hồng, Người đã cho quân nghỉ chân, dạy dân trồng lúa, đánh cá. Dân làng kéo tới nơi Đức Thánh nghỉ chân chỉ thấy ở đó còn sót lại một số gói thính nên sau này, đền có tên gọi là Đền Thính. Cũng có sự tích lại kể rằng khi cho quân nghỉ lại nơi đây, đức Thánh Tản đã dạy dân làm thịt lợn với thính gạo nên dân gian mới gọi tên đền như vậy. Đền được xây dựng từ rất lâu, nhưng theo thời gian đã bị tàn phá đi nhiều. Từ năm 1902 đến năm 1921, các triều đại vua nhà Nguyễn đều quan tâm, trùng tu và xây mới thêm các hạng mục công trình của đền. Trong vòng 20 năm, việc xây dựng mới hoàn thành và ngôi đền có cấu trúc như hiện nay. Trong khoảng diện tích 2000m2, khu đền gồm tiền tế 7 gian, hậu cung 7 gian nối nhau theo kiểu chữ “đinh”. Song song với hậu cung, hai bên có nhà hành lang, phía trước có sân lễ hội, ao đền, ngoài cùng có nghi môn ngoại ngăn cách không gian thờ tự trong cảnh quan thanh tĩnh, mát mẻ với hàng cây cổ thụ; cổng đền được cấu tạo như kiểu tam quan, cổng vào đền kiến trúc kiểu 2 tầng 8 mái, toà tiền tế cũng được nâng mái theo lối “chồng diêm”, 2 nhà hành lang tả, hữu nằm nối theo lầu chuông, lầu trống như 2 thân rồng chầu, tạo nên bố cục tổng thể không gian kiến trúc khá sinh động. Từ tiền tế trở vào, hậu cung gồm 7 gian, các cửa võng đục chạm cầu kỳ, sơn son thếp vàng với các đề tài tứ linh “long - ly - quy – phụng” hoặc tứ quý “tùng - cúc – trúc - mai”. Mỗi lớp cửa là một tác phẩm điêu khắc độc đáo, mang phong vị riêng, cùng với kỹ thuật chạm lộng vô cùng tinh xảo đến từng chi tiết đã thể hiện sự tài hoa tuyệt mỹ về nghề chạm gỗ dân gian nửa đầu thế kỷ XIX. Còn có các bức chạm ở cốn mê, cốn nách, các bức phù điêu bằng gỗ khắc hoạ hình tượng văn quan, võ tướng, là những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm và đặc biệt của di tích. Hai bức hình hoạ trên tường toà tiền tế cũng là những tác phẩm nghệ thuật hội hoạ đặc sắc, với đề tài thiên nhiên cây cảnh ấp ôm, hoà quyện với mái cong ngôi chùa làng, ẩn hiện trong sương mờ khói toả chiều lam. Với bút pháp trữ tình, nghệ thuật dùng màu nước trên chất liệu vôi gạch mà những bức bích hoạ tồn tại cả trăm năm còn nguyên tươi màu sắc mới thấy hết những giá trị văn hoá, giá trị nhân văn, giá trị truyền thống đáng trân trọng đến nhường nào. Hàng năm, lễ hội đền Thính được diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 9 tháng Giêng Âm lịch. Sau phần lễ linh thiêng và trang trọng là phần hội với rất nhiều hoạt động phong phú như các trò chơi dân gian: Chọi gà, đấu vật, đánh cờ người, đu cây, kéo co, bóng chuyền. Các cuộc thi múa hát dân ca, dân vũ của các làng, trống hội. Nhân dân trong vùng và khách thập phương từ mọi miền Tổ quốc về hội đền Bắc Cung rất đông. Mỗi năm có trên một triệu lượt khách thập phương đến vãn cảnh, cầu bình an, hạnh phúc. Nhân dân Tam Hồng mỗi khi xuất hành đi xa, hay xây dựng nhà cửa, con cháu học hành thi cử đều thành tâm ra lễ đền xin được Thánh phù hộ. Lễ hội đền Bắc Cung không chỉ là không gian sinh hoạt văn hóa, tinh thần nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là điểm thăm quan của nhân dân Vĩnh Phúc và cả nước.
Đền Tranh
Ngoài đền Thính, Yên Lạc còn có một ngôi đền khác trong hệ thống thờ thánh Tản Viên đó chính là đền Bắc Cung Thượng thuộc xã Trung Nguyên. Nhân dân xã Trung Nguyên thường gọi đền Tranh do đền nằm ở xóm Tranh (nay là xóm Hoàng Thạch). Đền nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng, dưới những tán cây cổ thụ um tùm, ba mặt giáp cánh đồng; dòng sông Phan hiền hòa, thơ mộng ngăn cách đền với khu dân cư trù phú. Đền hướng tây nam, kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm hai tòa tiền tế và hậu cung. Nhà tiền tế khang trang, chắc chắn theo kiểu ba gian hai dĩ, mái lợp ngói âm dương, có gian thờ Mẫu Đức Thánh Tản và nơi nghỉ chân cho khách thập phương đến làm lễ. Mặt trước xây thành ba cửa vòm thanh thoát, trên đắp hình cuốn thư. Cửa giữa có đôi câu đối: “Tây Tản di truyền trúc tượng anh linh phù quốc thịnh/ Bắc Cung hữu tích ước thư diệu pháp hộ dân khang” (Núi Tản truyền lại có gậy thần phù nước thịnh/ Người có sách ước, nơi nào có đền thờ dân được an khang). Ba gian giữa bộ kèo kết cấu theo kiểu giá chiêng, hai gian cuối kiểu chồng rường. Gian chính giữa đặt bàn thờ và các đồ thờ. Hai gian bên thờ quan văn, quan võ. Hậu cung dài 7m, rộng 5m, ngăn với tòa tiền tế bởi hai cửa ngách và cửa võng. Hệ thống cột gỗ trong đền được đặt trên đá tảng hoặc vuông vắn. Những bức chạm trong đền tuy không nhiều nhưng có giá trị thẩm mỹ cao, độc đáo, tinh vi, mang đặc trưng di tích vùng Đồng bằng trung du Bắc Bộ; nghệ thuật trang trí cuối Lê, đầu Nguyễn. Hằng năm, vào các ngày Rằm tháng Giêng, ngày 6-2 và 6-8 (Âm lịch), đền Tranh đều tổ chức lễ hội với nhiều hình thức diễn xướng, khai sắc nhắc lại công lao của đức Thánh Tản Viên; tiến hành nghi lễ nông nghiệp như gieo hạt, làm đất, chăm bón... cầu mùa màng bội thu. Trong lễ hội diễn ra nhiều trò chơi: Đu tiên, bơi thuyền, bắt vịt, lăn vòng, leo cây, vật, cờ tướng, thổi hiệu cốc quân... thu hút đông đảo nhân dân tham gia, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa vui tươi, lành mạnh và giáo dục truyền thống đoàn kết cho thế hệ trẻ. Đền Tranh là một trong 700 di tích của hệ thống các di tích thờ cúng các vua Hùng và tướng lĩnh, Tản Viên Sơn Thánh và Hai Bà Trưng trong 200 làng xã của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đền còn lưu giữ được một số tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian có trình độ kỹ thuật, thẩm mỹ cao, có giá trị về lịch sử với dáng dấp của nghệ thuật điêu khắc gỗ ở cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, di tích là nơi sơ tán của một số cơ quan Trung ương. Hiện đền còn dấu tích của hầm bí mật, nơi tụ họp của du kích địa phương trong kháng chiến chống Pháp.
Theo dấu chân Hùng Vương trên miền đất cổ Yên Lạc có thể sẽ trở thành tuyến du lịch đặc trưng của Vĩnh Phúc nếu được nghiên cứu sâu hơn, được đầu tư nhiều hơn trong việc tu bổ, tôn tạo các di tích, duy trì và làm phong phú thêm các lễ hội. Thêm vào đó có thể xây dựng các dịch vụ du lịch, các điểm vui chơi giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm tại địa phương… thì rất có thể đây sẽ là tuyến du lịch đặc trưng cho những du khách có khát vọng tìm về cội nguồn./.
Văn Vượng - XTDL