Cập nhật: 03/05/2016 10:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cổng Morocco ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội do những hàng binh người Morocco xây dựng, hiện đang được TP. Hà Nội triển khai bảo tồn nhằm thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai quốc gia.



Cổng Morocco ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Cổng Morocco trước đó đã được bảo tồn một lần, hiện nay, theo đề nghị của Đại sứ quán Morocco và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, TP. Hà Nội chỉ đạo ngành văn hóa tiếp tục tu bổ cổng Morocco.

Phương án bảo tồn đưa ra là bảo tồn tại chỗ, xây gạch lát nền, trồng một hàng cây phân cách cổng, tôn tạo lại đường, cảnh quan xung quanh. Sau khi tu bổ, Thành phố sẽ giao cho chủ nhân khu đất tiếp tục gìn giữ, trông coi cổng Morocco. Phương án này đã được thống nhất với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, TP. Hà Nội và Cục Di sản (Bộ VHTT&DL).

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), hàng ngàn binh lính là người Morocco, Nam Tư, Algeria... chiến đấu trong đội ngũ binh lính Pháp đã chạy sang quân đội Việt Nam. Những hàng binh này được Việt Nam đối xử nhân đạo. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Nông trường Việt-Phi tại Ba Vì, tiếp nhận hơn 300 hàng binh và tuyển hơn 100 công nhân Việt Nam để khai hoang, nuôi bò sữa, trồng trọt. Trong số các hàng binh này, nhiều người đã lấy vợ là người Việt Nam. Trong thời gian ở đây, họ đã xây dựng một số công trình, trong đó có chiếc cổng mang dấu ấn của người Morocco.

Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều công trình bị phá hủy, chỉ còn nguyên vẹn chiếc cổng Morocco. Cổng này nằm trên đất của gia đình anh Nguyễn Văn Thành, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.

Mặc dù những hàng binh đã về với đất nước họ từ lâu, nhưng chiếc cổng Morocco như một kỷ vật về những tình cảm của họ với Nông trường Việt-Phi, với đất nước, con người Việt Nam và là biểu tượng cho tình đoàn kết, tinh thần nhân văn giữa Việt Nam và Morocco.

Chế tác mẫu rùa hồ Gươm theo phương pháp nhựa hóa

Sau thời gian bàn bạc, TP Hà Nội đã đi đến thống nhất, chế tác mẫu rùa hồ Gươm theo phương pháp nhựa hóa. Hiện tại, công việc đang được cán bộ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và 2 chuyên gia người Đức thực hiện rất thuận lợi.

Theo các chuyên gia, nhựa hóa là phương pháp hiện đại nhất thế giới không chỉ giúp giữ nguyên vẹn mẫu vật mà còn giữ được xương. Với công nghệ này, mẫu vật sẽ sát thực nhất với mẫu sống, không mùi và độ bền cao. Nước và mỡ hòa tan trong tế bào sẽ được hút hết để thay vào đó một loại nhựa đặc biệt, thẩm thấu qua các tế bào giúp giữ nguyên cấu trúc.

Phương pháp nhựa hóa có nhiều ưu điểm nổi trội hơn các phương pháp bảo quản ướt là ngâm trong hóa chất và bảo quản khô giống tiêu bản rùa ở đền Ngọc Sơn. Có thể bảo quản nguyên trạng rùa hồ Gươm từ hình dáng, da, xương, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai được cấu tạo bằng sụn.

Hiện tại, mẫu vật đang trong giai đoạn rút nước, bổ sung hóa chất để làm khô mẫu, dự kiến đến tháng 10/2016 thì công đoạn này sẽ xong. Sau đó các công đoạn tiếp theo sẽ được tiến hành thận trọng và trong khoảng 1-1,5 năm sẽ hoàn thành. Sở dĩ thời gian chế tác dài là do mẫu quá lớn.

Vướng mắc duy nhất trong quá trình thực hiện công việc chế tác đó là mẫu vật rùa hồ Gươm không ở trạng thái tốt nhất. Khi phát hiện rùa chết xác đã bị trương không còn giữ nguyên bản, phần cổ, đầu đã thẳng không còn những nếp gấp đặc trưng của cổ rùa. Chính vì điều này, các cán bộ của Bảo tàng phải sưu tầm rất nhiều hình ảnh về cá thể rùa hồ Gươm lúc sống để các chuyên gia người Đức nghiên cứu chế tác để mẫu được sinh động như thật.

Huệ Anh

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm