Cây Na dai được trồng quanh chân núi Tam Đảo, đây là cây ăn quả đặc trưng của huyện. Các xã trên địa bàn huyện đều trồng na dai. Tuy nhiên, không phải xã nào cũng trồng được cây Na dai mà có nhiều ưu điểm như ở xã Bồ Lý. Đặc điểm na dai Bồ Lý là quả to, cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian cho quả nhanh và rất phù hợp với đất của Bồ Lý.
(Ảnh minh họa)
Theo ông Trần Quang Trung, nguyên chủ tịch UBND xã Bồ lý: Bồ Lý là vùng đất bán sơn địa, núi đồi trùng điệp, đất cát pha xen với đá cuội, nắng thì khô hanh, mưa thì sói mòn. Thế nhưng cây na dai ở đây lại là loài cây sàng lọc, tích lũy được nhiều chất dinh dưỡng tinh tuý nhất từ đất và khí hậu nơi đây. Vì vậy mà Na dai Bồ Lý đã trở thành loài quả đặc trưng nhất, được nhân dân địa phương và khách hàng sành quả lựa chọn hàng đầu. Cây Na dai được ông Trung đưa về Bồ Lý trồng từ năm 1978 sau khi ông xuất ngũ trở về gia đình.
Cho đến hiện nay, toàn xã Bồ Lý có khoảng 15-20ha Na dai, tổng sản lượng hàng năm ước tính đạt khoảng 30-32 tấn quả.
Na dai có ưu điểm ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, múi na nhằn dễ tróc ra khỏi hột và múi cũng dai hơn. Quả na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Thêm vào đó, na dai được ưa chuộng hơn bởi mùi thơm và vị ngọt sắc nổi bật hơn so với na bở. Na chín được nhiều người ưa dùng với tác dụng bổ dưỡng, nhất là phụ nữ sau khi sinh, trẻ em, người cao tuổi và người mới ốm dậy. Theo Đông y, Một số bộ phận của cây Na (rễ, thân, quả và hạt) có tác dụng làm thuốc chữa bệnh như: chữa bong gân, chấn thương, hạ khí tiêu đờm…
Do vậy na dai Bồ lý đã làm thay đổi rất lớn vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị, chất lượng cao nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện Tam Đảo hiện nay. Đây chính là thế mạnh và mũi nhọn huyện du lịch.
ST