Xã Đồng Tĩnh nằm ở phía Bắc huyện Tam Dương thuộc - vùng Trung du bán sơn địa nằm theo triền núi Tam Đảo Tây Thiên. Có 3 làng:
- Làng Tĩnh Luyện (Làng Diệu, Kẻ Diện)
- Làng Phần Thạch (tên cũ)
- Làng Phù Liễn (tên xa xưa là làng Ngọc Trù)
Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, 3 thôn (làng) cũng là 3 xã thuộc Tổng Tĩnh, huyện Tam Dương. Sau 1945 bỏ cấp Tổng, sáp nhập 3 thôn có tên gọi là xã Đồng Tĩnh. Tên làng thường gắn với đồng ruộng, tên đất, tên Thần Thánh, Thành Hoàng mỗi làng đều mang sắc thái văn hóa riêng, tìm hiểu làng cũng là tìm hiểu văn hóa cội nguồn xa xưa, làng cũng là sản phẩm kế thừa bao thế hệ.
Làng Phù Liễn, theo các cụ cao tuổi kể lại mãi xa xưa tên làng là Ngọc Trù (có nghĩa là làng Ngọc Ngà - Quý giá, trù phú giàu có), vì chạm tên húy thờ phải đổi gọi là làng phù Liễn có trên 30 dòng họ - khởi thủy là họ Trương, tiếp theo là họ Đinh, Lê Hà, Phạm, họ Nguyễn có tới 12 chi tộc, có chữ đệm Nguyễn Đại (họ lớn), Nguyễn Tiểu (họ nhỏ), nhân dân Phù Liễn cần cù nhất là chị em phụ nữ, có truyền thống hiếu học, sản xuất vẫn là nông nghiệp, gần đây có mở mang ngành nghề như sản xuất gạch, ngói khai thác cát sỏi phục vụ cho xây dựng, đời sóng nhân dân được cải thiện cả về vật chất, tinh thần.
Làng ở trên quả đồi thoai thoải, thế đất cũng đẹp cao ráo, cuối làng về phía Đông nam có quả đồi giống như con voi chầu về làng có tên gọi là "Chùa Cảnh Tượng" (Cảnh Tượng Tự) dân gian thường gọi là Chùa con voi (thuộc đất xã Hợp Hòa) sau làng có con ngòi (Tiểu Khê) nước từ các suối ở Tây Thiên chảy ra, trước mặt làng có con kênh đào từ hệ thống Nông Giang, Liễu Sơn, Lập Thạch chảy qua như tấm lụa mượt mà. Đường cái vào làng bó vỉa đá hai bên, rải cấp phối rộng rãi, sạch đẹp thể hiện bộ mặt dân làng đổi mới phong quang, người đi xa quê hương luôn hướng về cội nguồn, đó là những nét đẹp. Đến đầu làng thấy quang cảnh giếng nước, hai cây đa cổ thụ ước tính 200 đến 300 tuổi, cành lá sum suê tỏa bóng với ý nghĩa "Cây cao bóng cả", cây đa giếng nước, mái đình; cả một quần thể di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng năm 1990; bao gồm ngôi đình đã trùng tu có niên đại từ thời Càn Long, gần đây tôn tạo trang trí ngôi Tiền Tế, bên cạnh là Đền thờ Đức Bà, liền kề là ngôi chùa, tên gọi là Chùa Thái (Thái băng Tự), cuối làng có ngôi Miếu thờ Đức Ông gọi là "Miếu Thích" hai cây đại hai bên cửa Miếu, trước mặt làng có ngôi Đình, tên gọi là Đình Hức. Thờ Đức Ông. Các cụ kể lại rằng thời xa xưa ông cha tiền nhân tôn thờ một vị Nữ Tướng với tên húy là “Ngọc Kinh công chúa”.
Theo Ngọc phả được dịch là: Viết từ thời Hồng Phúc Nguyên Niên (thời Lê Trang Tông Niên đại 1572), là một Nữ Tướng đứng ra chiêu tập quân sỹ cuàng hai Bà Trưng Trắc – Trưng Nhị chống lại sự xâm lược của nhà Đông Hán giành lại quyền độc lập cho nước Việt Nam (sau công nguyên). Quả là đất Địa linh.
Đi sâu tìm hiểu tên các cánh đồng như Đồng Ngọc phải gọi tránh là Đống Ngóc (Ngọc Kinh là tên húy). Đồng Minh – phải gọi là Đồng Mưng. Đồng Hoắc quan gọi là Đông Hức, có ngôi miếu thờ Đức Ông gọi là Miếu Đức. Đồng Lôi gọi là Đồng Trôi. Ngoài tên đồng có khu vườn gọi là “Vườn Hội” nơi đây luyện tập quân sĩ rõ ràng là đồng ruộng thần thánh thể hiện sự gắn bó với dân làng.
Về văn hóa cổ Phù Liễn còn giữ được 3 bộ kiệu Sơn Son cũng có trên hàng trăm năm, việc bảo quản thật chu đáo, nét nổi bật lên ở đây còn giữ được “Cây Quán Tẩy” ít nơi giữ được những sản phẩm khéo léo của các nghệ nhân, tài hoa đục trạm “Long-Ly-Quy-Phượng” hòa quyện xen lẫn Thông, Trúc, Cúc, Mai, tượng trưng có lá sen – thay cho chậu khi các quan viên vào hành lễ để Mộc Dục (rửa tay bằng rượu). Ngoài các bộ kiệu, cả một khu như Đình, Tiền Tế, Miếu Đức và chùa đều nằm trong khuôn viên di tíc. Miếu thờ Đức Bà có bức hoành phi – Đại tự có 4 chứ: “Đức hợp vô cương”.
Về ý nghĩa nói lên công đức của Đức Bà Ngọc Kinh đối với nước, với dân thật không bờ bến, suy ngẫm về quá khứ những nét đẹp văn hóa cổ kính thật là uyên thâm sâu sắc lại càng thấy rằng thời đại nào chữ cũng Đức luôn luôn được tôn trọng, còn có nghĩa: Tâm Đức, Đạo đức, Tích đức, Công đức Cạnh Miếu Đức Bà: liền kề là ngôi chùa có 2 chữ ở 2 bên: Nghiêm - Túc - với ý nghĩa trang nghiêm, cung kính nghiêm túc.
Tên chùa: Thái Bằng Tự (Thái Bình) luôn luôn cầu mong được thái bình. Ngôi chùa mang tên Sùng Đức Tự, thể hiện tôn sùng (chuộng chữ Đức). Cũng thấy rằng ít có nơi mà nhân dân còn giữ gìn, tôn tạo, bảo quản như ở phù Liễn với biết bao công sức của tiền nhân, rất đáng trân trọng, tự hào. Ở đây còn có nhiều phong tục lễ hội dân gian: Như tiệc Đúc Bụt vào ngày mồng 8 tháng giêng hàng năm; mang tính tiệc khai xuân đầu năm; nhân dân tuyển chọn một số nam thanh, nữ tú tổ chức các trò diễn tập; Sĩ (học trò); Nông (làm ruộng); Công (thợ thuyền); Cổ (buôn bán, lưu thông). Mang tính văn hóa dân gian cổ truyền ít có lễ hội như ở Phù Liễn, một làng thời xưa mà có tới 6 cụ đồ nho biết chữ Hán, thi cử không đỗ đạt (thời Nho mạt) phải đi sang vùng Lập Thạch (Ngọc Liễn) đi vào tận Sơn Đình (nay là xã Đại Đình) để dạy học, gọi là Trường Tư Thục. Còn ở làng có cụ Nguyễn Kim Oảnh gọi là cụ giáo Oảnh sinh năm 1900, qua đời năm 1955, cụ Oảnh văn hay chữ tốt tiếng tăm quanh vùng, dạy học sinh, có lúc trường Tư Thục của cụ có tới 138 học sinh, nhiều nhất là học sinh ở thôn Phù Liễn - Phú Thọ, Liên Hòa (Lập Thạch) dạy vào những năm 1944 về trước. Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng 10 âm lịch là ngày kỵ nhật của cụ giáo Oảnh, các môn sinh, tự bảo nhau đến nhà cụ Nguyễn Văn Huỳnh là con trai trưởng được giữ chức "Thế huynh" cùng nhau lễ vật trang nghiêm tưởng niệm người thấy đã dạy bảo.
“Sư sinh chi đạo, Niên niên trọng”
Những nét đẹp thể hiện tôn sư trọng đạo cần giữ gìn phát huy tiếp bước truyền thống hiếu học và cũng đáng tự hào cho nhân dân Phù Liễn. Với mảnh đất và nhân dân nơi đây mến khách, trọng nghĩa lớn, giàu truyền thống mà còn lưu giữ được nền văn hóa dân gian, thật là những bản sắc tốt đẹp cần được giữ gìn và phát huy.
ST