Cập nhật: 17/06/2016 08:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thị trấn Thổ Tang ngày nay vốn được hình thành từ vùng đất cổ xưa của vùng Châu thổ sông Hồng, có lịch sử lâu đời trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Những hiện vật tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ học ở di chỉ Đồng Đậu, Thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, (cách Thổ Tang 8 km), di chỉ Lũng Hòa, xã Lũng Hòa (cách 2 km), đặc biệt là di chỉ Ma Cả thuộc địa bàn Thổ Tang đã khẳng định Thổ Tang cũng là một trong những điểm cư trú của các cư dân Việt cổ, cách chúng ta ngày nay trên dưới 3.500 năm.

Chạm rồng - Trang trí vì nách đình Thổ Tang

Tiếp nối các giai đoạn tiền - sơ sử, vùng đất Thổ Tang vẫn là một trong những địa bàn được con người lựa chọn làm nơi sinh sống, hội tụ. Trong thời gian phong kiến tự chủ, Thổ Tang còn có tên gọi là Địa Tang, làng Giang hay Kẻ Giang vốn thuộc đất Phong Châu - Thừa Hóa. Dưới triều đại nhà Trần nằm trong châu Tam Đới, trấn Sơn Tây. Đến triều Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 2 (1821) Thổ Tang thuộc về phủ Tam Đa, sang năm thứ 3 (1822) thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây. Được sinh sống trên mảnh đất cổ giàu truyền thống nên người Kẻ Giang từ xưa đến nay vốn nổi tiếng về nghề buôn bán (thương nghiệp). Theo sách “Vĩnh Tường phủ Dư địa chí” được viết vào năm 1886 - đời vua Đồng Khánh, ở mục chợ búa ghi rằng, có 5 chợ lớn, trong đó đứng đầu là chợ Thổ Tang (tục gọi chợ Giang), thứ đến chợ Tuân Lộ (tục gọi chợ Vòng), chợ Bạch Hạc đứng thứ 3 (tục gọi chợ Hạc), chợ Phủ Yên (tục gọi chợ Me), chợ Hưng Lục (tục gọi chợ Trục). Điều này cho thấy Thổ Tang là trung tâm giao thương, buôn bán cả một vùng rộng lớn.

 

Chuông chùa Tùng Vân

Thổ Tang cũng là quê hương của Nguyễn Thái Học (1902 - 1930), lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng với cuộc khởi nghĩa Yên Bái làm chấn động Đông Dương lúc bấy giờ. Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Thái Học, phong trào bạo động chống Pháp ở các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Sơn Tây, Thái Bình, Hải Dương… đã nổ ra mà đỉnh cao là khởi nghĩa Yên Bái vào đêm ngày 9 rạng ngày 10/2/1930. Do không hội đủ các yếu tố khách quan cũng như chủ quan cho nên cuộc khởi nghĩa đã không thành công, Việt Nam Quốc dân Đảng cũng như cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã bị dìm trong bể máu. Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của ông bị giặc Pháp bắt và hành hình, phong trào bị dập tắt. Tuy thất bại nhưng phong trào Việt Nam Quốc dân Đảng và khởi nghĩa Yên Bái đã ghi một dấu son quan trọng trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và truyền thống yêu nước của dân tộc ta thời kỳ trước khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nguyễn Thái Học đã để lại tấm gương chói lọi về chủ nghĩa yêu nước, trí anh hùng và lòng dũng cảm cho hậu thế noi theo. Lãnh tụ Nguyễn Thái Học đã được chính phủ truy tặng Liệt sỹ và bằng tổ quốc ghi công. Nhiều địa danh, nhiều con đường công trình văn hóa trong cả nước được mang tên ông. Bên cạnh đó trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời kỳ dựng nước và giữ nước cho đến thời kỳ cách mạng kháng chiến và xây dựng, bảo vệ tổ quốc sau này, Thổ Tang là vùng đất giàu truyền thống trong đấu tranh, lớp lớp thế hệ người dân Thổ Tang đã anh dũng hi sinh để bảo vệ độc lập cho dân tộc và gìn giữ bình yên cho quê hương.

 

Uống rượu - Chạm gỗ thế kỷ XVII

Ngày nay, Thị trấn Thổ Tang là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt trong thương mại dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng của Thổ Tang luôn đạt mức cao, chất lượng đời sống của người dân nơi đây ngày một nâng lên.

Không chỉ tập chung phát triển kinh tế - xã hội mà người Thổ Tang còn rất coi trọng, gìn giữ các di sản văn hóa của cha ông để lại, làm nền tảng, đông lực cho sự phát triển của quê hương. Trong đó nổi bật là các công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống: Cụm di tích thờ Lân Hổ Hầu Đô Thống Đại Vương – Vị tướng anh hùng chống giặc Nguyên Mông bảo vệ đất nước thời Trần (thế kỷ XIII) gồm: Đình Thổ Tang, đình Phương Viên, miếu Trúc Lâm và một kiến trúc tôn giáo là chùa Tùng Vân.

Đình Thổ Tang

Đình Thổ Tang, di tích xếp hạng cấp quốc gia năm 1964, là một trong số các ngôi đình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ (thế kỷ XVII) cùng với các ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Mông Phụ,… Trải qua thời gian hàng trăm năm đến nay đình Thổ Tang còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn, kiến trúc thời Hậu Lê. Đình được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm 2 tòa kiến trúc bố cục theo hình “chữ Đinh” với đại bái 5 gian 2 dĩ và hậu cung 2 gian dựa trên hệ thống 60 cột làm bằng gỗ tốt đại khoa (đường kính cột cái là 0,8m, cột quân 0,6m) tạo ra diện tích sử dụng lên tới gần 400m2. Kết cấu bộ vì chính của đình Thổ Tang theo kiểu thức “chồng rường - giá chiêng”, liên kết phía dưới theo lối “thượng chồng cốn, hạ kẻ - bẩy”, đây là kiểu kiến trúc khá đặc trưng cho các ngôi đình có niên đại sớm (thế kỷ XVII - XVIII) đã tạo ra nhiều hơn các mảng cấu kiện kiến trúc để người thợ dân gian thoải mái phô diễn các nét trạm trổ tinh xảo. Lúc khởi dựng đình Thổ Tang vốn không có hệ thống tường bao và cửa như bây giờ nhưng các giai đoạn về sau vì lý do bảo vệ an toàn cho đình mà người ta đã bổ xung, tôn tạo thêm hệ thống này. Đình Thổ Tang còn lưu giữ hệ thống các mảng trang trí trên gỗ được thể hiện qua bàn tay tài hoa của người thợ dân gian bằng nghệ thuật chạm khắc với nhiều kiểu kỹ thuật chạm khắc khác nhau như: Chạm lông, chạm lộng, kênh bong. Cùng với đó là đề tài: Rồng ổ, thiếu nữ cưỡi rồng… Đề tài, phong cách trang trí này xuất hiện khá nhiều trong trang trí ở các kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Theo quan niệm của người xưa, rồng là biểu tượng cho các thế lực siêu nhiên, thần bí (thánh, thần) hay quyền lực trí tôn của bậc quân vương. Tuy nhiên, sống dưới xã hội xuất hiện nhiều mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn lợi ích, chiến tranh loạn lạc liên miên thời bấy giờ cho nên người nghệ nhân dân gian đã “bình thường hóa” hình tượng rồng thành hiền lành, ngây ngô với đàn con nghịch ngợm quấn xung quanh, để cho người phụ nữ cưỡi trên lưng một cách “trần tục”. Thậm chí người thợ dân gian đã đưa hầu hết các đề tài về cuộc sống sinh hoạt của nhân dân lao động để trang trí trong một ngôi đình thời vị thần hoàng làng như: vợ chồng lười, cảnh nghỉ ngơi sau giờ lao động, cảnh đá cầu, đấu vật, đánh cờ, uống rượu. Những đề tài này tái hiện sinh động, sâu sắc nhưng cũng là sự nhắc nhở tinh tế, ví von hóm hỉnh về cuộc sống thường ngày của người dân trong xã hội phong kiến.

 

Bát Tiên - Chạm khắc trên kẻ đình Thổ Tang

Đình Thổ Tang là một trong các ngôi đình đạt tới đỉnh cao của kiến trúc đình làng truyền thống, trong đó nghệ thuật điêu khắc dân gian chứa đựng những tinh hoa từ bàn tay, khối óc của người dân lao động, thông qua đó thể hiện một bản sắc văn hóa rất “thuần Việt”.

Đình Phương Viên

 

Đình Phương Viên

Đình Phương viên được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng Phương Viên xưa. Phương Viên trước đây vốn có tên là Hương Viên, một trong 10 xã (làng) của tổng Lương Điền. Theo ghi chép ở các bản sắc phong hiện còn lưu giữ tại đình thì năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) có tên là xã Hương Viên huyện Yên Lạc, đến năm Duy Tân thứ 3 (1909) đã đổi thành xã Phương Viên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Sự thay đổi này có thể diễn ra vào 2 mốc thời gian: Thứ nhất là vào năm 1899 khi tỉnh Vĩnh Yên được thành lập, hoặc vào năm 1907 khi huyện Bạch Hạc bị giải thể. Dù có thay đổi thì tên địa danh nơi đây đều rất đẹp, là vùng đất cổ luôn tỏa hương thơm ngào ngạt.

 

Toàn cảnh Đình Phương Viên

Hiện nay chưa tìm thấy nguồn tài liệu đề cập đến niên đại xây dựng đình Phương Viên. Các cụ cao niên làng Phương Viên kể rằng đình Phương Viên trước kia ở trung tâm làng cổ Phương Viên và được xây dựng từ lâu đời (cùng thời và có quy mô giống như đình Thổ Tang?), đến đầu thế kỷ XX đình được di dời về vị trí hiện tại, cách chỗ cũ 300m. Trên câu đầu bên trái đình còn dòng chữ Hán, có lẽ là ghi niên đại xây dựng (trùng tu)?, tuy nhiên do thời gian mà dòng chữ này đã bị mờ không đọc được nữa. Theo lời các cụ cao niên thì dòng chữ đó là năm thuộc triều vua Khải Định nhà Nguyễn (1916 – 1925), nhưng vào năm nào thì không rõ. Mặc dù chưa tìm thấy tài liệu nói về việc xây dựng đình Phương Viên nhưng thông qua kiến trúc (kiểu dáng, kết cấu) và trang trí kiến trúc trong đình chúng ta có thể khẳng định đình Phương Viên mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn giai đoạn muộn, khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy được xây dựng muộn nhưng đình Phương Viên lại có quy mô tương đối lớn và có mặt bằng kiến trúc hình “chữ Đinh” với tòa đại đình 3 gian 2 dĩ và hậu cung 2 gian. Khác với kiến trúc đình làng cùng thời thường là “tường hồi bít đốc - tay ngai”, ở đình Phương Viên vẫn còn đâu đấy bề ngoài mang dáng dấp của một ngôi đình giai đoạn trước (Hậu Lê) nhưng bên trong lại thể hiện rõ phong cách kiến trúc của thời Nguyễn. Có thể nói đây là hậu quả của việc di chuyển đình cổ và có sự kế thừa (tận dụng cấu kiện) khi tái xây dựng lại ngôi đình. Hiện nay ở đình Phương Viên còn lưu giữ một bộ kiệu “bát cống” (cuối thế kỷ XVIII) rất đẹp. Toàn bộ phần thân và đòn kiệu đều được trang trí bằng nghệ thuật chạm khắc tài tình của các nghệ nhân dân gian.

 

Kiệu Bát Cống đình Phương Viên

 

Ngai thờ đình Phương Viên

 

Cổng trong miếu Trúc Lâm

Miếu Trúc Lâm

Miếu Trúc Lâm được xây dựng thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII) đến thời Nguyễn, năm Dục Đức nguyên niên - 1883 được trùng tu lớn. Theo lời kể của các cụ cao niên địa phương thì trước đây ở làng có hai ngôi miếu, miếu Trúc thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương chỉ có một tòa nhà nằm dọc (nay là phần hậu cung) và miếu thờ đức thánh Mẫu (mẹ của ngài) cách miếu Trúc Lâm khoảng 300m. Về sau nhân dân đưa ngai thờ của thánh Mẫu về miếu Trúc Lâm và cũng di chuyển luôn ngôi miếu này về làm tiền tế. Điều này phù hợp với bình đồ kiến trúc của miếu Trúc Lâm hiện nay bởi hầu hết kiến trúc miếu thời Hậu Lê đều không tách biệt giữa các đơn nguyên “tiền tế” và “hậu cung” mà chỉ có một tòa nhà dọc khá đơn giản có khám thờ (gác lửng) bít bức bàn “đảm nhiệm” luôn chức năng của thượng cung.

 

Hoành phi "Bắc khấu Hàn tâm" Miếu Trúc Lâm

Miếu Trúc Lâm tọa lạc trên một khu đất có diện tích rộng chừng 2ha với nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Riêng các đơn nguyên kiến trúc lại được xây dựng ở vị trí cao hơn nền đất xung quanh gần 2m khiến chúng ta liên tưởng đến hình tượng miếu được đội trên lưng một con rùa. Miếu hướng về phía nam (phần lớn đền, miếu đều có hướng này), điều này phù hợp với dòng chữ Hán ghi trên câu đầu bên trái của tiền tế: “坐  癸  山  丁  向 – Tọa Quý sơn Đinh hướng”. Theo học thuyết “Âm dương - Ngũ hành” thì Quý chỉ phương Bắc, Đinh chỉ phương Nam, nghĩa là miếu tọa lạc ở núi (gò) phía Bắc, mặt quay về hướng Nam. Như vậy người xưa đã vận dụng học thuyết này dùng để ghi lại việc xác định phương hướng cho các công trình kiến trúc. Miếu Trúc Lâm có hai đơn nguyên kiến trúc chính là tiền tế và hậu cung nhưng không liên hoàn theo kiểu thức “chuôi vồ” thường thấy mà được chia tách riêng biệt bởi một khoảng sân nhỏ (đây là kết quả của việc bổ xung thêm tiền tế vào thời Nguyễn). Tiền tế có 3 gian hình thành bởi 4 hàng chân cột tỳ lực lên hệ thống 16 cột bằng gỗ mít chắc khỏe. Kết cấu vì mái của theo lối “giá chiêng - chồng rường”, liên kết với phía dưới là “thượng kẻ - hạ bẩy” với các kẻ kiểu “cổ ngỗng” có thân mình uốn cong mềm mại, một đầu ăn vào thân cột cái, phần nghé kẻ tì vào phía dưới câu đầu và các bẩy hiên được trang trí đề tài “long tang cúc diệp” tức là rồng ẩn trong lá cúc hay “cúc diệp hóa long” tức là lá cúc hóa rồng. Đây là đề tài phổ biến trong trang trí kiến trúc thời Nguyễn khi nghệ thuật dân gian bị hạn chế, thay vào đó là sự trùng lặp tập chung chủ yếu các đề tài về “tứ linh”, “tứ quý”…Tòa hậu cung là phần kiến trúc nguyên gốc của miếu Trúc Lâm, với một đơn nguyên kiến trúc nằm dọc theo kiểu “nhất gian nhị hạ”: một gian chính giữa đảm nhiệm là “trục thần đạo” và là nơi trình diễn các nghi thức, nghi lễ. Phần mái được kéo dài xuống tạo thành một dạng hành lang ở hai bên tả hữu, hai bên bít gỗ kín đáo, mặt đốc có tường bao bằng gạch (có thể kiến trúc miếu nguyên gốc không có tường bao, về sau xây dựng thêm để tránh tác động của thời tiết). Phía trước cửa vào có hai bức cánh phong, hai bên đắp nổi phù điêu hình rồng bay phượng múa tô màu sặc sỡ với ba màu chủ đạo là xanh, vàng, trắng. Sở dĩ ở miếu Trúc Lâm thường xuất hiện đề tài trang trí rồng (dương - tính nam), kết hợp với phượng (âm - tính nữ) một phần cũng vì nơi đây thờ đức thánh Cả và đức thánh Mẫu. Hậu cung nổi bật với bức “trạm kênh bong” lớn trên cốn đốc phía trước, toàn bộ bức trạm được thể hiện trên các thân gỗ nguyên khối (các con rường chồng lên nhau), được đục trạm tinh xảo phần ngoài tạo trang trí với đề tài “rồng ổ” (cửu long). Chính giữa bức trạm là hình đầu rồng, bộ mặt hiền lành với hai tai thú to, vểnh, mắt tròn lồi, mũi to nở, miệng rộng với hai hàm với các răng đều nhau, bờm tóc tỏa ra hai bên tạo thành các đao mác, vân mây cách điệu, chân có 3 móng nhọn sắc; xung quanh rồng lớn có 8 hình rồng thân rắn trơn, nhỏ, đầu nhô lên, mình ẩn trong các đao mác.

 

Hoành phi "Nam phương Tráng khí" Miếu Trúc Lâm

 

Tam quan chùa Tùng Vân

Chùa Tùng Vân

Chùa Tùng Vân được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Chùa khởi dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686) và được tu sửa vào thời Nguyễn, quy mô kiến trúc vừa phải song chứa nhiều giá trị về lịch sử văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc tượng tròn với số lượng khá nhiều theo phong cách tượng thờ của dòng Phật giáo Đại Thừa - Bắc tông. Các pho tượng này phần nào đạt đến trình độ tinh xảo về kỹ thuật và mỹ thuật, cùng với các bức phù điêu trạm nổi đặc sắc, đã tạo cho chùa vẻ đẹp trang nghiêm mà vẫn gần gũi. Trong chùa có pho tượng Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni từ nguyên khối ngọc xanh nặng hơn 18 tấn được công nhận kỷ lục Việt Nam năm 2011, được tạc theo nguyên mẫu của pho tượng Thích Ca Mâu Ni có niên đại cách đây gần 300 năm hiện vẫn được lưu giữ ở chùa. Đặc biệt ở Chùa Tùng Vân còn gìn giữ được bia đá từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn với kích thước lớn nhỏ khác nhau, là những tư liệu thành văn rất quý, có nhiều giá trị trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Hiện nay chùa Tùng Vân đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo để dần trở thành một trong những trung tâm sinh hoạt và thực hành phật pháp lớn của huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

 

Tượng quan âm chuẩn đề Chùa Tùng Vân

 

Khánh chùa Tùng Vân

Có thể nói Thổ Tang là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc chăm lo gìn giữ các công trình kiến trúc truyền thống và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp, tinh thần hiếu học, lao động sản xuất, buôn bán giỏi… để làm động lực giúp Thổ Tang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn nữa.

ST

Tệp đính kèm