Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ X-năm 2015 được tổ chức trang trọng vào tối 21/6 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô-Hà Nội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa chúc mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự lễ trao giải có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại lễ trao giải, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo cả nước đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao giải thưởng báo chí quốc gia lần này.
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, với truyền thống trên 90 năm đồng hành cùng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng thể hiện tốt vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị-xã hội và là diễn đàn của nhân dân.
“Với những kết quả, thành tích đạt được, đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam đã thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đúng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu - người xây nền móng và là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng các tác giả đoạt giải A. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sau khi phân tích bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm an toàn hệ thống và an ninh thông tin; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, sức hấp dẫn quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xu thế hội nhập quốc tế.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, chính trị trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân…
Tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực, phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần sáng tạo, ý chí vươn lên, tự lực, tự cường, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi rộng khắp. Tích cực phát hiện, góp phần đấu tranh ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các biểu hiện tiêu cực và tệ nạn xã hội; chủ động tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác kịp thời các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vụ cáo, chống phá Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng cho rằng, cùng với việc tham gia đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, báo chí cần làm tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận xã hội, thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là diễn đàn rộng rãi để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát, phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí.
Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin đối ngoại, coi trọng tuyên truyền đối ngoại về chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách đối với đồng bào ta ở nước ngoài.
Tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; nâng cao chất lượng; hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo.
Tác giả Hà Thế Lực của Báo Điện tử Chính phủ nhận giải B - giải cao nhất năm nay đối với thể loại báo điện tử. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp chú trọng tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cấp hội để Hội Nhà báo Việt Nam phát huy tốt vai trò tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, đoàn kết, tập hợp và bồi dưỡng chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp các hội viên-nhà báo cả nước.
Hội Nhà báo Việt Nam cần tổ chức tốt hơn nữa giải báo chí quốc gia, thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc; có hình thức tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời những tác giả và tác phẩm có giá trị cao cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện, góp phần xây dựng nền báo chí nước nhà ngày càng phát triển.
Trong phát biểu khai mạc tại lễ trao giải, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, năm nay là năm thứ 10 giải báo chí quốc gia được tổ chức. Giải đã thu hút hơn 1.660 tác phẩm tham dự từ khắp nơi trên cả nước, cao nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt, số lượng các cấp hội nhà báo các tỉnh, thành phố tham dự cao nhất với 61/63 hội nhà báo tỉnh, thành phố có tác phẩm dự giải, chứng tỏ hiệu quả và sức thu hút của giải đối với hội viên.
Công tác thu nhận, thẩm định tác phẩm, tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo được tiến hành nghiêm túc theo đúng điều lệ giải, chuyên nghiệp và công tâm.
Hội đồng sơ khảo đã chọn được 142 tác phẩm tiêu biểu trình Hội đồng chung khảo.
Hội đồng chung khảo đã chấm, xem xét, thảo luận và quyết định trao 8 giải A, 25 giải B, 40 giải C và 19 giải khuyến khích cho các loại hình: Báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử cho những tác phẩm nổi trội nhất.
Những tác phẩm đoạt giải đều có nội dung tư tưởng tốt, có tính phát hiện. Nhiều tác phẩm có tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thể hiện, nhất là áp dụng được những công nghệ làm báo tiên tiến.
“Thay mặt Hội đồng Giải Báo chí quốc gia, tôi nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo đoạt giải và chúc mừng thành tích chung của đội ngũ những người làm báo cả nước trong năm 2015. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tính chuyên nghiệp ngày càng nâng cao, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, ủng hộ, những người làm báo chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu.
Nhóm tác giả đoạt giải C. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Văn Thưởng đã trao 8 giải A cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu đã trao 25 giải B cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải. Trong đó Báo Điện tử Chính phủ đoạt một giải B - giải cao nhất năm nay đối với thể loại báo điện tử của tác giả Hà Chính (Hà Thế Lực).
Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trao 40 giải C cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.
Nguyễn Hoàng
Theo chinhphu.vn