Cập nhật: 16/07/2016 16:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

   

Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam ngày 17/7/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Latimes.com, Trung Quốc đã lớn tiếng phản bác vào ngày thứ Tư (13/7) sau khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) tuyên định phần lớn các tuyên bố chủ quyền của nước này trên biển Đông là vô hiệu.

Tuy nhiên, Bắc Kinh im lặng về một số phát hiện khác rất đáng lo ngại với mặt môi trường và hệ sinh thái của vùng biển giàu có này: các hoạt động của Trung Quốc “đã gây ra sự hủy hoại lâu dài và nghiêm trọng với môi trường (biển).”

PCA đã tiến hành điều tra các cáo buộc từ Philippines nói Trung Quốc gây nguy hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái của vùng biển này, và như thế đã vi phạm các cam kết theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Năm thẩm phán đã tham vấn rất nhiều chuyên gia, và những gì họ phát hiện ra thật sự gây sốc, PCA viết trong phán quyết dài hơn 500 trang của họ. Những tổn hại với các rặng san hô ở đảo Hoàng Sa trải rộng trên một diện tích 124 km2, và Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 99% trong số đó, theo tòa.

PCA nói Trung Quốc không chỉ không ngăn tàu cá nước này đánh bắt các loài bị đe dọa, bao gồm rùa biển, mà còn bảo vệ cho những tàu đó. Phán quyết cũng kết luận rằng Trung Quốc “ý thức đầy đủ” và “tích cực dung dưỡng” cho hành vi đánh bắt những loài thân mềm hai mảnh vỏ lớn trong vùng, điều đã cơ bản hủy diệt các rặng san hô.

Biển Đông là một trong những vùng biển đa dạng sinh học nhất trên thế giới, nơi cư trú của 76% các loài san hô và 37% các loài cá ở rặng san hô trên thế giới. Vì rặng san hô cung cấp những điều kiện sống tối quan trọng cho các loài dựa vào đó, việc mất những rặng san hô lớn sẽ gây ra tổn hại nghiêm trọng về kinh tế và xã hội.

Giáo sư John McManus của Trung tâm nghiên cứu san hô quốc gia Mỹ thuộc Đại học Miami, một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này và là người đã tư vấn cho PCA, kêu gọi Trung Quốc và các nước khác trong khu vực gác lại những khác biệt để xây dựng một vùng biển được bảo vệ trên phạm vi quốc tế với hệ sinh thái biển Đông, giống như cách làm ở Bắc Băc Dương.

“Nếu chúng ta không làm thế, chúng ta đang bước vào một sự hủy diệt hàng loạt khủng khiếp với khu vực này, và nguy cơ sẽ là nạn đói trầm trọng”, ông cảnh báo ngày thứ Ba trong một hội thảo ở Washington do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tổ chức. Ông nói sự hủy diệt hàng loạt hệ sinh thái ở đây không chỉ gây hại cho Trung Quốc, mà còn rất nhiều nước khác ở khu vực.

Những hành vi của Trung Quốc “gây ra sự hủy hoại với môi trường biển lớn chưa từng thấy trong bốn thập kỷ nghiên cứu các rặng san hô bị hủy diệt của chúng tôi thời gian qua,” tòa lưu ý. “Không có hy vọng các rặng san hô sẽ hồi phục trong vài thập kỷ hay thế kỷ tới,” Kent Carpenter, giáo sư Đại học Old Dominion ở Virginia và là một chuyên gia khác tư vấn cho tòa, nói ngày thứ Tư từ Philippines, nơi ông đang có chuyến đi nghiên cứu thực địa. “Trung Quốc đang chỉ quan tâm tới các tuyên bố chủ quyền, và họ rõ ràng đã quyết định phớt lờ những khía cạnh môi trường”.

Trung Quốc ra sách trắng hôm thứ Tư phản bác lại phán quyết của PCA, nhưng hầu như không nhắc gì tới các phát hiện liên quan tới môi trường. Trước phán quyết, báo Trung Quốc China Daily từng có bài bình luận hôm thứ Ba nói “một số nước bôi nhọ Trung Quốc khi cho rằng việc phát triển các đảo ở biển Hoa Nam (biển Đông) và các bãi đá đã gây tổn hại cho rặng san hô. Ngược lại, sự thật là Trung Quốc cương quyết phát triển xanh với các rặng san hô này để bảo vệ môi trường.”

Bài báo nói Trung Quốc “đã tiến hành các nghiên cứu dưới đáy biển sâu” và “áp dụng các biện pháp bảo vệ trong toàn bộ quá trình (bồi đắp) để vừa hoàn thành dự án mà vẫn bảo vệ được môi trường và sự phát triển bền vững.”

Dan Liu, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu địa cực và đại dương thuộc Đại học thông tin Thượng Hải, nói rằng những cáo buộc liên quan tới môi trường là “bình phong cho các mục đích chính trị.”

Nhưng Carpenter nói hình ảnh chụp qua vệ tinh và các dữ liệu khác khiến việc đánh giá tổn thất với rặng san hô ở biển Đông là rất rõ ràng, và những tuyên bố của Bắc Kinh “về cơ bản là trái ngược với những thông tin khách quan.”

Ashley Townsend, một học giả khách mời ở Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nói ngôn ngữ mạnh mẽ của PCA về vấn đề môi trường có thể làm thay đổi cục diện chính trị. “Đây có thể là mặt trận thứ hai chống lại Trung Quốc ở biển Đông,” Townsend nói./.

 

http://www.vietnamplus.vn/he-sinh-thai-bien-dong-mot-goc-khac-cua-phan-quyet-pca/396198.vnp

Tệp đính kèm