Cập nhật: 17/07/2016 09:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làn da tạo ra vitamin D kỳ diệu với sự trợ giúp của các tia cực tím trong ánh nắng. Làn da sản xuất sắc tố mêlanin che chắn tác hại của mặt trời.


Ánh nắng cho chúng ta màu da

Mặt trời cho chúng ta màu da. Vì sao con người ở các vùng khác nhau trên trái đất có màu da khác nhau. Vì sao con người ở các vùng nhiệt đới có da màu sẩm hơn những người ở các vùng khí hậu lạnh hơn. Nay đã hiểu rồi, màu da của loài người thay đổi để thích ứng với địa lý và bức xạ cực tím của mặt trời. Năm 1978, Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA) đã vẽ bản đồ ôzôn quanh trái đất. Hai nhà nhân chủng học Jablonski và Chaplin đo bức xạ cực tím (UV) và đối chiếu với màu da của dân bản địa của hơn 50 nước. Trùng hợp kỳ lạ: UV càng yếu, màu da càng sáng.

Sự phân bố màu da trên hành tinh chúng ta. Trước khi có cuộc di dân quần thể toàn cầu, vùng Đông Phi châu là cái nôi, con người đều có da đen sẩm sống trong vùng vĩ độ 20 trên và dưới xích đạo. Rồi màu da thay đổi, từ màu da đen sẫm của người châu Phi xích đạo cho đến màu da gần trắng hồng của các người Bắc Âu. Màu da sẫm tụ tập phần lớn ở gần xích đạo. Những người có da sáng hơn cư trú ở Bắc bán cầu trên vĩ độ 20 độ Bắc.

Hậu duệ của bất kỳ người tiền sử nào đã di cư từ xích đạo lên phía Bắc đều bị đột biến để có màu da sáng lên. Đó là sự chọn lọc da sáng để sản xuất đủ vitamin D với ánh sáng xuyên thấu da.

Sắc tố mêlanin sơn phết màu da

Làn da là cơ quan rộng nhất, bảo vệ cơ thể con người với nhiều chức năng. Da trên cùng là biểu bì có các tế bào đáy sản sinh các tế bào kêratinô. Loại thật đặc biệt là các tế bào mêlanô chiếm 5% các tế bào biểu bì, ít mà vô cùng quan trọng.

Tế bào mêlanô (melanocyte) sản xuất sắc tố mêlanin, có ở nhiều nơi trong cơ thể (da, lông, râu, tóc và đôi mắt). Tiếng Anh melanin, gốc Hy Lạp melanos là tối đen. Sắc tố mêlanin gồm hai loại chính: êumêlanin và phêômêlanin. Êumêlanin là loại thông thường nhất, nhuộm lông tóc và da thành màu đen. Phêômêlanin (pheomalenin) nhuộm màu hồng, có ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông, cho màu da hồng hơn. Tuyến yên tiết ra hormone MSH kích thích các tế bào mêlanô tiết ra mêlanin. Còn một bí ẩn: chưa rõ chỗ nào của tuyến yên sản xuất MSH.

Làn da tấm che sinh học

Hai lực đẩy đưa nhau. Bức xạ UV tạo ra sự đột biến ở các tế bào da dẫn đến ung thư da và cũng phá hủy một vitamin B quan trọng là folat hay là acid folic, làm rối sự tổng hợp DNA. Càng nhiều mêlanin, da càng sậm đen sự bảo vệ chống bức xạ UV càng tốt. Thật trái khoáy: các tia UV có vai trò tuyệt vời là kích thích da tạo ra vitamin D3. Nhiều mêlanin cản trở tia UV có gây phiền toái cho con người ở phần thế giới ít nắng: cản trở sản xuất D3. Sự cần thiết bảo vệ da chống tác hại ung thư và nhu cầu vitamin D3 ảnh hưởng màu da con người.

Vitamin D: phép màu từ ánh nắng. Con người nhờ phơi nắng để có đủ lượng vitamin D. Các tia UVB được chất 7-dehydro cholesterol trong lớp da hấp thụ chuyển thành chất tiền vitamin D3 rồi nhanh chóng đổi thành vitamin D3. D3 được chuyển hóa trong gan thành 25- hydroxy D3 và đến thận thành 1,25 dihydro vitamin D3 dạng hoạt động. Thiếu vitamin D gây bệnh còi xương ở trẻ em, tăng chứng loãng xương dẫn đến bệnh đau mềm xương ở người lớn. Thiếu vitamin D có liên hệ đến sự gia tăng nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch, viêm khớp và tiểu đường loại 1.

Phơi nắng quá lố kéo dài có làm gia tăng nguy cơ ung thư da, thì tránh nắng bằng mọi cách làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D.

Các tia cực tím (UV) hại làn da. Có ba loại UVA, UVB, UVC. Mắt thường không thấy nhưng các tia cực tím (UV) trong ánh nắng ảnh hưởng lên da mạnh nhất. UV gây tác hại khiến da lão hóa sớm và nhăn nheo.

Không chỉ là chuyện phỏng rát da. Phơi nắng làm tăng nhanh các phản ứng lão hóa. Theo thời gian các tia UV làm hư hại các sợi trong da gọi là elastin - khiến về sau da nhăn nheo dần...

Da có thay đổi để ứng phó với tác động của các tia UV. Lớp biểu bì dầy lên, ngăn chận UV. Các tế bào mêlanô (sản xuất sắc tố mêlanin) gia tăng lượng mêlanin, làm da đen thêm, khiến da sậm màu. Mêlanin hấp thụ UV ngăn trở ánh nắng vào sâu thêm làm hại tế bào da.

Các ung thư da. Các bức xạ UV từ mặt trời có thể gây tổn hại cho phân tử DNA nguyên nhân số một gây ung thư da. Có ba loại chính ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy và mêlanôm loại dữ nhất. Hai loại tế bào đáy và tế bào vảy chiếm 95% các ung thư da, dễ trị khỏi nếu phát hiện sớm. Mêlanôm phát xuất từ các tế bào mêlanô (sản xuất sắc tố mêlanin) hiếm gặp nhưng rất ác.

Những người có da sậm hơn chứa nhiều mêlanin hơn, chống tốt tác hại của ánh nắng, vẫn bị tác hại của phơi nắng dài lâu. Những người có màu da sáng hơn dễ bị tác hại ngắn hạn và dài hạn của tia UV vì không thể tạo đủ mêlanin. Người bị bạch tạng chỉ có rất ít hoặc không có mêlanin. Người bị bạch biến có những đốm da không mêlanin.

Chăm lo tấm che sinh học

Càng phơi nắng nhiều, nguy cơ ung thư da càng tăng. Các ung thư đặc biệt xảy đến do phơi nắng nhiều vào tuổi trẻ em, ở những người phơi nắng vì nghề nghiệp (lực sĩ, nhà nông, thủy thủ). Ở Hoa Kỳ mỗi năm khoảng 54.000 người mắc mêlanôm và có 8.000 người tử vong. Người Mỹ gốc Âu màu da sáng có nguy cơ cao gấp mười lần người Mỹ gốc Phi. Người Úc và Niu Di-lân có tỷ lệ mêlanôm cao nhất thế giới. Dễ hiểu thôi: họ mang màu da sáng từ châu Âu di cư đến vùng châu Đại Dương nhiệt đới rực nắng.

Phơi nắng rất cần cho cơ thể tạo ra vitamin D. Phải lưu tâm giữ cân bằng tránh nguy cơ ung thư da, mà không gây sự thiếu hụt vitamin D. Ở các nước công nghiệp phát triển, sữa uống được bổ sung vitamin A và D. Nhưng khuynh hướng dùng nước ngọt, các loại thay thế sữa và bớt thời gian sinh hoạt ngoài trời lại làm tăng bệnh còi xương. Vào năm 2007, có ghi nhận là chỉ 23% tuổi teen và người lớn đủ vitamin D, bằng phân nửa tỷ lệ của mười năm trước. Ở người Mỹ đen thì còn tệ hơn, từ 12% giảm xuống 3% đủ chuẩn. Thiếu vitamin D, trẻ con còi xương, người lớn loãng xương - các thiếu nữ bị biến dạng xương chậu, khó sinh con.

Nguy cơ của giường tạo rám da. Làm rám da trong nhà bằng tia UV nhân tạo có 75% nguy cơ mêlanôm hơn người thường. Cơ quan Hoa Kỳ cấm trẻ em dưới 18 tuổi dùng giường rám da. Tổ chức Y tế thế giới coi các thiết bị này là tác nhân gây ung thư.

Chuyện màu da đen trắng

Màu da của Michael Jackson. Vua nhạc pop từng nói với nữ hoàng talkshow Oprah Winfrey: “Tôi là người Mỹ đen. Tôi tự hào về chủng tộc và tự hào tôi là ai”. Ca sĩ lừng danh phủ nhận đã làm thay đổi màu da mình và lặp đi lặp lại là anh mắc chứng bệnh bạch biến. Đó là hệ miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất mêlanin, sắc tố tạo màu da.

Đàn ông, đàn bà và các bí ẩn của màu da (báo Anh The Independent ngày 16.03.2008 đưa tin nghiên cứu của đại học Toronto). Ở mọi chủng tộc, phụ nữ da sáng hơn được đàn ông cho là lý tưởng vì gắn với sự thanh khiết, ôn nhu, mỏng manh và lành ý. Đàn bà lại bị thu hút bởi người nam da sậm hơn vì gắn với dục tình, đàn ông tính và bí ẩn.

Vết thương nhức nhối. Vào buổi chiều ngày 9.8.2014, cậu bé Mỹ đen Michael Brown bị bắn chết thảm thương do một cảnh sát da trắng ở Ferguson. Những ngày tiếp theo, đụng độ dữ dội nổ ra giữa cảnh sát và các người biểu tình trên các đường phố ngoại ô thành phố Saint Louis, bang Missouri, Hoa Kỳ. Kỳ thị màu da đen trắng vẫn luôn là vết thương nhức nhối của nước Mỹ, dẫu cho đang có tổng thống mang một phần dòng máu châu Phi.

Dặn dò. Khi còn trẻ ánh nắng làm hư da người ta không thấy, rồi sẽ lộ ra theo tuổi lớn. Không có gì giúp tránh hoàn toàn ánh nắng làm hại da. Phải bắt đầu ngay nâng niu làn da, không trễ đâu.

Khi phơi nắng nhất là tắm biển nên thoa kem chống nắng. Chú ý lựa cho phù hợp

Mặc áo quần tránh nắng, đội nón rộng vành, mang kiếng mát là thói quen tốt bảo vệ da, mắt.

Tránh phơi ra nắng lúc cao điểm của UV: 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều

Các bậc cha mẹ lưu ý các con nhỏ tránh nắng: đa số hư hại da do phơi nắng ở tuổi trước 18.

Khi con người cổ sơ di chuyển đến vùng nóng, môi trường rộng mở để tìm thức ăn và nước uống, thì có một thách đố lớn là phải giữ lạnh.

Sự thích ứng thuận lợi nhờ số tuyến mồ hôi trong da tang lên cùng lúc với lông tóc giảm xuống. Lông tóc ít đi, sự bốc hơi của cơ thể dễ hơn và việc làm mát cơ thể được hiệu quả hơn. Nhưng làn da bớt lông lại có vấn đề khi phơi bày dưới ánh nắng gay gắt; nhất là ở gần xích đạo ánh nắng quá mạnh làm tổn hại cơ thể, đưa đến giải pháp tiến hóa đến làn da luôn đen để chống chọi với các tia gây tác hại.

Sắc tố đen mêlanin của da là một lớp che tự nhiên bảo vệ các người vùng nhiệt đới chống lại các tác hại của các tia UV. Mặt khác các tia UV có thể xuyên thấu da, giúp da tạo ra vitamin D hấp thụ lượng calci cần thiết cho xương được cứng chắc.

Sự giằng co này giải thích vì sao những người di cư tới các vùng địa lý lạnh hơn với ánh nắng yếu hơn có màu da sang hơn. Con người di cư đến các vùng xa xích đạo với lượng UV thấp. Sự chọn lọc tự nhiên nghiên về màu da sáng cho phép các tia UV xuyên thấu sâu vào da để làm ra vitamin D.

Có một yếu tố thứ ba ảnh hưởng màu da: các người sống ở vùng bãi biển, họ ăn chế độ hải sản giàu vitamin D. Một số người vùng cực như là các người ở Alaska và Canada vẫn giữ  màu da sậm ở các vùng UV thấp. Vào mùa hè họ tiếp nhận UV phản chiếu từ tuyết và nước đá, da sậm của họ che chở họ tránh ánh sáng phản chiếu./.

GS. BS Nguyễn Chấn Hùng

Theo VOV.VN

Tệp đính kèm