Cập nhật: 18/07/2016 09:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang đẩy mạnh khai thác tour du lịch "Huế, một điểm đến 5 di sản".

Ảnh minh họa

Trong đó, "Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế" vừa được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) công nhận là "Di sản ký ức thế giới" - đây là di sản thứ 5 của Huế được công nhận trong vòng hơn 20 năm qua. Trước đó, đã có các di sản: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn, vốn đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Để khai thác tốt lợi thế trên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chủ động quảng bá thương hiệu "Huế, một điểm đến 5 di sản", khai thác lợi thế đặc biệt này để du lịch Huế thực sự mạnh với "di sản trong di sản" và trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch tham quan.

Để trở thành một điểm du lịch hàng đầu như hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã rất nỗ lực đưa Đại Nội Huế từ trạng thái cứu nguy khẩn cấp theo khuyến nghị của UNESCO sang giai đoạn phát triển và phát huy giá trị di tích như hiện nay. Chỉ tính trong năm 2016, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã xây dựng kế hoạch đầu tư 129 tỷ đồng trùng tu các di tích Huế.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện các chương trình "lễ đổi gác", hoặc cảnh "đám cưới trong Hoàng cung" và các trò chơi "Xăm hường" hàng ngày để thu hút khách tham quan. Đặc biệt, nhà hát Duyệt Thị Đường, vốn là nhà hát trong hoàng cung xưa nay được khôi phục lại và tổ chức 4 suất diễn/ngày phục vụ khách tham quan. Chỉ tính giai đoạn từ năm 2003 đến nay (sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới), nhà hát Duyệt Thị Đường đã có trên 40 bài nhạc lễ, nhiều tiết mục múa Cung đình đặc sắc như: Lục cúng hoa đăng, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất Lân nhi, Lục triệt hoa mã đăng... được sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn, đưa Nhã nhạc Huế từ chốn cung đình đến với công chúng và khách du khách.

TTXVN dẫn thông tin do TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp cho biết bên cạnh thuận lợi, những thách thức trước mắt đối với di sản Huế là không ít. Đó là việc nguồn vốn từ ngân sách dành cho trùng tu bảo tồn các di sản là rất hạn hẹp, trong khi nhu cầu về trùng tu hàng trăm công trình di tích là rất bức thiết.

Hàng ngàn hộ dân đang sống trong vùng lõi các di tích đang ảnh hưởng trực tiếp đến di sản và gây ra nhiều hệ lụy về đô thị, môi trường.

Trước tình hình đó, Trung tâm đã và đang xây dựng kế hoạch bảo tồn giai đoạn 2016-2020 với những giải pháp cụ thể được tổng hợp từ thực tiễn của công cuộc bảo tồn di sản Huế mấy chục năm qua.

Theo đó, nguồn vốn đầu tư cho trùng tu di sản sẽ đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa lấy từ việc thu phí tham quan và huy động nguồn lực xã hội.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đồng thời xây dựng dự án vay vốn từ trái phiếu Chính phủ để huy động khoảng 2.000 tỷ đồng nhằm di dời hơn 1.200 hộ dân sinh sống tại khu vực Kinh thành, Hộ Thành Hào, chỉnh trang đô thị và bảo tồn các di sản quan trọng tại khu vực này.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, hệ thống bán vé tự động, nâng cấp hệ thống camera giám sát các điểm di sản quan trọng, hệ thống wifi miễn phí trong địa bàn khu di sản…

Đến đầu tháng 7/2016, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đón đạt 1.308.806 lượt khách du lịch, trong đó có 718.447 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu bán vé tham quan đạt 141,4 tỷ đồng. Bên cạnh các hoạt động khai thác, thu hút khách du lịch, công tác tu bổ di tích Cố đô Huế tiếp tục được đẩy mạnh với kinh phí thực hiện đến ngày 10/7 đạt 106 tỷ đồng. Một số công trình tu bổ hoàn thành như Ngọ Môn, Thái Binh Lâu, Triệu Miếu, Phu Văn Lâu…đã góp phần trả lại diện mạo vốn có của di tích.

MK

Theo baochinhphu.vn

Tệp đính kèm