Nông sản sạch cho người tiêu dùng Việt có phải là điều “xa xỉ” và không thể làm được khi mà các vấn nạn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng trở nên phổ biến, khiến người tiêu dùng luôn trong tâm trạng hoang mang, mất niềm tin.
Tọa đàm buổi "Đường ra cho nông sản sạch" (Ảnh: Vietnam+)
Tuy nhiên tại buổi tọa đàm do trang thông tin NDH (Người đồng hành với mọi quyết định) tổ chức ngày 20/7, hầu hết các diễn giả đều cho rằng Việt Nam có khả năng sản xuất nông sản sạch, vậy vấn đề tồn tại ở trên là do đâu?
“Vệ sinh an toàn thực phẩm có làm được hay không? Tôi khẳng định là làm được, vì Việt Nam có đầy nguồn nhân lực, đầy đủ ý tưởng… Trên thực tế, các sản phẩm nông sản xuất khẩu đòi hỏi điều kiện khắt khe song Việt Nam vẫn đáp ứng được,” ông Phạm Kim Đăng, Học viện Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh.
Sản xuất văn minh
Trong khi thị trường nông sản trong nước vẫn loay hoay giải bài toán vệ sinh an toàn thực phẩm không biết tới khi nào có hồi kết thì thế giới đã hướng đến xu hướng “sản xuất văn minh.” Ông Đăng lý giải, “văn minh” có nghĩa là sản xuất và chăn nuôi không chỉ dừng ở chất lượng sản phẩm (an toàn, dinh dưỡng), mà yêu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi quá trình sản xuất phải đảm bảo tính bền vững về môi trường, thêm vào đó là quyền lợi của động vật (animal welfare – trạng thái tốt về thể chất và tinh thần của con vật), khai thác thịt động vật trong điều kiện “động vật có quyền được đối xử nhân đạo.
Là một công ty kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản, có số vốn điều lệ không thuộc “hàng khủng” với 140 tỷ đồng, song Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã chứng khoán ABT, niêm yết trên sàn HoSE) lại có kết quả kinh doanh khá ấn tượng đồng thời cổ tức chia cho cổ đông đều đặn 60%/năm (2014, 2015). “Ứng xử” của nhà đầu tư với cổ phiếu ABT là minh chứng rõ ràng nhất cho kết quả hoạt động của Công ty này. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trải qua không ít biến động thăng trầm, thì giá cổ phiếu ABT luôn được duy trì ở mức cao, hiện tại dao động quanh khu vực 48.000 đồng – 49.000 đồng/cổ phiếu.
Ông Nguyễn Văn Khải, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Thủy sản Bến Tre (ABT) thừa nhận, so với các doanh nghiệp nội địa cùng ngành thì ABT không phải là một doanh nghiệp có quy mô lớn vì vậy Công ty lựa chọn đi vào thị trường ngách cho con đường phát triển của mình. Cụ thể, ABT tổ chức chăn nuôi, khai thác cá theo mô hình khép kín, sản phẩm bán cho các hệ thống nhà hàng tại Nhật, Singapore, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… tức là đi thẳng đến người sử dụng.
Theo ông Khải, các thị trường này đòi hỏi các điều kiện khá khắt khe, như thị trường Nhật yêu cầu cá chỉ 700 gam/con, lớn hay bé hơn họ cũng không chấp nhận và làm thế nào để nuôi đúng trọng lượng đó là không dễ, bên cạnh đó họ kiểm tra các chỉ tiêu rất cao. Hơn thế nữa, họ còn yêu cầu giám định việc giết cá như thế nào, con cá khi bị giết không có cảm giác đau đớn.
“Khi cá bắt về phải sống và phải được lưu giữ trong bể lạnh khiến con cá sẽ tê đi, lúc phi lê thịt trong suốt và hạn hạn chế đau đớn. Các sản phẩm như thế, chúng ta sản xuất được thì ở thị trường trong nước nếu tất cả các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm sẽ thức tỉnh người tiêu dùng. Ý thức của người tiêu dùng sẽ tạo áp lực cho các nhà sản xuất,” ông Khải nói.
“Ăn thứ mình bán”
Điều khó khăn để có một nền sản xuất nông sản sạnh tại Việt Nam, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ ra nhiều nguyên nhân, như đa phần các mô hình sản xuất là nhỏ, chưa liên kết với nhau theo hình thức hợp tác. Thêm vào đó, quan hệ giữa người sản xuất với người tiêu dùng là ngắn hạn.
Do đó, thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn phải qua rất nhiều khâu dẫn đến khó có thể kiểm soát. Ông Sơn thẳng thắn, theo luật mới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm.
“Tuy nhiên, để ra được một sản phẩm nông sản sạch lại nằm dưới sự ‘kiểm soát’ của nhiều bộ. Câu chuyện chuyển sang việc các bộ lại sử dụng ngân sách trong phạm vi mình quản lý. Bộ nào cũng muốn quản lý rộng khắp nhưng chỉ chịu trách nhiệm ở mức độ nhỏ. Đây chính là lý do của việc ra đời hàng loạt các loại các giấy phép con, gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp,” theo ông Sơn.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng thừa nhận để có được thị trường nông sản sạch không thể chỉ đổ lỗi do thiếu áp lực từ phía người tiêu dùng hay sự “lúng túng” của các cấp quản lý. Người sản xuất, người bán nông sản, thực phẩm và gia đình của họ phải được ăn các sản phẩm đó thì “nông sản sạch” mới có chỗ đứng, mới lấy được lòng tin trên thị trường.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần Nhất Nam (sở hữu siêu thị Fivimart) khẳng định, “chúng tôi bán những thứ chúng tôi ăn.” Nông sản phân phối tại siêu thị không chỉ bán ra ngoài thị trường mà còn cung cấp cho cả cán bộ, nhân viên của Công ty. Nhà cung cấp muốn đưa hàng vào siêu thị phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Để khắc phục những khó khăn hiện tại, như Việt Nam chưa có cơ sở cung cấp chứng chỉ cho các sản phẩm hữu cơ sạch hay việc một số người sản xuất “mua” chứng chỉ Vietgap gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính, ông Dương Minh Việt, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ và Thực phẩm sạch Hellomam cho biết, Công ty phải tự kiểm định các sản phẩm phân phối tại chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.
“Chúng tôi có các chứng chỉ từ các chi cục và khi người tiêu dùng hỏi chúng tôi có các mẫu xét nghiệm đưa ra. Nếu khách hàng cần hỗ trợ đi xét nghiệm, chúng tôi đáp ứng ngay lập tức. Chúng tôi cố gắng minh bạch hóa hoạt động kinh doanh của mình. Thị trường minh bạch người tiêu dùng sẽ có lựa chọn,” ông Việt tin tưởng nói./.
HẠNH NGUYỄN (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/chi-ban-thu-minh-an-duoc-thi-se-co-thi-truong-nong-san-sach/397169.vnp