Cập nhật: 01/08/2016 09:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một nghiên cứu Viện Lão khoa cho biết, trung bình một người cao tuổi mắc gần 3 bệnh nên trong điều trị có khi phải sử dụng nhiều thuốc một lúc và chủ yếu là các bệnh mạn tính, phải sử dụng thuốc lâu dài...

Một nghiên cứu Viện Lão khoa cho biết, trung bình một người cao tuổi mắc gần 3 bệnh nên trong điều trị có khi phải sử dụng nhiều thuốc một lúc và chủ yếu là các bệnh mạn tính, phải sử dụng thuốc lâu dài... Vì vậy, dùng thuốc ở lứa tuổi này cần hết sức thận trọng để tránh sự tương tác thuốc và những tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra.

Các bệnh hay gặp nhất ở người cao tuổi là tim mạch (tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, suy tĩnh mạch mạn tính), bệnh xương khớp (loãng xương, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa), nội tiết chuyển hóa (đái tháo đường typ 2), tâm thần kinh (sa sút trí tuệ, trầm cảm, Parkinson), bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính, ung thư và các rối loạn về thị giác, thính giác... Do vậy, khi đi khám bệnh người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết về những bệnh mà mình mắc phải và những thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng hay các tác dụng phụ của thuốc mà mình gặp phải... để bác sĩ cân nhắc, lựa chọn thuốc dùng cho phù hợp. Bác sĩ cần hỏi kỹ bệnh nhân về các thông tin trên. Tránh cho thuốc khi chưa có chẩn đoán bệnh hoặc khi còn phân vân giữa lợi và hại khi dùng thuốc.

Sau mỗi đợt điều trị cần kiểm tra lại bệnh nhân để xem hiệu quả điều trị của thuốc đến đâu, các tác dụng phụ của thuốc... để điều chỉnh thuốc và liều dùng cho phù hợp.

Đối với người cao tuổi, khi dùng thuốc nên bắt đầu bằng liều thấp, sau đó nếu cần thì tăng dần liều cho đến liều điều trị thích hợp. Đơn thuốc phải thích hợp với từng trường hợp cụ thể, có tính đến sức chịu đựng của bệnh nhân và các bệnh khác kèm theo. Nếu có một thuốc có thể điều trị hai bệnh một lúc thì nên chọn thuốc đó, cần giải thích rõ về mục tiêu điều trị, các tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình dùng thuốc.

Do bệnh ở người cao tuổi thường là bệnh mạn tính nên chỉ định dùng thuốc có khi kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm. Việc dùng thuốc từng đợt dài hay ngắn tùy thuộc vào bệnh, tùy loại thuốc hoặc tùy kết quả chữa bệnh. Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của thầy thuốc về liều lượng, số lần uống trong ngày và thời gian dùng thuốc để đạt được hiệu quả điều trị và hạn chế thấp nhất các tai biến do thuốc gây ra. Người bệnh cũng cần biết phát hiện các bất thường có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc, thông báo kịp thời cho bác sĩ điều trị biết để được xử lý kịp thời, thích hợp...

Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm, ở người già do có hiện tượng đau xương khớp khiến cho người cao tuổi ngại vận động nên nhiều khi ngại dậy để uống thuốc mà uống thuốc trong tư thế nằm làm cho thuốc không xuống tới dạ dày kết hợp với lượng nước uống ít nên thuốc đọng lại ở thực quản gây loét (với một số thuốc), gây sỏi thận (như các sulfamid kháng khuẩn)... Vì vậy không nên uống thuốc ở tư thế này và cần uống thuốc ở tư thế ngồi cùng với nhiều nước.

BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm