Làng Chuông, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vốn nổi tiếng bởi những gánh hát tuồng, hát chèo từ xưa...
Làng Chuông, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vốn nổi tiếng bởi những gánh hát tuồng, hát chèo từ xưa với nhiều vở diễn hay như: "Thoại Khanh Châu Tuấn", "Lưu Bình Dương Lễ", "Tấm Cám","Giọt lệ Trương Viên"....
Khi đời sống của người dân nông thôn được nâng cao thì những đêm hát chèo của người làng lại càng trở nên quý hiếm, là cách để người dân nơi đây gìn giữ một loại hình sân khấu truyền thống của cha ông.
Hầu hết đàn ông trong làng đi làm ăn xa nên diễn viên chèo đều do phụ nữ đảm nhận.
Không cần đợi đến 3 năm có hội diễn văn nghệ quần chúng giữa các làng hay những chương trình liên hoan văn nghệ trên huyện, trên tỉnh, người dân làng Chuông vẫn thường xuyên được thưởng thức các làn điệu chèo thân thuộc của đồng bằng Bắc Bộ.
Làng Chuông (nay là thôn Hữu Trung) vốn là một làng quê thuần nông, người dân nơi đây ngày đi làm đồng, tối về lại cùng nhau tụ hội ở nhà văn hóa để hát chèo, hát tuồng. Chị Nguyễn Thị Tươi 49 tuổi, người thường vào vai hề chèo chia sẻ, chồng, con chị đi làm ăn xa, một mình chị ở nhà cấy một mẫu ruộng, chăn nuôi nên phải sắp xếp thời gian lắm mới kịp giờ đi tập cùng chị em. Tuy vậy, chị Tươi vẫn tham gia đều đặn.
“Ban đầu, tôi không biết làm thế nào để gây tiếng cười cho khán giả, nên phải nhờ cô hát chèo ở thôn bên giúp cho mấy động tác để thoát khỏi tay cày, tay cấy cho giống vai hề. Cũng khó lắm chứ nhưng mỗi khi diễn ở trên, thấy khán giả ở dưới cười thì tôi cũng tự tin rằng mình sẽ diễn được", chị Tươi cho biết.
Xã Tân Phong có 5 thôn nhưng phong trào hát chèo chỉ mạnh nhất ở hai thôn Tiền Liệt và Hữu Trung. Mỗi thôn đều có những vở chèo đặc sắc của riêng mình. Hầu hết đàn ông trong làng đi làm ăn xa nên diễn viên chèo đều do phụ nữ đảm nhận.
Vở "Hoạn Thư ghen" trên sân khấu chèo làng Chuông.
Tuy vậy, những vở chèo cổ như Trương Viên, Lưu Bình - Dương Lễ, chèo Kiều hay Tấm Cám đã trở thành "thương hiệu" của những người nông dân yêu nghệ thuật truyền thống ở làng Chuông.
Nhớ về những đêm hát chèo của làng mình, bà Đoàn Thị Tiếu, người làng Chuông kể: “Trước kia, các cụ tập trung độ vài ba người thành một gánh hát rong. Lúc bấy giờ mục đích là đi hát kiếm cơm. Quê hương tôi khi ấy đồng chiêm nước trũng, nghèo xác xơ, còn bị Tây xâm chiếm. Thế nhưng truyền thống hát chèo cổ, tuồng cổ đã nổi lên từ lúc bấy giờ. Sau khi cải cách thì hình thành nên các gánh hát”.
Thời đổi mới, riêng xã Tân Phong có một đội hát chèo "không lương" với hàng chục nhạc công, diễn viên, thường đi biểu diễn phục vụ bà con khắp các thôn. Thế nhưng do thiếu kinh phí hoạt động, dần dà diễn viên ai nấy đã trở về nhà, gây dựng phong trào văn nghệ tại làng mình. Nhờ vậy mà Tân Phong đã trở thành xã có phong trào văn hóa văn nghệ mạnh nhất của huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Nếu như hồi mới gây dựng lại phong trào phải mời một số tác giả chuyên viết kịch bản chèo giúp đỡ, hướng dẫn bà con biểu diễn thì 2 năm trở lại đây, hầu hết kịch bản chèo đều do người làng đảm nhận. Anh Nguyễn Huy Lạp-một người dân trong làng từng được tham gia lớp tập huấn viết kịch bản ngắn hạn nay đã tự viết kịch bản chèo cho anh chị em trong xã biểu diễn.
Anh Lạp chia sẻ, từ nhỏ anh đã thích chèo và tự học qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Học hết cấp ba, anh có ý định thi vào trường nghệ thuật, nhưng gia đình quá khó khăn nên ước mơ đành gác lại. Về việc viết kịch bản chèo, anh Lạp bắt đầu từ việc chỉnh lý các hoạt cảnh rồi đặt lời cho bài hát, tham gia hội diễn. Dần dần, anh trở thành người viết kịch bản chính cho các đội chèo.
Nhìn sự chân phương mộc mạc của các bà, các chị, ngày làm việc đồng áng, tối về lại xúng xính trong vai những anh hề, cô Tấm, cô Kiều trên chiếu chèo làng Chuông, ai nấy không khỏi khâm phục.
Thế mới biết, dù cuộc sống có đổi thay, nhu cầu giải trí ngày càng hiện đại nhưng nghệ thuật chèo vẫn luôn sống cùng người dân thôn quê nhờ những người yêu chèo và ý thức gìn giữ chiếu chèo như những diễn viên nông dân ở làng Chuông./.
Theo Phương Thúy/VOV.VN - Trung tâm tin