Cập nhật: 09/08/2016 09:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hồi ký đã hé lộ một phần cuộc sống của những người lính bay. Họ cũng chịu nhiều sức ép, cũng vấp phải những áp đặt, định kiến, những hiểu lầm...

Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa xuất bản cuốn hồi ký của Trung tướng Phạm Phú Thái, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, phi công tiêm kích, nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất Quân chủng Phòng không - Không quân. Cuốn sách dày khoảng 520 trang, khổ 14x30,5cm. Từ khi mới còn ở dạng bản thảo, cuốn sách đã được sự chú ý của dư luận.

Tôi đã đọc liền trong hai buổi chiều tối cuốn hồi ký và gấp lại vẫn thấy “thòm thèm”. Từ khi tập sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) - nhìn từ hai phía” (NXB QĐN 2013) ra mắt độc giả, thì một phần lịch sử của một mặt trận - “mặt trận trên cao” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được hé lộ… thoả mãn ham muốn tìm hiểu lịch sử của bạn đọc. Nhưng đấy là những sự kiện - những con số. Còn người lính Cụ Hồ ở mặt trận trên cao ấy sống như thế nào, nghĩ gì khi đi chiến đấu và trực chiến ngoài đường băng… vẫn còn nhiều khoảng trống.

Các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi, Hoàng Văn Bổn, Hữu Mai… về cuộc chiến đấu của các anh, dù sao cũng là… tiểu thuyết. Hồi ký “Phi công tiêm kích” của Lê Hải, đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, quá mỏng… Dường như cuốn hồi ký “Lính bay” của Trung tướng Phạm Phú Thái đáp ứng được mong muốn muốn hiểu sâu hơn, rõ hơn về cuộc chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam trong những năm chống cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân và hải quân Mỹ.

Cứ theo số trang thì non một nửa cuốn sách nói về thời gian ngắn trước khi trúng tuyển phi công và thời gian học lái máy bay tại Liên Xô của Phạm Phú Thái. Ông quê nội ở Kiến Xương (Thái Bình), quê ngoại tại Hạ Hoà (Phú Thọ). Ông thân sinh tham gia cách mạng từ rất sớm, có thời làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Phú Thọ… Đó là những trang sách thấm đẫm lòng tự hào về quê hương, gia đình, về mái trường làng… Quê hương và gia đình, người mẹ, người chị, người em còn trở đi trở lại nhiều lần trong cuốn hồi ký… (người lính - những phút rảnh rỗi hiếm hoi giữa các trận đánh, mấy ai không nghĩ về quê hương - gia đình?).

Những trang viết về những ngày ở trên đất nước Xô Viết là những trang viết kiệm lời nhưng rất sâu sắc. “Liên bang Xô Viết” giờ đã không còn nữa. Nhưng ngững người thầy Xô Viết kèm cặp những cánh bay Việt Nam thật tuyệt vời. Và đất nước có hơn 20 triệu người hy sinh trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít, những bà mẹ Nga ôm chặt những người lính Việt Nam khi biết họ trở về Tổ Quốc để chiến đấu, sống mãi trong lòng Phạm Phú Thái.

Thời gian ở trường không quân Liên Xô là thời gian Phạm Phú Thái - chàng thanh niên “còn đeo khăn quàng đỏ” - hiểu rõ một điều là “phải khổ luyện”, “phải biết rút kinh nghiệm qua từng chuyến bay”. Và “phải học” khi muốn trở thành người lính bay.

Là một trong 4 phi công bay khá hơn cả trong đoàn bay Mig 21 khoá 3, được trở về nước sớm, Phạm Phú Thái về đoàn Không quân Sao đỏ, trung đoàn máy bay tiêm kích đầu tiên của Không quân ta… Lúc đó, các phi công Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Hồng Nhị,Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc… đã là những cánh bay lão luyện… Bay số 2 cho các bậc đàn anh của mình, Phạm Phú Thái không ngừng rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu cho mình để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Xen kẽ những câu chuyện về việc luyện tập, là những trận không chiến mà ông tham gia hoặc chứng kiến… những chiến thắng và cả tổn  thất… Viết về chiến thắng, ông kiệm lời… Nhưng nói về những hy sinh của đồng đội, câu văn ngắn gọn nhưng mang đầy nỗi đau và niềm tiếc thương, đặc biệt là những dòng nói về sự ra đi của Phạm Thành Nam, người phi công quê ở Bình Định, bạn cùng về nước một đợt.

Như đã nói, cuốn hồi ký đã hé lộ một phần cuộc sống của những người lính bay. Nói như bây giờ là đầy đủ “hỷ - nộ - ái - ố”. Lính bay cũng là người. Lính bay được “ưu ái” nhưng lính bay cũng chịu nhiều sức ép, cũng vấp phải những áp đặt,  định kiến, những hiểu lầm… mà những sai sót ấy đôi khi dẫn đến mất mát, hy sinh… Là người lính chiến đấu cho Tổ quốc, họ đã vượt lên tất cả, để hoàn thành nhiệm vụ.

“Hoàn thành nhiệm vụ”. Chỉ có 4 từ ngắn gọn thôi, nhưng sức nặng của nó mới ghê gớm làm sao. Những người lính bay trẻ tuổi hôm nay nên lấy những cuốn sách như “Lính bay” làm sách “gối đầu giường” vì cả cuốn sách là sự trải lòng kỹ năng chiến đấu của một Anh hùng phi công tiêm kích ham học hỏi. Và lòng bao dung nữa trước những vấp váp không tránh khỏi trong cuộc sống thường ngày. Tôi chưa có dịp tiếp xúc với Trung tướng Phạm Phú Thái. Nhưng cũng có may mắn được gặp một số “lính bay” Mig 21, Su 22 và Su 27… Cho nên, đọc vài lời tâm sự trĩu nặng của ông, lòng cũng trĩu nặng trước những lời nhắn nhủ của ông với các bạn lính trẻ.

Cuốn hồi ký trang bìa không đề “tập I” nhưng trong lời mở đầu, ông nói sẽ hoàn thành phần 2 vào năm sau, trong đó có trang sử bi hùng của Không quân Việt Nam trong năm 1972 và cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở hai đầu đất nước. Tôi mong sớm được đọc những dòng hồi ký mộc mạc, chân thực. Cũng mong được đọc những dòng viết về “ta thắng nhiều nhưng thua cũng không ít” để mà cùng suy ngẫm về “mặt trận trên cao” hiện nay của đất nước.

Đầu tháng 5/1995, trên chuyến bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam từ Paris về Hà Nội, tôi có dịp trò chuyện với bạn chiến đấu của Trung tướng Phạm Phú Thái, anh Lương Thế Phúc, lúc đó là Phó Tổng giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Tôi kể về cô gái người yêu của bạn tôi - liệt sĩ Đinh Văn  Phú, mấy chục năm sau vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ. Anh Phúc kể về những người vợ liệt sĩ phi công giờ đang sống ra sao. Rồi chúng tôi cùng im lặng trong nước mắt lặn vào tim. Tôi kể ra câu chuyện này để mời các bạn tìm đọc “Lính bay”- một cuốn hồi ký cảm động về Không quân Anh hùng của chúng ta./.

Theo Thanh Vũ/VOV.VN

Tệp đính kèm