Cập nhật: 20/08/2016 10:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thống kê cho thấy đàn ông trên 50 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (TSLTTTL) tới 50%.

Tuyến tiền liệt bình thường và tăng sinh tiền liệt tuyến.

Thống kê cho thấy đàn ông trên 50 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (TSLTTTL) tới 50%. Bệnh này gây nên triệu chứng đường tiểu dưới với các biểu hiện như tiểu rắt, tiểu đêm, bí tiểu, tiểu lắt nhắt... gây ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh. Trong trường hợp các triệu chứng này nhẹ, bác sĩ thường chỉ định chỉ cần theo dõi tích cực. Nếu các triệu chứng nêu trên ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, gây khó chịu thì nên dùng thuốc. Vậy khi được chỉ định dùng thuốc điều trị, bệnh nhân cần uống thế nào để thuốc được phát huy hiệu quả tốt nhất?

Các thuốc điều trị bệnh TSLTTTL hiện nay gồm có 3 nhóm:

Nhóm điều trị triệu chứng

Thuốc điều trị các triệu chứng đường tiểu dưới như bí tiểu, mót tiểu, tiểu đêm trong TSLTTTL là thuốc thuộc nhóm chẹn thụ thể alpha, có tác dụng giãn cơ ở cổ bàng quang và niệu đạo giúp bệnh nhân dễ dàng đi tiểu. Các hoạt chất thường gặp là doxazosin, alfuzosin, tamsulosin.

Doxazosin: Là thuốc điều trị TSLTTTL thế hệ trước và tác dụng ức chế thụ thể alpha không chọn lọc. Chính vì thế, doxazosin có thể gây hạ áp trên những bệnh nhân nhạy cảm. Nguy cơ này xảy ra cao hơn khi người bệnh bắt đầu dùng thuốc lần đầu tiên hoặc khi bắt đầu điều trị lại sau một thời gian ngưng dùng thuốc. Trong suốt các khoảng thời gian này, hãy tránh những nơi có thể bị chấn thương khi bị ngất xỉu.

Alfuzosin, tamsulosin: Là các thuốc thế hệ sau, có tác dụng chọn lọc trên hệ niệu nên ít tác dụng phụ trên huyết áp hơn doxazosin. Hai hoạt chất này tác động chủ yếu lên tuyến tiền liệt, cổ bàng quang và niệu đạo, nhờ đó làm giãn cơ ở các vị trí này, có tác dụng cải thiện nhanh các triệu chứng tắc nghẽn và kích thích. Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng bệnh nhân được cải thiện triệu chứng đường tiểu dưới ngay 8 giờ sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên, với một số bệnh nhân điều trị bằng tamsulosin có thể gặp tác dụng phụ trên chức năng tình dục, cụ thể là xuất tinh ngược dòng. Tốt nhất nên thông báo với bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải để có hướng điều trị tốt hơn.

Hiện nay, trên thị trường, cả 3 hoạt chất alfuzosin, doxazosin và tamsulosin đều có dạng giải phóng kéo dài với liều dùng chỉ 1 viên mỗi ngày giúp đem lại sự thuận tiện cho người bệnh. Ngoài ra, dạng bào chế hiện đại này còn giúp giảm thiểu nguy cơ gặp các tác dụng phụ trên tim mạch và huyết áp. Dạng bào chế giải phóng chậm của alfuzosin nên được uống ngay sau bữa ăn tối. Lí do là sau khi ăn no, thuốc được hấp thu tốt hơn so với uống lúc đói. Bên cạnh đó, việc uống vào buổi tối là khi bệnh nhân chuẩn bị đi ngủ nên giảm nguy cơ hạ huyết áp tư thế. Đối với tamsulosin thì nên uống 30 phút sau khi ăn. Đặc biệt, với các thuốc giải phóng kéo dài cần được nuốt nguyên viên thuốc mà không được nhai hay nghiền. Nhóm thuốc điều trị triệu chứng thường được dùng khi bệnh nhân gặp các vấn đề như bí tiểu, tiểu rắt, tiểu đêm và có thể ngừng khi triệu chứng đã được cải thiện. Nhóm này đã được chứng minh là có hiệu quả kể cả khi bệnh nhân dùng tới 3 năm mà không lo bị nhờn thuốc.

Nhóm làm giảm kích thước bướu

Nhóm thuốc ức chế men 5- alpha reductase được chứng minh là giúp làm giảm kích thước tuyến tiền liệt sau khoảng 3 - 6 tháng, chỉ được chỉ định dùng khi có tuyến tiền liệt trên 40g và có các triệu chứng đường tiểu dưới rõ rệt. Hoạt chất thường gặp nhất của nhóm này là dutasteride. Thuốc này không cải thiện nhanh triệu chứng nên thông thường các bác sĩ sẽ kết hợp cùng với nhóm thuốc chẹn thụ thể alpha nêu trên. Nhóm thuốc 5 alpha reductase có thể gây ra tác dụng phụ trên tình dục bao gồm rối loạn chức năng cương cứng, giảm ham muốn hoặc xuất tinh ngược. Thuốc này có thể uống trước hay sau bữa ăn đều được và cũng cần nuốt nguyên viên thuốc.

Nhóm thảo dược

Một số thảo dược được dùng trong điều trị TSLTTTL như trinh nữ hoàng cung, dịch chiết cây mận châu Phi. Nhóm thuốc thảo dược không có trong phác đồ điều trị chuẩn của hội thận tiết niệu nhưng vẫn được dùng theo kinh nghiệm điều trị của các bác sĩ vì được cho là khá an toàn. Thông thường, nhóm này cũng thường được kết hợp với nhóm chẹn thụ thể alpha giúp làm giảm nhanh các triệu chứng bí tiểu, tiểu đêm... do bệnh TSLTTTL gây nên.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi gặp các triệu chứng đường tiểu dưới như bí tiểu, tiểu rắt, tiểu ngắt quãng, tiểu nhiều lần, người bệnh không nên cố chịu đựng, coi đây chỉ là “bệnh tuổi già” mà không đi khám. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển dần thành các bệnh lý như viêm bàng quang, sỏi bàng quang, nặng hơn là bí tiểu cấp cần cấp cứu đặt ống thông tiểu. Vì vậy, khi có các triệu chứng nghi ngờ, hãy đến cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám và chẩn đoán đúng bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm.

ThS. Nguyễn Minh Trang

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm