Doanh nghiệp da giầy được hỗ trợ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu an toàn sản phẩm để vững tin xuất khẩu và hội nhập nhiều thị trường.
Con đường để da giầy Việt Nam tiếp cận với thị trường EU còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: KT)
Da giầy hiện là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt gần 15 tỷ đô la Mỹ, đối tác xuất khẩu chính là EU. Thế nhưng, con đường để da giầy Việt Nam tiếp cận với thị trường này còn gặp nhiều khó khăn. Bởi sản phẩm chất lượng chưa cao, doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được hết các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng của thị trường EU.
Điều đó đã khiến cho các sản phẩm giầy dép của Việt Nam vẫn còn lép vế và chưa chinh phục hoàn toàn thị trường khó tính này. Để khắc phục những hạn chế trong ngành thì cải thiện chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm đang là hướng đi mà các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành da giầy hướng tới.
Việt Nam là nước sản xuất giầy dép đứng thứ 3 châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ và đứng thứ 4 thế giới, với năng lực sản xuất khoảng 920 triệu đôi giầy/năm, xuất khẩu hơn 800 triệu đôi tới hơn 50 thị trường trên thế giới. Trong đó thị trường chính là Liên minh châu Âu chiếm 20% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành, còn lại là thị trường Bắc Mỹ, các nước châu Á, Nam Mỹ….
Mặc dù vậy, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu da giầy của nước ta sang thị trường EU đang bị chững lại. Nguyên nhân do sức cạnh tranh của ngành da giầy Việt Nam còn yếu; Doanh nghiệp xuất khẩu da giầy Việt Nam chưa hiểu biết thấu đáo về quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và tiêu chuẩn riêng của thị trường EU, kết quả thí nghiệm và chứng nhận của Việt Nam chưa được khách hàng quốc tế thừa nhận.
Trong khi các nước trên thế giới xây dựng nhiều rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm giầy dép nhập khẩu, Việt Nam chưa có các quy định mang tính pháp lý để kiểm soát chất lượng của sản phẩm này. Dẫn đến việc sản xuất ra những sản phẩm da giầy có chất lượng chưa cao.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất da giầy Việt Nam, những quy định khắt khe trong kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tại thị trường EU lại đang là trở ngại lớn với doanh nghiệp hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP da giầy Hải Dương chia sẻ, những mẫu sản phẩm xuất khẩu đều phải kiểm nghiệm ở nước ngoài với những quy định rất khắt khe, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Hiệp hội da giầy cũng như Viện nghiên cứu da giầy cần đề nghị phía EU giảm bớt một số rào cản kỹ thuật đối với doanh nghiệp. Có như vậy doanh nghiệp sẽ tận dụng được cơ hội để phát triển tốt hơn, kinh doanh hiệu quả hơn.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có 800 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp da giầy, trong đó 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các đơn hàng lớn và tiêu chuẩn kỹ thuật... Điều này khiến nhiều chuyên gia trong ngành da giầy quan ngại và nhận thấy sự cần thiết trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp da giầy nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tiếp cận sâu hơn vào các thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Hải Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da Giầy cho biết, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, từ năm 2014 đến nay, Dự án “Hỗ trợ Doanh nghiệp da giầy đáp ứng tốt hơn các yêu cầu an toàn sản phẩm” đã được triển khai. Dự án cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành da giầy tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu.
“Việc hiểu biết về thương mại trong quốc tế cũng như các chỉ tiêu về cơ lý hóa đối với sản phẩm da giầy khi xuất khẩu sang châu Âu của nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Việc triển khai dự án đã góp phần giúp cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định, các điều khoản, điều luật khi xuất khẩu sang châu Âu”, ông Trung cho biết.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da Giầy - Túi xách Việt Nam, Điều phối viên Dự án cho biết, việc triển khai Dự án “Hỗ trợ Doanh nghiệp da giầy đáp ứng tốt hơn các yêu cầu an toàn sản phẩm” là đòn bẩy, là động lực để thúc đẩy ngành da giầy Việt Nam vững tin và hội nhập với thế giới. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng sản xuất, tập trung nâng cao mức độ an toàn của sản phẩm da giầy khi xuất khẩu để có thể tiếp nhận được những đơn hàng khó và lớn
“Dự án việc nâng cao được nhận thức cho các doanh nghiệp còn là động thái tác động sâu sắc đến cơ quan quản lý Nhà nước, liên quan đến chất lượng sản phẩm da giầy. Việc tạo ra được hàng rào kỹ thuật vừa giúp cho các doanh nghiệp nâng cao được chất lượng sản phẩm, đồng thời nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng, cung ứng các mặt hàng không chỉ cho xuất khẩu mà còn ở thị trường nội địa”, bà Xuân phân tích.
Trong năm 2016, ngành da giầy đặt mục tiêu xuất khẩu 17,4 tỷ USD, đến năm 2030 sẽ nâng kim ngạch xuất khẩu lên con số 54 tỷ USD. Mục tiêu đặt ra là vậy nhưng con đường về đích lại không hề dễ dàng.
Với sự hỗ trợ của Dự án, sự nỗ lực đi lên của doanh nghiệp và cùng với cánh cửa rộng mở từ các Hiệp định thương mại tự do, hy vọng sẽ tạo nên cú hích lớn giúp ngành công nghiệp sản xuất da giầy của Việt Nam phát triển và hội nhập mạnh mẽ./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN