Cập nhật: 05/09/2016 09:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Stress ập đến bằng nhiều cách, chẳng hạn như do áp lực công việc, do một căn bệnh mạn tính, hay cãi nhau với một người thân yêu.

Thiền giúp giảm stress.

Stress ập đến bằng nhiều cách, chẳng hạn như do áp lực công việc, do một căn bệnh mạn tính, hay cãi nhau với một người thân yêu. Nhưng tất cả các loại stress, thậm chí từ những hoạt động tích cực cũng có thể dẫn đến gánh nặng về thể chất và tinh thần đối với sức khỏe, đặc biệt khi bạn là một người lớn tuổi.

Tác hại stress

Tình huống stress kích hoạt một phản ứng vật lý được gọi là đáp ứng stress. Bộ não chuyển tiếp cảnh báo đến các cơ bắp để co thắt, đến tuyến thượng thận giải phóng các hormon stress như adrenalin và cortisol. Những hormon này giúp cơ thể bạn chuẩn bị để kháng lại stress: tăng cung lượng tim, huyết áp tăng để đưa máu tới não và cơ bắp của bạn; tăng thông khí để đưa ôxy vào máu; cơ thể bạn sẽ giải phóng các loại đường và chất béo vào máu để cung cấp năng lượng...

Trong một thời gian ngắn, các đáp ứng stress có thể giúp bạn điều chỉnh một tình huống phát sinh nhưng stress mạn tính có thể dẫn đến thương tổn thực thể. Stress làm tăng lượng đường trong máu và có thể làm cho bệnh đái tháo đường nặng hơn, có thể tạo ra bệnh tăng huyết áp và gây mất ngủ. Stress cũng có thể làm cho mọi người trở nên bất an, lo lắng, chán nản, hoặc thất vọng, stress mạn tính cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim, chứng ợ nóng và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Đối với người cao tuổi, tác hại của stress càng trở nên trầm trọng. TS. Ann Webster, một nhà tâm lý tại Bệnh viện đa khoa Harvard-affiliated Massachusetts (Mỹ) cho biết: “Về già, hệ thống miễn dịch sẽ kém hiệu quả, cộng thêm với stress có thể làm nặng thêm bệnh sẵn có hoặc phát sinh bệnh mới”.

Nhận dạng stress

Các triệu chứng của stress rất phong phú, đơn giản như đau đầu, căng thẳng, đau lưng, khó tiêu hoặc tim đập nhanh. Nó có thể ảnh hưởng đến nhận thức tư duy, chẳng hạn như tập trung kém và thiếu quyết đoán. Triệu chứng cảm xúc của stress bao gồm khóc, khó chịu và bực mình. Stress cũng có thể hiển thị dưới các hành vi tiêu cực...

Những cách để giảm hoặc quản lý stress

Quản lý stress: Các bước đầu tiên hướng tới việc giảm stress là nhận diện những gì gây nên stress mà mình đang có. TS. Webster giải thích: “Nếu bạn biết những gì làm bạn stress thì tìm cách tránh nó. Nhưng có những stress, chúng ta phải chấp nhận, vì vậy chúng ta phải thay đổi phản ứng của chúng ta đối với những stress đó”.

Kỹ thuật thư giãn: Đây là những hoạt động kích hoạt các đáp ứng thư giãn, một sự thay đổi sinh lý cơ thể có thể giúp hạ huyết áp, điều hòa nhịp tim, nhịp thở, tiêu thụ ôxy và hóa giải stress. Bạn có thể đạt được điều này với các hoạt động như thiền, tập yoga và các bài tập thở sâu.

Thiền thường được hiểu là ngồi yên, trầm tư mặc tưởng, phân tích hoặc suy nghĩ về một luận cứ, một bài thơ hoặc một bài kinh. Đôi khi nó cũng được hiểu là ngồi xuống, nhắm mắt lại và giữ cho trí óc không suy nghĩ gì cả. Ngồi thiền là phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng vào giây phút hiện tại. Khuyến cáo ngồi thiền khoảng 30 phút mỗi ngày và trong khi thực hành thiền thì thả lỏng cơ thể và thư giãn đầu óc. Đây là phương pháp làm giảm stress hữu hiệu.

Duy trì tập luyện yoga đều đặn là một cách tuyệt vời để giảm stress, giữ vóc dáng cân đối và một tâm trí yên bình. Stress là một hệ quả khó tránh của cuộc sống hiện đại bận rộn, tuy nhiên, chỉ với các động tác đơn giản của tập yoga khoảng 20 phút mỗi ngày, chắc chắn stress sẽ không còn là nỗi ám ảnh và ngăn cản bạn sống vui khỏe và có ích hơn mỗi ngày.

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT: Cognitive behavioral therapy): CBT được dựa trên ý tưởng rằng việc thay đổi suy nghĩ không lành mạnh có thể thay đổi cảm xúc của bạn. Một liệu pháp CBT sẽ giúp bạn xác định suy nghĩ tiêu cực và tìm hiểu để tự thay thế nó với những suy nghĩ lành mạnh hay tích cực.

Thiết lập mục tiêu: TS. Webster nói: “Khi mọi người đặt ra mục tiêu cho bản thân, họ có một cảm xúc tích cực của sự cam kết, cảm thấy họ đang làm chủ, kiểm soát được tình huống và rất lạc quan”. Khuyến cáo nên thiết lập mục tiêu trong sự nghiệp của mỗi cá nhân, xây dựng các mối quan hệ, sáng tạo, vui chơi và giữ gìn sức khỏe.

TS.BS. Lê Thanh Hải

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm