Cập nhật: 07/09/2016 09:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày hôm qua, hình ảnh Tổng thống Pháp Francois Hollande thong dong đi dạo trên phố cổ Hà Nội, với nhiều ngôi nhà mang đậm kiến trúc Pháp, cùng với Giáo sư Ngô Bảo Châu đã gợi mở rất nhiều điều trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng Giáo sư Ngô Bảo Châu

 rảo bước trên phố cổ Hà Nội (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Tại bữa tiệc chiêu đãi diễn ra tối cùng ngày, cả Chủ tịch nước Trần Đại Quang lẫn Tổng thống Pháp Hollande đều đã nhắc tới những thăng trầm lịch sử mà hai bên đã vượt qua để đưa mối quan hệ Đối tác Chiến lược phát triển thực chất.

Mà để làm được điều đó, hẳn trong mỗi người chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về đất nước, con người Pháp, và ngược lại.

Người viết lại nhớ đến cuộc trò chuyện khá dài tại Paris gần đây với nhà văn Việt kiều Pháp - Hiệu Constan, một trong những “cầu nối văn hóa Pháp - Việt.”

Chị Hiệu có khao khát muốn dịch nhiều tác phẩm văn hóa thật sát hơn với nguyên tác, để độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn văn hóa Pháp, vốn một thời do nhiều yếu tố mà các dịch giả chúng ta còn bối rối chưa làm được dẫn đến việc nhiều độc giả chưa hiểu đa chiều và chính xác về Pháp.

Chị Hiệu cũng tham gia trong nhóm dịch cuốn hồi ký Xứ Đông Dương của Paul Doumer, người nắm chức Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902 và sau đó là Tổng Thống Pháp.

Cuốn sách từng trở thành hiện tượng xuất bản cuối năm 2015 nhưng bị phản ứng vì “sách thì hay mà dịch thì sai kinh khủng”, vừa được GS Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính, chính thức phát hành từ tháng Ba.

Trong cuộc tọa đàm cuốn sách, PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao - một trong ba vị chủ tọa mở đầu bằng ý kiến muốn đọc bản gốc để “nhận biết cái tinh túy, bởi khi dịch mất đi mấy chục phần trăm”.

Dẫu vậy ông cho rằng thông điệp, giá trị của nó còn nguyên và độc giả nên đón đọc để thấy cả một thời kỳ bi thương của dân tộc Việt dưới cái nhìn khác đi.

Quả thật, nếu đọc cuốn sách và hiểu với dưới “một cái nhìn khác đi”, độc giả sẽ thấy được nhiều thông điệp lấp lánh.

“Người An Nam chắc chắn là dân tộc người ưu trội hơn so với các dân tộc xung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La đều không chống lại được họ. Không quốc gia nào trong Đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có dân tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam”, đấy chỉ là một trong nhiều áng văn mà tác giả ca ngợi người Việt, đất nước Việt Nam.

Thăm Hà Nội, thăm phố Cổ, chắc chắn ông Hollande phải biết rằng người tiền nhiệm Paul Doumer, hơn một thế kỷ trước đã làm nên kỳ tích khi quy hoạch xong Hà Nội, kịp để lại hệ thống cơ sở hạ tầng còn mãi với thời gian: Ba cây cầu trong đó có Long Biên, Trường Tiền, hệ thống đường sắt Bắc-Nam.

Trong Hồi ký, Paul Doumer đau đớn viết: “đến nơi này quá muộn, không cứu vãn được nhiều di tích”. Thành cổ Hà Nội bị phá là một trong những điều tiếc nuối ấy, không riêng của người Việt.

Trước thời Paul Doumer, Hà Nội rất sơ khai, khu phố tây không có gì đáng kể ngoài Tràng Tiền-Tràng Thi. Một số cuốn sách khác cũng nhắc Paul Doumer là người quyết liệt nạo vét Hồ Gươm, tạo nên diện mạo mới...

 

Cuốn Xứ Đông Dương từng trở thành hiện tượng xuất bản tại Việt Nam

Trong mối quan hệ, cũng không gì thuận lợi hơn khi hai bên đến với nhau bằng tấm lòng cảm thông một cách chân thành, sau những bài học rút ra từ dĩ vãng.

Trong hơn một tháng công tác tại Pháp, tôi càng cảm nhận rằng hiếm có người dân nào, quốc gia nào có thiện cảm với người Việt, muốn hợp tác, giúp đỡ Việt Nam như người Pháp.

Chỉ cần phương diện văn hóa thôi, tin chắc Pháp sẽ giúp được Việt Nam rất nhiều, như quy hoạch đô thị, trung tu các di sản thời Pháp thuộc, gần nhất là giúp hoàn thiện phố đi bộ Hà Nội đang gây băn khoăn về tính khả thi.

Xin chào một người bạn Pháp - ngài Francois Hollande!

Theo HỮU QUÝ (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/quan-he-vietphap-qua-goc-nhin-tu-cuon-sach-xu-dong-duong/404666.vnp

Tệp đính kèm