SKĐS - Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn của đám rối tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh trong. Bệnh sinh của giãn tĩnh mạch thừng tinh...
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn của đám rối tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh trong. Bệnh sinh của giãn tĩnh mạch thừng tinh là do sự trào ngược dòng máu tĩnh mạch vào tĩnh mạch tinh, hậu quả là sự giãn các tĩnh mạch ở bìu tạo thành búi ngoằn ngoèo hình dây leo. Do tĩnh mạch nằm phía trên tinh hoàn bị xoắn giãn một cách bất thường làm cho tinh hoàn bị chảy sệ. Bệnh thường xuất hiện quanh tinh hoàn trái với tỷ lệ trên 80% trường hợp. Đây là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chức năng tinh hoàn và khá phổ biến, gặp tới 10-15% ở nam giới sau tuổi dậy thì nói chung và 40% nam giới hiếm muộn.
Nguyên nhân trực tiếp của giãn tĩnh mạch thừng tinh hiện nay còn chưa biết rõ. Có một số giả thuyết về nguyên nhân như: suy van tĩnh mạch, do tăng nhiệt độ ở bìu, do trào ngược các chất chuyển hóa từ thượng thận và thận vào tĩnh mạch tinh, ứ đọng máu tĩnh mạch, do bẩm sinh cấu trúc của tĩnh mạch không bình thường... Giãn tĩnh mạch tinh xảy ra khi tĩnh mạch tinh không có van hoặc hệ thống van chống trào ngược bị trục trặc, do đó, máu từ tĩnh mạch thận hoặc tĩnh mạch chủ dưới trào ngược vào tĩnh mạch tinh làm cho tĩnh mạch tinh ngày càng giãn rộng, lượng máu ứ đọng lại quanh tinh hoàn quá nhiều. Khi bệnh tiến triển nhanh gây đau đớn, bệnh nhân cần được phẫu thuật để thắt các tĩnh mạch giãn.
Giai đoạn sớm, giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có biểu hiện lâm sàng, phần lớn các trường hợp bệnh nhân đến khám vì lý do vô sinh, sau đó tình cờ phát hiện ra giãn tĩnh mạch thừng tinh. Giai đoạn muộn, triệu chứng lâm sàng thường gặp là đau tinh hoàn, sờ thấy các búi tĩnh mạch giãn ở bìu. Khoảng 80-90% các trường hợp có giãn tĩnh mạch thừng tinh ở bên trái.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày, nếu không được điều trị kịp thời, nó còn có thể gây ra vô sinh do làm gia tăng nhiệt độ ở bìu, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của tinh trùng, cũng như độ di động và/hoặc hình dạng của tinh trùng. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của tinh trùng. Bệnh có thể gây teo tinh hoàn: có cảm giác tinh hoàn nhỏ và mềm hơn, do các van không hoạt động tốt nên máu không dồn vào các tĩnh mạch, kết quả là tăng áp lực ở các tĩnh mạch. Vì vậy khi phát hiện thấy có bất thường ở cơ quan sinh sản, nam giới cần đi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả có thể giúp các trường hợp bị giãn tĩnh mạch thừng tinh có con một cách tự nhiên.
Theo BS. ĐINH MẠNH TRÍ/suckhoedoisong.vn