Cập nhật: 27/09/2016 08:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu phổ cập mà hầu hết các cơ sở y tế đều có thể thực hiện.

Một ca thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể.

Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu phổ cập mà hầu hết các cơ sở y tế đều có thể thực hiện. Tuy nhiên, người bệnh cần được tư vấn đầy đủ về phương pháp này để cân nhắc khi lựa chọn thủ thuật điều trị sỏi tiết niệu.

Sỏi tiết niệu là một bệnh lý phổ biến nhất và hay tái phát. Bệnh này thường gặp ở người trẻ trong độ tuổi từ 30 - 60. Tổng kết của Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam cho thấy tỷ lệ sỏi tiết niệu chiếm 30 - 40% số bệnh nhân có bệnh lý về tiết niệu. Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Sỏi tiết niệu rất đa dạng, bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và một số trường hợp có cả sỏi niệu đạo, trong đó, sỏi thận và niệu quản chiếm khoảng 70% trường hợp.

Tán sỏi ngoài cơ thể hiệu quả cao, ít biến chứng

Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu được áp dụng phổ biến nhất, rẻ nhất và không mất thời gian nằm viện, chủ yếu dành cho những sỏi <15mm. Về nguyên tắc, đây là phương pháp gián tiếp nên bên cạnh ưu điểm ít xâm hại, ít đau thì hiệu quả hết sỏi chỉ đạt từ 55 - 85% trong tổng số các trường hợp tán sỏi.

Tán sỏi ngoài cơ thể được thực hiện thế nào?

Dưới gây mê toàn thân hoặc tiền mê giảm đau, bệnh nhân được nằm trên máy tán sỏi. Phần lưng tương ứng với vị trí của sỏi được đặt tiếp xúc với bóng của nguồn phát sóng xung kích. Với định vị của Xquang, bác sĩ điều khiển sóng xung kích hội tụ chính xác vào viên sỏi và phát xung để tán sỏi. Trung bình mỗi liệu trình điều trị thường sử dụng không quá 3.000 nhịp sóng xung kích để bảo đảm an toàn tối đa cho nhu mô thận nhưng đồng thời tán vỡ được sỏi. Trong quá trình tán, sỏi luôn di động theo nhịp thở, do vậy nếu không giữ được nhịp thở sâu và đều thì số lần sóng xung kích không trúng vào sỏi sẽ tăng lên kéo theo hiệu quả vỡ sỏi giảm đi.

Tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng sóng xung kích hội tụ vào viên sỏi để tán vỡ nó. Như vậy, hiệu quả phụ thuộc vào công suất máy và độ rắn của viên sỏi. Nói chung, bác sĩ sử dụng công suất tán sỏi thấp hay cao phụ thuộc vào độ rắn của sỏi dựa theo thông số về độ cứng của sỏi trên Xquang hoặc diễn biến về sự vỡ của sỏi trong quá trình tán. Ngoài ra, hiệu quả tán sỏi còn phụ thuộc theo vị trí của sỏi: sỏi đài thận, bể thận thường dễ tán vỡ hơn so với sỏi niệu quản. Khoảng cách từ da đến viên sỏi (bệnh nhân béo hay gầy) cũng là 1 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả vỡ sỏi. Sau khi được tán vỡ, các mảnh sỏi phải tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu và như vậy, hiệu quả lại phụ thuộc vào sự thông suốt của đường tiết niệu: kích thước các mảnh sỏi đã được tán vỡ phải lọt qua được lòng niệu quản và thận phải còn có khả năng tiết ra nước tiểu. Với những sỏi ở đài dưới thận, khả năng tự đào thải mảnh sỏi vụn phụ thuộc nhiều vào góc giữa trục đài thận với trục bể thận. Trên thực tế, không ít trường hợp sỏi đài dưới đã được tán vỡ song vẫn đọng lại không đào thải ra được. Sự thông suốt của niệu quản đóng vai trò quyết định cho sự đào thải của mảnh sỏi, do vậy, việc đánh giá tình trạng toàn bộ đường tiết niệu là yếu tố cần thiết khi đưa ra chỉ định tán sỏi.

Vai trò của việc lựa chọn chỉ định trong tán sỏi ngoài cơ thể

Không đơn thuần chỉ là có máy tán sỏi ngoài cơ thể mà chỉ định tán sỏi ảnh hưởng lớn đến kết quả và tránh được các biến chứng, đáng sợ nhất là tắc nghẽn niệu quản gây cơn đau quặn thận khủng khiếp hoặc đợt nhiễm khuẩn bùng phát gây nhiễm khuẩn huyết.

Một chỉ định đúng đắn phải dựa trên sự phân tích tổng hợp các yếu tố thông qua xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh về kích thước, độ rắn, vị trí của sỏi; sự thông suốt của đường tiết niệu cũng như các bất thường giải phẫu; chỉ số cơ thể body mass index; chức năng thận; tình trạng nhiễm trùng tiết niệu…Không được lạm dụng mở rộng chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể.

Ngay cả khi đã có chỉ định đúng, tán sỏi ngoài cơ thể cũng có thể gặp biến chứng tắc niệu quản, thậm chí rất nhiều mảnh sỏi gây tắc nghẽn trên một đoạn dài của niệu quản, cơn đau quặn thận, tụ máu quanh thận… hoặc những bất thường như sỏi không vỡ hoặc đã vỡ mà vẫn đọng lại, trong trường hợp đó, các phương pháp nội soi niệu quản, nội soi thận qua da tối thiểu hay đặt sonde JJ sẽ là phương pháp hữu hiệu.

BS. Lê Sĩ Trung

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm