Cập nhật: 28/09/2016 08:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hội Nghề cá Việt Nam vừa có Công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và các bộ ngành liên quan về vấn đề khắc phục hậu quả do Formosa gây ra. Theo Công văn này, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Tổng cục Thủy sản) xây dựng bản đồ ven biển 4 tỉnh miền Trung chưa được phép khai thác cá tầng đáy.

Thu mua cá tại cảng. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng - người đứng đầu Hội Nghề cá Việt Nam nêu rõ, bản đồ này cần xác định rõ diện tích vùng biển, vĩ độ và kinh độ đường biên của vùng biển không an toàn, để ngư dân khi khai thác cá tầng đáy có thể nhận biết và không khai thác cá ở những vùng biển này.

“Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có biện pháp kiểm soát các tàu đánh cá của 4 tỉnh miền Trung và các tỉnh khác vào vùng biến cấm để đánh bắt thủy sản tầng đáy và theo dõi các tàu này về bờ bán cá tại cảng nào trên lãnh thổ Việt Nam để ngăn chặn,” Chủ tịch Nguyễn Việt Thắng nói.

Theo nội dung Công văn này, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề xuất việc xây dựng “tờ rơi nhận biết cá biển tầng đáy” phát cho người tiêu dùng.

Bởi theo, Tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng, chỉ có các chuyên gia ngư loại học mới có thể phân biệt chính xác thủy sản biển tầng nổi và tầng đáy.

“Do vậy, để giúp cho người tiêu dùng, các cửa hàng ăn, phân biệt dễ dàng và chính xác loại nào là thủy sản tầng đáy, đề nghị Tổng cục Thủy sản sớm xây dựng “tờ rơi” với nội dung bao gồm: Tên loài thủy sản tiếng Việt (gồm tên phổ thông và tên địa phương), tên khoa học, kèm theo ảnh của các loài thủy sản sống ở tầng đáy và phân phát tài liệu này cho các cửa hàng ăn, người tiêu dùng và những người quan tâm,” Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam chỉ rõ.

Mặt khác, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề xuất việc giao nhiệm vụ kiếm tra chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản 4 tỉnh miền Trung, cho Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) và các cơ quan ngành dọc của Cục tại địa phương.

Lý giải cho vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng cho rằng, việc giao nhiệm vụ các tố chức trực thuộc Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế sẽ thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận An toàn thực phẩm cho từng lô hàng thủy sản do các tàu đánh cá thuộc 4 tỉnh miền Trung đánh bắt là chưa hợp lý.

Cụ thể, việc giao nhiệm vụ như vậy là không đúng với phân công nêu tại điều 62 và 63 của Luật An toàn thực phẩm. Mặt khác, NAFIQAD có các Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản tại từng tỉnh là đơn vị đang được giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ nêu tại Điều 63 của Luật An toàn thực phấm, hoàn toàn có đủ khả năng và nguồn lực (cán bộ và thiết bị) để thực hiện nhiệm vụ này.

Ngoài ra, việc kiểm soát cá tầng đáy do các tàu vào bờ bốc dỡ không nên chỉ giới hạn là cá và phạm vi là các cảng thuộc 4 tỉnh miền Trung, mà cần xác định là thủy sản tầng đáy (cá, giáp xác, nhuyễn thể) khai thác tại các vùng biển cấm khai thác được cập cảng và bốc dỡ tại tất cá các tỉnh trên lãnh thổ Việt Nam./.

Theo THANH TÂM (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/de-nghi-xay-dung-ban-do-vung-bien-cam-khai-thac-ca-tang-day-tai-4-tinh/408064.vnp

Tệp đính kèm