Do vấn đề cơ địa, nên một số người khi dùng các loại thức ăn hay thức uống có thể bị dị ứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có trường hợp nặng dẫn đến tử vong.
Theo các nhà khoa học, dị ứng thực phẩm có thể ảnh hưởng đối với trẻ em dưới 3 tuổi với tỉ lệ từ 6 - 8% và người lớn khoảng 4%. Thực tế cần phân biệt rõ để khỏi nhầm lẫn giữa tình trạng dị ứng thực phẩm với một phản ứng khá phổ biến xảy ra là cơ thể không dung nạp được thức ăn. Thực trạng không dung nạp được thức ăn gây khó chịu là một vấn đề ít nghiêm trọng và không liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch của cơ thể.
Các loại thực phẩm gây dị ứng
Trong những năm gần đây, số người bị dị ứng tăng nhanh với nhiều nguyên nhân khác nhau như do thuốc, thực phẩm, hóa chất, bụi nhà hoặc do các loại vi khuẩn, virút... Các dị ứng do những dị nguyên này gây ra phổ biến là bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản dạng hen, hen phế quản, nổi mày đay, sẩn ngứa, phù Quincke, hồng ban các loại, chàm sữa, viêm da tiếp xúc và nhiều bệnh dị ứng nghề nghiệp khác. Trong đó, đáng quan tâm nhất là vấn đề dị ứng thực phẩm vì hàng ngày con người cần phải sử dụng các loại thức ăn và thức uống như là một yêu cầu cần thiết không thể thiếu được.
Ảnh minh hoạ
Theo các nhà khoa học, dị ứng thực phẩm đã được nói đến từ rất lâu với tên gọi là bệnh “đặc ứng” (idiosyncrasie) với nhiều biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng; thường gặp là các bệnh viêm mũi, viêm da, nổi mày đay, phù Quincke, hen phế quản, sốc phản vệ... Thực phẩm được chia làm 2 loại chính là thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như tôm, cua, thịt, ốc... và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau, quả, nấm...; trong đó những loại thực phẩm cần được chú ý là trứng, sữa và bột trẻ em...
Dị ứng trứng: thường gặp hàng ngày với các biểu hiện lâm sàng được ghi nhận như: nổi ban đỏ, nổi mày đay, khó thở, rối loạn tiêu hóa. Các loại trứng gà, trứng vịt, trứng ngan... thường có những kháng nguyên chung; hoạt chất có thể gây dị ứng là lòng trắng trứng và ovomucoid có trong lòng đỏ của trứng.
Dị ứng sữa bò: thường gặp ở trẻ em, chiếm tỉ lệ trung bình khoảng từ 0,3 - 0,5% nhất là đối với trẻ sơ sinh và trẻ em lứa tuổi mẫu giáo. Có thể nói sữa bò là loại protein lạ đưa vào cơ thể của trẻ sớm nhất. Trong sữa bò có nhiều thành phần khác nhau như: beta-lactoglobulin (A và B), alpha-lactoalbumin, casein (alpha, beta, gama); trong đó beta-lactoglobulin có tính kháng nguyên mạnh. Trên thực tế, sữa bò có thể là nguyên nhân của nhiều hội chứng dị ứng đối với trẻ sử dụng như: sốc phản vệ, gây cơn khó thở, phù nề niêm mạc mũi, hen phế quản; bị rối loạn tiêu hóa gồm nôn mửa, co thắt môn vị, viêm đại tràng, hội chứng dạ dày - tá tràng...; cũng có thể bị nổi mày đay, phù Quincke, sốt không rõ nguyên nhân.
Dị ứng thực phẩm có nguồn gốc thực vật: có nhiều loại thực phẩm có khả năng gây nên tình trạng dị ứng từ các loại nấm, bột gạo, bột mì, lúa mì, ngô, khoai...; dầu các loại cây công nghiệp như: dừa, lạc, hạnh nhân...; các hoại quả như: cam, quýt, chanh, đào, lê, táo, mận, dưa hấu, dưa bở, đu đủ, dứa...; nhiều loại rau xanh mồng tơi, dọc mùng...; kể cả khoai tây, cà phê, sắn, cà chua, nấm thực vật...
Dị ứng thực phẩm có nguồn gốc động vật: có nhiều loại thực phẩm là dị nguyên gây nên phản ứng dị ứng mạnh đối với cơ thể như thịt các loại gà, vịt, bò, trâu, lợn, thỏ, ếch, nhái...; nhất là thịt gà, tôm, cua, cá, ốc, nhộng...
Dị ứng do các thực phẩm khác: thực tế một số loại bánh kẹo như sôcôla, kẹo vừng; thức uống như nước chanh, nước cam, bia, rượu... cũng dễ gây nên dị ứng.
Biểu hiện phản ứng dị ứng thực phẩm
Như trên đã nêu, dị ứng thực phẩm xảy ra thường mang tính chất cơ địa. Đối với một số người, phản ứng dị ứng có thể gây nên khi sử dụng các loại thức ăn hay thức uống đặc biệt có thể gây nên dấu hiệu khó chịu trong người nhưng không nghiêm trọng. Trái lại đối với một số người khác, phản ứng dị ứng thực phẩm có thể xảy ra rất nặng nề, trầm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường phát triển và xuất hiện trong vòng một vài phút đến khoảng một giờ sau khi ăn phải những loại thực phẩm có dị nguyên. Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp phổ biến nhất là ngứa ran trong miệng, phát ban, ngứa, nổi mày đay; sưng môi, lưỡi, mặt, họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể; thở khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở; đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa; bị chóng mặt, hoa mắt hoặc ngất xỉu.
Trong một số trường hợp phản ứng dị ứng thực phẩm có thể xảy ra nặng và nghiêm trọng hơn, gây nên tình trạng sốc phản vệ làm đe dọa đến tính mạng như: co thắt và thắt chặt đường hô hấp, họng bị sưng lên làm khó thở; bị sốc với sự sụt giảm nhanh của huyết áp, tim đập nhanh, mạch nhanh; bị chóng mặt, hoa mắt hoặc mất ý thức... Thực trạng này cần phải được phát hiện, xử trí cấp cứu điều trị một cách nhanh chóng, kịp thời như các trường hợp bị sốc phản vệ do nguyên nhân khác; nếu không sẽ dẫn đến hôn mê và tử vong.
Yếu tố nguy cơ và biến chứng
Dị ứng thực phẩm thường mang tính chất cơ địa nên luôn có các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng như: tiền sử gia đình có người thân mắc các bệnh hen suyễn, chàm, phát ban, hay dị ứng... thường có khả năng bị dị ứng thức ăn khá phổ biến. Trong quá khứ đã có lần bị dị ứng thực phẩm, trẻ em lúc đầu có thể không có dị ứng thực phẩm nhưng trong một số trường hợp sẽ gặp phải dị ứng xảy ra sau này. Trong thực tế, nếu người bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó thì có thể có nguy cơ đối với một loại dị ứng khác, tương tự như vậy người dị ứng với một dị nguyên nào đó như sốt cỏ khô có thể làm tăng nguy cơ bị dị ứng thực phẩm. Ngoài ra, tuổi cũng là yếu tố có liên quan vì dị ứng thực phẩm thường gặp phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; khi lớn lên hệ thống tiêu hóa sẽ hoàn chỉnh và trưởng thành nên cơ thể ít có khả năng hấp thu các thành phần gây dị ứng thức ăn hay thực phẩm. Trẻ em thường bị dị ứng với sữa, đậu nành, lúa mì và trứng; sau đó dị ứng có thể xảy ra phản ứng nặng hơn và khả năng bị dị ứng với các loại hạt, các loại thực phẩm động vật có vỏ...
Các biến chứng của dị ứng thực phẩm được ghi nhận trầm trọng nhất là tình trạng sốc phản vệ với nguy cơ có thể đe dọa đến tính mạng, viêm da dị ứng cũng thường xảy ra, triệu chứng đau nửa đầu phát hiện trong một số trường hợp. Ngoài ra các nhà khoa học cho rằng tình trạng dị ứng thực phẩm có liên quan đến sự hiếu động thái quá ở trẻ em và bệnh viêm khớp nhưng chưa có bằng chứng một cách rõ ràng.
Xử trí điều trị và phòng ngừa
Đối với phản ứng dị ứng thực phẩm ở mức độ nhẹ, có thể dùng các thuốc kháng histamin để làm giảm bớt đi triệu chứng xảy ra. Các loại thuốc này được sử dụng sau khi ăn uống loại thực phẩm gây dị ứng với mục đích giúp làm giảm triệu chứng ngứa và phát ban; tuy nhiên thuốc kháng histamin không có tác dụng hiệu quả đối với một phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Đối với phản ứng dị ứng thực phẩm ở mức độ nặng và trầm trọng hơn, có thể dùng thuốc epinephrin tiêm khẩn cấp và chuyển ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất để tiếp tục xử trí cấp cứu. Các nhà khoa học khuyến cáo những người hay bị phản ứng dị ứng nặng nên chuẩn bị sẵn cho mình một liều thuốc epinephrrin tự tiêm (autoinjector) mang theo để sử dụng trong mọi thời điểm khẩn cấp cần thiết với sự chỉ định cụ thể của bác sĩ; đồng thời cũng nên hướng dẫn cho những người thân cận biết cách quản lý thuốc và sử dụng nhằm hỗ trợ trong những trường hợp cần cấp cứu sốc phản vệ. Các phương pháp xử trí can thiệp để làm giảm những triệu chứng dị ứng thực phẩm và phòng ngừa ảnh hưởng dị ứng đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, chứng minh khả năng có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm triệu chứng của phản ứng dị ứng. Điều cần lưu ý là nên tránh sử dụng các loại thực phẩm gây dị ứng đã biết với sự giúp đỡ, tư vấn của bác sĩ để xác định phương pháp có thể làm giảm triệu chứng dị ứng và cách phát hiện, xử trí phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Dị ứng nặng có thể dùng epinephrin tiêm khẩn
cấp và chuyển ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất
Phòng ngừa dị ứng thực phẩm một cách có hiệu quả nhất là phải có sự hiểu biết cần thiết và không nên sử dụng các loại thực phẩm có dấu hiệu hay triệu chứng dị ứng đã gặp phải khi dùng trước đó. Đây có thể là một sự bất tiện đơn thuần trong sinh hoạt ăn uống của bản thân nhưng những người khác không thể biết được. Thực tế một số loại thực phẩm gây dị ứng khi được sử dụng để làm nguyên liệu chế biến các món ăn có thể được dấu kín mà khả năng bản thân người bị dị ứng không biết được, nhất là ở tại các nhà hàng hoặc quán ăn; vì vậy cần lưu ý đến vấn đề này. Trước hết phải biết rõ những loại thực phẩm gì mình đang ăn uống, nếu trước đó đã có một phản ứng nghiêm trọng phải cảnh báo và cho người khác biết mình bị dị ứng thực phẩm nên không thể sử dụng; nên trình bày với bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn biện pháp xử trí trong tình trạng khẩn cấp. Nếu tiền sử có bệnh hen suyễn không nên sử dụng các loại thực phẩm chế biến có chất sulfite dùng tại quán ăn hay nhà hàng. Khi ăn uống phải biết chắc chắn rằng mình không sử dụng các loại thực phẩm đang gây dị ứng hoặc có thể lây nhiễm chéo dị nguyên từ những dụng cụ, phương tiện chế biến khác. Nếu trẻ em bị dị ứng thực phẩm, phải có biện pháp phòng ngừa bằng cách cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến dị ứng thực phẩm cho nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, người nhà, người lớn thường tiếp xúc với trẻ biết để lưu ý; nếu chủ quan thì chỉ cần một phản ứng dị ứng xảy ra có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ; đồng thời dạy bảo trẻ nhận biết các loại thực phẩm gây dị ứng, dấu hiệu và triệu chứng của phản ứng dị ứng để tự phòng ngừa và báo cho người có trách nhiệm biết khi phát hiện; thậm chí trong một số trường hợp cần thiết phải cho trẻ mang vòng tay hoặc vòng cổ y tế để cung cấp thông tin về tình trạng dị ứng của trẻ để người khác lưu ý.
Lời khuyên của thầy thuốc
Hiện nay dị ứng thực phẩm đang có xu hướng gia tăng, dị nguyên gây dị ứng có thể có trong nguồn gốc bản chất của các loại thực phẩm và những nguyên liệu, phụ gia dùng để bảo quản, chế biến thực phẩm làm ảnh hưởng. Vì vậy, mọi người cần thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm hàng ngày, đặc biệt là đối với trẻ em. Cần biết rõ loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng để phòng tránh, cách nhận biết dấu hiệu và triệu chứng để phát hiện, biện pháp xử trí can thiệp để thực hiện khi cần thiết nhất là trong các trường hợp dị ứng nặng với tình trạng nguy kịch.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Theo suckhoedoisong.vn