Cập nhật: 10/10/2016 09:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thông tư 22, học sinh lớp 4 và lớp 5 sẽ có thêm bài kiểm tra giữa học kỳ, chấm theo thang điểm 10.

Nhiều giáo viên tiểu học cho rằng: "Thực tế các con vẫn thích chấm điểm hơn".

Thông tư 30 được đưa vào áp dụng 2 năm qua đã khiến không ít giáo viên tiểu học “kêu ca” vì phải đánh giá, nhận xét quá nhiều. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thông tư 22 trên cơ sở thông tư 30 có sửa đổi một số điều nhằm tạo ra khí thế mới cho cả học sinh và giáo viên trong việc dạy và học.

Đáng chú ý, theo như quy định trong thông tư 22, học sinh lớp 4, lớp 5 sẽ có thêm bài kiểm tra giữa học kì 2 môn Tiếng Việt và Toán. Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh đánh giá học sinh này với học sinh khác. Về vấn đề này có ý kiến cho rằng  thông tư 30 được đưa ra nhằm giảm áp lực cho học sinh, do đó chỉ nhận xét mà không cho điểm số nhưng đến nay thông tư 22 đang quay lại đánh giá bằng điểm số qua các bài kiểm tra vô hình chung lại tiếp tục tạo ra gánh nặng cho học sinh.

Nói về vấn đề này, cô Lê Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu (Hà Nội) cho rằng việc có thêm bài kiểm tra không tăng thêm áp lực học hành cho học sinh. Trái lại còn tạo động lực, động viên học sinh học tập tốt hơn, “thực tế về tâm lý, các con vẫn thích chấm điểm hơn” và  các cô cũng có thể định lượng rõ hơn về năng lực của từng học sinh.

Cô Lê Thúy Quỳnh cho rằng việc cho thêm bài kiểm tra được tính theo thang điểm 10 còn giúp học sinh cuối cấp dần làm quen với cách đánh giá theo điểm ở cấp 2, là tiền đề cho việc chuyển cấp.

Còn theo cô Trịnh Thị Tân, giáo viên tiểu học tại Hà Nội, bài kiểm tra giữa kỳ sẽ giúp học sinh giảm áp lực hơn với bài kiểm tra cuối kỳ. "Thay vì việc để tích tụ kiến thức đến tận cuối kỳ, thì nay khi học được nửa kỳ, các con sẽ ôn tập để làm bài kiểm tra luôn. Như vậy kiến thức sẽ được củng cố thường xuyên hơn. Còn về phía giáo viên cũng hạn chế hơn áp lực nhận xét cho cả kỳ", cô Tân chia sẻ.

Đặc biệt, Thông tư 22 còn thay đổi về cách đánh giá năng lực học sinh theo 3 mức: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành; về đánh giá phẩm chất là: tốt, đạt và cần cố gắng thay vì 2 mức như thông tư 30 trước kia.

Theo cô Lê Thúy Quỳnh, việc đưa ra 3 mức đánh giá trên là phù hợp. Nếu trước kia chỉ có 2 mức đánh giá học sinh: hoàn thành và chưa hoàn thành, khiến cho cả học sinh và phụ huynh hiểu chung chung và chưa phát huy được hết năng lực của học sinh. Đến nay, các mức được chia nhỏ, cụ thể hóa sẽ thuận lợi hơn cho giáo viên trong việc đánh giá đúng và sát năng lực thực tế của từng học sinh, từ đó giúp các em và phụ huynh kịp thời theo dõi, nhận ra những mặt còn thiếu hụt so với chuẩn kiến thức để cùng với giáo viên điều chỉnh trong hoạt động dạy và học.

Là giáo viên trực tiếp giảng dạy, cô Trịnh Thị Tân, cho rằng: “Với 2 mức hoàn thành và chưa hoàn thành, thì phần lớn các con đều ở mức hoàn thành. Nhưng mức độ đạt đến đâu lại khác nhau, việc đánh giá 2 mức đôi khi dẫn đến việc đánh đồng học sinh, khiến các con chưa có sự cố gắng cần thiết. Còn theo cách đánh giá mới, sẽ phân loại rõ được học sinh nào có học lực khá giỏi, học sinh trung bình và cần cố gắng”.

Sau khi Thông tư 30 được đưa vào áp dụng, có nhiều phản hồi của giáo viên về việc phải nhận xét quá nhiều. Đặc biệt với các giáo viên bộ môn chuyên biệt như tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, phải dạy nhiều lớp, áp lực sổ sách, nhận xét lại càng lớn.

Bên cạnh đó với những giáo viên dạy lớp 1, việc nhận xét và giải thích cho học sinh hiểu thực sự không phải là điều dễ dàng. Cô Thu Hương (Hà Nội) hiện đang trực tiếp giảng dạy khối đầu cấp chia sẻ: “Kỳ 1 các con còn chưa biết chữ, cô nhận xét các con cũng không thể đọc được, lại thêm bước giải thích, mà nhiều khi giải thích nhưng các con vẫn chưa thể hiểu. Việc phải nghĩ ra những câu nhận xét khác nhau, làm sao cho các con dễ hiểu nhất nhiều khi khiến giáo viên rất vất vả”.

Đến Thông tư 22, nhiều giáo viên tiểu học cho rằng sổ sách đã được rút ngắn. Cụ thể sổ theo dõi được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời cũng không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn khi sổ sách được giảm tải, nhưng về cơ bản giáo viên vẫn phải nhận xét nhiều, bằng lời và cả bằng chữ viết.

Cô Lê Thúy Quỳnh cho rằng, về cơ bản, Thông tư 22 có những thay đổi giúp giảm nhẹ áp lực cho giáo viên và giúp đánh giá chính xác hơn năng lực của học sinh. Tuy nhiên, giống như Thông tư 30, phải khi áp dụng vào thực tế mới thấy hết được những ưu điểm và cả những bất cập nếu có./.

Theo CTV Nguyễn Trang/VOV.VN

Tệp đính kèm