Ráy tai có tác dụng ngăn cản bụi bẩn và vi khuẩn đi vào sâu trong ống tai. Cũng như nước bọt, nước tiểu hoặc phân, sự thay đổi về màu sắc, mùi… của ráy tai cũng tiết lộ về tình trạng sức khỏe của bạn.
Không dùng tăm bông để lấy ráy tai.
Các dấu hiệu ráy tai
Ráy tai có nước và có màu xanh dương: GS. Brett Comer - chuyên khoa Tai mũi họng thuộc Trường đại học Kentucky (Hoa Kỳ) cho biết: Nếu bạn đang chảy rất nhiều mồ hôi thì chất có nước tiết ra từ tai có thể là do mồ hôi của bạn chảy vào tai và trộn lẫn với ráy tai thì đây là điều bình thường. Nhưng nếu bạn không chảy mồ hôi và ráy tai ướt có màu xanh lá cây hoặc vàng đậm thì điều đó có thể báo hiệu bạn bị nhiễm khuẩn tai.
Ráy tai có mùi khó chịu: Một trong những triệu chứng của viêm tai giữa là ráy tai có mùi hôi. Điều này cho biết bạn có thể bị nhiễm trùng hoặc bị tổn thương tai giữa. Nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến viêm tai giữa mạn tính, GS. Comer cảnh báo. Ngoài ra, nếu tai giữa của bạn bị rối loạn, bạn cũng có thể cảm thấy bị vấn đề về thăng bằng, tiếng kêu trong tai hoặc cảm giác tai bạn bị đầy hoặc bị nghẽn. Hãy đi khám bác sĩ ngay khi có một trong các triệu chứng này.
Khi có dịch tai rỉ ra: Các trường hợp nhiễm khuẩn hoặc rách bên trong màng nhĩ có thể dẫn đến hiện tượng mọc da bất thường được gọi là “u sừng - cholesteatoma”, GS. Comer giải thích: “Đây là một cấu trúc giống nang, dẫn đến các cặn bẩn trong tai tích lũy làm nghẽn ống tai”.
Thay vì chất tiết ra bình thường mà bạn vẫn thấy thì khi mắc bệnh này, ráy tai có thể xuất hiện dưới dạng nước hoặc dạng cục. Áp lực và hiện tượng đau trong tai bạn cũng là các triệu chứng của u sừng cholesteatoma.
Ráy tai có dạng vảy: Hiện tượng này không phải là bệnh lý mà nó chỉ ra rằng bạn đang già đi. Theo GS. Comer, khi người ta trở nên có tuổi, ráy tai có xu hướng trở thành dạng vảy thay vì có dạng bơ đậu phộng. Nhưng bạn đừng lo lắng về điều này vì đây là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường.
Ráy tai ướt hoặc khô: Ráy tai ướt hoặc khô còn cung cấp manh mối về nguồn gốc di truyền của bạn. Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Di truyền học tự nhiên (Nature Genetics) cho biết, đa số những người gốc châu Á có ráy tai khô, trong khi đó, những người gốc châu Phi hoặc châu Âu thì có ráy tai ướt. Các tác giả nghiên cứu cho rằng đây là một sự tiến hóa di truyền của loài người để thích nghi đối với những miền khí hậu.
Khi không có ráy tai
Nếu ráy tai của bạn đột nhiên biến mất, chẳng hạn như bạn không còn sản sinh ra nó nữa thì có một tỷ lệ rất nhỏ bạn mắc phải một tình trạng bệnh lý hiếm và không rõ nguyên nhân có tên là “keratosis obturans - tích tụ keratin ở ống tai”, GS. Comer cho biết.
Tình trạng này là do thay vì tự di chuyển ra tai ngoài, ráy tai tích lũy bên trong tai cho đến khi tai bạn có cái “nút” rất cứng. Khi gặp trường hợp này, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như đau nhức tai, thậm chí bạn có thể bị sốt nếu ráy tai đầy quá khiến tai bạn bị sưng viêm. Lúc này, bạn cần phải đến bác sĩ chuyên khoa tai để xử lý mà không nên tự ý tìm mọi cách để lấy ráy tai tại nhà vì việc làm này có thể gây nguy hiểm hơn cho tình trạng viêm tai của bạn.
Không dùng dụng cụ sắc nhọn để vệ sinh tai.
Cách vệ sinh tai an toàn
Bình thường, ráy tai hình thành ở ống tai và làm nhiệm vụ bảo vệ màng nhĩ của bạn khỏi bụi bẩn. Sau đó, chúng di chuyển đến tai ngoài và khô lại. Lúc này, lớp ráy tai mới thay thế tiếp tục được hình thành ở ống tai. Thỉnh thoảng, khi ráy tai di chuyển ra ngoài quá nhiều, chúng hình thành một nút cứng gần màng nhĩ và phải được lấy ra. Sau đây là cách lấy ráy tai ra một cách an toàn:
Đừng bao giờ đưa bất kỳ thứ gì nhọn như đinh ghim, đầu viết chì hoặc cái kẹp giấy… vào tai của bạn, bởi vì chúng có thể làm rách màng nhĩ. Cũng đừng sử dụng tăm bông hoặc ngón tay để ngoáy tai. Các dụng cụ này có thể khiến bạn nghĩ rằng đang làm sạch tai và lấy được ráy tai, nhưng thực ra bạn đang chèn ráy tai vào sâu hơn và biến nó thành cái nắp bít kín màng nhĩ.
Cách làm đúng là nên nhỏ vào tai một dung dịch làm mềm ráy tai. Một vài giọt dung dịch mà có lẽ bạn đã có sẵn ở nhà như: nước oxy già (hydrogen peroxide), dầu khoáng (mineral oil) hoặc glycerin. Bạn cũng có thể mua loại nước rửa tai không cần toa bác sĩ, chẳng hạn như các loại dung dịch nhỏ tai Debrox Ear Drop hoặc Murine Ear Drop. Nhỏ 1 hoặc 2 giọt của một trong những dung dịch này vào mỗi bên tai. Phần dung dịch sẽ si bọt và làm mềm ráy tai, sau khi ráy tai đã mềm, bạn hãy chuẩn bị một bát nước ấm đầy (khoảng 370C), dùng dụng cụ bơm nhẹ nước vào tai và nghiêng đầu sang một bên để ráy tai chảy ra một cách tự nhiên rồi nhẹ nhàng lau sạch. Không nên dùng tăm bông hoặc khăn để chà sát mạnh vào tai. Bạn nên thổi khô tai bằng máy sấy tóc hoặc nhỏ một ít cồn vào mỗi bên tai để hoàn tất tiến trình làm khô. Hãy làm việc này sau khi bạn đã rửa tai để làm sạch ráy tai như đã đề cập ở trên cũng như sau khi bạn tắm xong.
Không nên rửa tai thường xuyên, đối với người có quá nhiều ráy tai thì mỗi tháng cũng chỉ nên rửa tai 1 lần là cùng. Nếu nhiều hơn thế thì bạn đang rửa sạch lớp ráy tai bảo vệ màng nhĩ và điều này là bất lợi.
Bảo Trâm
Theo suckhoedoisong.vn