Cập nhật: 11/10/2016 09:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Triển lãm “Ba phố” là những câu chuyện, góc nhìn và cách cảm khác nhau về không gian Hà Nội (xưa và nay) của ba họa sỹ thuộc nhóm G39: Lê Thiết Cương, Phương Bình và Phạm Trần Quân.

Họa sỹ Lê Thiết Cương tiếp tục vẽ phố với phong cách tối giản. (Ảnh: BTC)

“Ba phố” kéo dài từ nay đến hết ngày 14/10 tại Gallery 39 (số 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội) giới thiệu tới công chúng 14 bức tranh và sáu tác phẩm gốm.

Khai thác một đề tài cũ nhưng mỗi họa sỹ đã tạo cho phố những giai điệu, sắc màu riêng. “Ba phố” không bó hẹp, cụ thể là những con phố nào mà đó là những lát cắt thời gian và không gian Hà Nội được phơi lồ, chồng đè lên nhau. Cũng bởi thế, phố trong “Ba phố” vừa mang vẻ rộn ràng, náo nhiệt lại vừa phảng phất nét lặng thinh, mơ hồ, đầy hoài niệm, bâng khuâng.

Phố đầy tâm trạng

“Trong hội họa, trước khi bàn chuyện xấu - đẹp, người nghệ sỹ phải tìm được cho mình một lối thể hiện riêng trên nền chất liệu, đề tài. Thế hệ trước và cả thế hệ tôi đã có nhiều họa sỹ thành danh với đề tài phố Hà Nội như Bùi Xuân Phái, Đào Hải Phong… Bởi vậy, vẽ phố, chúng tôi buộc phải có những cách cảm, góc nhìn riêng,” họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Với anh, phố gần như chỉ còn là cái cớ để buồn, để nhớ những gì Hà Nội đã mất.

Trung thành với lối vẽ tối giản, phố trong những họa phẩm giới thiệu tới công chúng lần này được tối giản thêm một lần nữa so với những bức tranh phố trước đây của anh.

Lê Thiết Cương loại bỏ hết những nét (vốn để người xem có thể hình dung ra đâu là cái cổng hay cánh cửa sổ…) và chỉ giữ lại cái bóng căn nhà phố cổ với hai mẫu đầu hồi in trên nền tường.

Màu trời bàng bạc và màu phố ghi xám trong tranh anh là nỗi tiếc nuối vẻ đẹp tĩnh lặng của phố cổ Hà Nội một thời đã xa, sự níu kéo không gian Hà Nội xưa trong tâm thức đời sống đương đại.

Tạm lắng lại những phút giây thể hiện vẻ đẹp đằm sâu của người phụ nữ trên giấy dó, lần này, Phương Bình vẽ phố Hà Nội.

 

Phố Hà Nội qua góc nhìn của nữ họa sỹ Phương Bình. (Ảnh: BTC)

Phố của Phương Bình tung tẩy, bay bổng bằng những vết bút to, đẫm sơn, ào ạt trên toan; loang nhòe kiểu như nét xổ, nét mác trong thư pháp trên giấy dó. Giữa những mạnh mẽ, ào ạt đó là những khoảng trống như những nốt trầm, nét buồn vu vơ của bản hòa âm về phố.

Người xem có cảm giác như chị đang nhìn ngắm Hà Nội qua một khuôn kính đầy vệt nước mưa. Qua ô cửa đó, phía bên kia là hình ảnh những mái nhà mang gam màu trầm, mờ nhòe, không rõ đường nét.

Nói khác đi, phố qua góc nhìn của Phương Bình mang đầy ẩn ức, giằng xé, vừa như đang trốn chạy vừa như sắp tan biến khỏi thực tại. Cuốn vào đó là nỗi sợ vô hình.

Sự xếp chồng của hiện thực, cảm xúc

Khác với Phương Bình, Phạm Trần Quân có cái về phố hiện thực hơn, dù tranh của anh không đi theo lối tả thực. Tranh phố của Phạm Trần Quân gây ấn tượng thị giác bằng cách chia các đường nét, mảng màu xiên, dọc trong bức vẽ; từ đó tạo nên chân dung phố của thời hiện đại đầy mảnh mối, mảng ghép.

Bên cạnh đó, hiệu ứng bóng đổ cùng những mảng, nét, tổ hợp nét “tung hoành nghiên ngả,” chồng đè lớp lang trong tranh Phạm Trần Quân mang tới cho người xem ấn tượng về một không gian phố chật chội, bức bối trước sự cơi nới với những đường dây điện chằng chịt.

 

Với Phạm Trần Quân, phố mang một khối mâu thuẫn lớn. (Ảnh: BTC)

Với anh, phố mang trong mình một khối mâu thuẫn lớn, có lúc mê mải, có lúc bâng khuâng đầy hoài niệm; vừa tĩnh lặng, phảng phất chút khói trời mênh mang lại vừa náo nhiệt, mạnh mẽ; vừa “mất trật tự” lại vừa gọn gàng… Đó là một Hà Nội với những nét xưa cũ và hiện đại cùng đan xen tồn tại.

Để cho câu chuyện “đỡ nhạt” (theo lời họa sỹ Lê Thiết Cương), “Ba phố” không chỉ có tranh mà còn có những tác phẩm gốm. Những câu chuyện về Hà Nội được vẽ trên những bình gốm song hành cùng những họa phẩm về phố cổ trong một phòng tranh nơi góc phố Lý Quốc Sư mang nhiều trầm tích thời gian đã tạo nên sự cộng cảm đặc biệt cho câu chuyện về phố và người.

Ba nghệ sỹ, ba góc nhìn đã cùng hội ngộ để đi tìm hình hài cho phố. Ẩn sau đó là những nỗi niềm tâm sự về sự biến đổi của phố Hà Nội theo thời gian.

“Phố chỉ là điểm xuất phát. Phố chỉ là ga khởi hành. Phố là tiên thiên. Còn đích, ga đến và hậu thiên phải là mình, buộc phải là mình. Suy cho cùng, vẽ phố cũng là tự họa thế giới tinh thần của mình. Người thưởng ngoạn ngắm tranh sẽ thấy phố và thấy dưới phố là người vẽ,” họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ./.

Theo AN NGỌC (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/pho-co-ha-noi-ga-khoi-hanh-cho-nhung-chuyen-tau-cam-xuc/410086.vnp

Tệp đính kèm