Cập nhật: 14/10/2016 09:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lần đầu tiên môn Giáo dục Công dân được đưa vào thi THPT quốc gia khiến nhiều giáo viên, học sinh lo lắng về cách dạy, cách học như hiện nay.

Ảnh: KT

Nhiều giáo viên và học sinh mong muốn thay đổi tinh thần và phương pháp dạy môn học này vì chỉ còn 8 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia.

Theo phản ánh của nhiều giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân, căn cứ vào đề thi minh họa, học sinh khó có thể làm được hết bài thi, vì một số nội dung viết trong sách giáo khoa còn chưa được đề cập nhiều. Chẳng hạn như đề thi yêu cầu phân biệt khái niệm vi phạm hành chính với vi phạm hình sự và vi phạm dân sự. Đây là những khái niệm rất cơ bản, nhưng trong sách giáo khoa chỉ là một mục nhỏ của 1 bài.

Ngoài ra, còn có những khái niệm sách giáo khoa không đề cập như: vi phạm quyền tác giả, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định trong Bộ Luật Dân sự. Kiến thức về pháp luật trong môn Giáo dục Công dân rất trừu tượng, nặng về lý thuyết, trong khi đề thi minh họa yêu cầu ngoài việc nắm chắc kiến thức, bắt buộc học sinh phải hiểu rõ luật và biết cách áp dụng mới có thể làm đúng bài được.

Từ trước đến nay, nhiều giáo viên và học sinh đều coi môn Giáo dục Công dân là môn học phụ và thường kết thúc sớm trong năm học. Thực tế có rất ít học sinh hiểu rõ hành vi xâm phạm thân thể, làm nhục người khác bị pháp luật nghiêm cấm và nếu xảy ra hậu quả sẽ bị xử lý hình sự như thế nào? Do đó, một số học sinh có dự định đăng ký lựa chọn khối C đã lo lắng và cho biết sẽ phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho học và ôn tập môn học này.

Nguyễn Kiều Hoa, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Đề thi minh họa môn giáo dục công dân khá dài so với sức của các em trong khi thời gian thi ngắn. Hiện nay, số giờ học môn giáo dục công dân quá ít, có 1 tuần 1 tiết có 45 phút làm sao có thể ôn được để đi thi”.

Đề thi minh họa môn Giáo dục Công dân có 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút, với nội dung về cuộc sống và hiểu biết về pháp luật xã hội. Để làm hết những câu hỏi đòi hỏi học sinh không chỉ học nắm vững về kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải học hỏi trau dồi kiến thức ở ngoài.

Cô Lê Thị Hồng Hoa, giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm Hà Nội nêu ý kiến, nếu các thầy cô giáo không dành nhiều thời gian bổ sung thêm kiến thức luật học sinh khó mà được điểm cao.

Cô Hồng Hoa nói: “Nếu thi trắc nghiệm, các thầy cô giáo phải dạy hết không bỏ bài nào. Thời lượng 1 tiết/1 tuần như thế này rất khó dạy cho học sinh. Kiến thức luật 12 là những kiến thức rất khó, cơ bản đòi hỏi các thầy cô  phải có kinh nghiệm mới biết được phần nào là phần cơ bản. Nếu chỉ đạt được điểm 5 đến điểm 6 sẽ không có gì băn khoăn còn đặt được điểm 9 và 10 rất khó”.

Để giúp học sinh làm quen với phương án thi mới, nhiều trường THPT ở Hà Nội đã triển khai dạy và học theo phương thức mới, đồng thời lập ra hệ thống ngân hàng câu hỏi để học sinh làm quen và tổ chức thời gian dạy thêm nếu học sinh có nguyện vọng...

Ông Lê Văn Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quang Minh, huyện Mê Linh cho biết: “Môn Giáo dục Công dân vẫn được dạy - học bình thường. Trường đang cho các tổ chuyên môn xây dựng lộ trình kiểm tra tiến tới thi trắc nghiệm học theo kiểu trắc nghiệm.

Trong thực tế nếu để trắc nghiệm ngay từ đầu thì học sinh khoanh vào 5 đến 10 phút là xong ngay cho nên là chúng tôi có những bài kiểm tra vẫn một nửa trắc nghiệm một nửa tự luận và có những bài kiểm tra 100% trắc nghiệm. Bởi vì năm nay mới bắt đầu thi trắc nghiệm nên cả Địa, Sử chứ không phải chỉ công dân đều xây dựng hệ thống ngân hàng đề”.

Việc dạy và học môn Giáo dục Công dân được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích thiết thực giúp học sinh hiểu và chấp hành luật pháp, được bồi đắp kỹ năng sống, để có ứng xử tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Với thời lượng 1 tiết/tuần, nhiều giáo viên và học sinh cho rằng không đủ và mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường tăng thời lượng dạy môn Giáo dục công dân để giáo viên và học sinh có thể học và ôn đáp ứng yêu cầu phương thức thi mới.

Học sinh không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa, nội dung như trong sách giáo khoa, mà cần biết phân tích, tổng hợp, lý giải, nhận xét đánh giá các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội./.

Theo Thu Hiền/VOV.VN - Trung tâm Tin

Tệp đính kèm