Cái răng cái tóc là góc con người - câu nói ấy hàm ý nói lên tầm quan trọng của hàm răng và mái tóc tới vẻ đẹp bề ngoài, đồng thời còn hé lộ mối liên quan giữa mái tóc và các bệnh trong cơ thể. Mùa đông đang về, những cơn gió lạnh đầu mùa đang thổi, bạn đã biết cách làm đẹp cho tóc để giữ sức khỏe chưa?
Một số thay đổi ở tóc là dấu hiệu của các bệnh trong cơ thể.
Thành phần chính cấu tạo nên sợi tóc là chất sừng keratin, mọc từ nang tóc (chân tóc) chiếm trên 70% (gồm nhiều loại protein). Keratin cũng chính là cấu thành chính của móng tay chân và lớp ngoài cùng của da. Nhiều người thường nghĩ tóc chỉ là protein chết, nhưng thật ra khi bên trong cơ thể bất ổn, điều đó sẽ ảnh hưởng tới mái tóc. Mái tóc cũng phản ánh trạng thái sức khỏe của con người. Quan sát sự thay đổi ở tóc bạn có thể biết được tình hình sức khỏe hiện tại của mình (điều này thích hợp với độ tuổi thanh thiếu niên và trung niên).
Mái tóc phản ánh gì về tình trạng sức khỏe?Tóc khô, mỏng, thiếu sức sống do stress, mất cân bằng nội tiết tố, bệnh tuyến giáp: Tóc mỏng đi trông thấy nếu cơ thể thiếu sắt hoặc protein, phổ biến với những người bị rối loạn ăn uống. Đó là bởi tình trạng thiếu dinh dưỡng đã buộc cơ thể phải bảo tồn lượng protein bằng cách hạn chế sự mọc tóc. Nếu tóc ngày một mỏng đi hoặc rụng theo từng mảng thì đã đến lúc cần quan tâm. Việc tóc rụng quá nhiều có liên quan đến stress hoặc dấu hiệu của mất cân bằng nội tiết tố liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang. Bệnh về tuyến giáp cũng có thể gây rụng tóc. Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy có sự mất cân bằng về tuyến giáp, rối loạn nội tiết hoặc triệu chứng cụ thể thì nên đi điều trị. Một khi bệnh đã được kiểm soát thì tóc sẽ mọc trở lại. Việc dùng một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm cũng có tác dụng phụ gây rụng tóc.Thiếu sắt, kẽm và vitamin C: Nếu tóc bị nhờn, thưa, chẻ ngọn và bạc sớm, tình trạng sức khỏe của bạn đang bị thiếu chất. Tóc thưa do thiếu sắt, kẽm, protein và vitamin C trong chế độ ăn uống hằng ngày. Chế độ ăn uống không cung cấp đủ dưỡng chất khiến tóc thiếu protein để nuôi dưỡng và ngày càng khô, chẻ ngọn, xơ xác.Thiếu nước: Tóc sẽ mất sự bóng mượt nếu bạn không uống đủ nước. Nếu tóc bạn xỉn đi kèm với nóng bức trong người, đổ mồ hôi ban đêm, thiếu năng lượng, đây là những triệu chứng thường gặp do cơ thể thiếu nước. Tóc thiếu nước dễ gãy, cơ bắp thiếu nước nóng nhanh hơn. Khi có đủ nước, tóc, da và cơ bắp sẽ khỏe mạnh hơn.Nóng gan: Người bị nóng gan mật thường có biểu hiện là nóng tính, thường tỏ ra khó chịu, khô miệng, đắng miệng, khô lưỡi, mắt cay, dần dần sẽ khiến tỳ vị bị tổn thương... và có tóc bạc ở hai bên mai.Các bệnh lý ở dạ dày: Những người có bệnh ở dạ dày như trướng bụng, đau bụng, đau rát dạ dày, nhạt miệng, lạnh chân tay, đại tiện kém... thường có nhiều tóc bạc phần tóc gần trán hơn những người khác.Một số thay đổi ở tóc là dấu hiệu của các bệnh trong cơ thể.
Ăn gì cho mái tóc đẹp?Trong mùa lạnh, tiết trời hanh khô là những yếu tố không tốt khiến tóc ngày càng xấu đi, trở nên khô, giòn, dễ gãy rụng. Thay vì tìm kiếm các mỹ phẩm chăm sóc tóc chỉ giúp tóc đẹp lên bề ngoài, bạn hãy chọn dùng những thực phẩm vừa tốt cho sức khỏe lại tăng cường dưỡng chất cho tóc khỏe và đẹp hơn. Những loại thức ăn sau đây sẽ giúp bạn rất nhiều.Gạo lứt: không chỉ tạo cảm giác nhanh no mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới mái tóc của bạn. Gạo lứt giàu chất xơ và các loại vitamin, đặc biệt là vitamin B và vitamin E. Giàu protein chất lượng cao, gạo lứt làm sợi tóc khỏe hơn, chống lại các tác nhân có hại từ bên ngoài đang hằng ngày ảnh hưởng đến tóc (ánh nắng, ô nhiễm không khí, hóa chất...). Nhiều nghiên cứu cho thấy sự kết hợp tuyệt vời của các chất dinh dưỡng trong gạo lứt trở thành một phương thuốc tự nhiên thúc đẩy tóc phát triển nhanh hơn.Cá hồi: cung cấp omega-3 cho cơ thể, loại axit béo này rất quan trọng, nó là chất béo hòa tan, tổng hợp các loại vitamin rất cần cho mái tóc. Cá hồi còn chứa chất dinh dưỡng vô giá khác cho mái tóc là kẽm, lượng kẽm trong cá hồi cũng cao hơn trong các nguồn thức ăn khác. Kẽm giải quyết được nhiều vấn đề của tóc như tróc da đầu, rụng tóc, hay tóc mỏng. Kẽm còn có thể tìm thấy từ các nguồn sản phẩm tự nhiên khác như: đậu nành, quả hạch, lòng đỏ trứng gà, hạt bí ngô...Rau xanh: Ăn rau xanh có lợi cho sức khỏe, nó góp phần khiến tóc nhanh dài. Do rau màu xanh thẫm (rau chân vịt, cải xoăn, súp lơ xanh...) cung cấp vitamin và các chất dinh dưỡng, đồng thời chứa nhiều chất sắt - thành phần quan trọng trong máu, giúp vận chuyển máu tới các mao mạch và kích thích sự phát triển của tóc. Hơn nữa, vitamin C cũng như là vitamin A có nhiều trong rau màu xanh thẫm giúp bảo vệ da đầu, tăng dần số nang tóc. Các loại đậu: nguồn protein tuyệt vời từ các loại đậu mang lại những lợi ích không ngờ cho sức khỏe và mái tóc. Chỉ cần uống một cốc sữa đậu nành hằng ngày có thể cung cấp đa số dưỡng chất cần thiết để chống ôxy hóa, đẩy mạnh quá trình tái sinh và kích thích tóc phát triển. Nguồn magie tuyệt vời trong các loại đậu đã kích hoạt các enzym của da đầu, giải quyết sự mất cân bằng khiến tóc bị rụng theo thời gian.Sữa chua và nước uống: Sữa chua, phomat ít chất béo cung cấp canxi và protein giúp tóc khỏe mạnh và đầy sức sống. Đừng quên giữ ẩm cho mái tóc bằng cách uống đủ nước mỗi ngày (từ 1,5-2 lít). Lưu ý: Ngoài chế độ ăn tốt cho sức khỏe và tóc, bạn cũng cần có phương pháp bảo vệ tóc của mình như: Không gội đầu với nước quá nóng, chỉ nên gội đầu với nước hơi ấm và xả bằng nước lạnh. Nước lạnh chính là bí quyết bảo vệ tóc. Hãy chọn dầu gội giàu tinh dầu thực vật và hoa để cung cấp dưỡng chất cho tóc. Các sản phẩm chăm sóc tóc khác như dầu xả, kem ủ tóc cũng nên chứa tinh chất dưỡng ẩm. Không nên gội đầu hàng ngày, đây không phải là chăm sóc tóc mà ngược lại đang khiến da đầu bị tổn thương. Nhiều nhất chỉ nên gội đầu 3 lần/tuần. Che tóc khi đi ra ngoài trời để tránh các tác động xấu cho tóc.
BS. Thu Dung
Theo suckhoedoisong.vn