Từ ngã ba Khai Quang, đi sâu vào phía trong, du khách có thể tìm đến chân núi Đanh một cách dễ dàng. Núi Đanh, tên chữ là Đinh Sơn, nằm ở phía Bắc thành phố Vĩnh Yên, có phần "Nhân" của nếp lồi khu vực, theo phương cấu trúc Tây Bắc - Đông Nam, cong về Đông Bắc, dạng nhấp nhô, gấp khúc, mang tình thế "núi Sót" cao vượt vùng đất đồi chung quanh, chiếm phần lớn diện tích thành phố Vĩnh Yên, bao gồm các xã Đạo Tú, Kim Long, Thanh Vân (Tam Dương) và các xã Gia Khánh, Hương Sơn (Bình Xuyên) xuống tới núi Thanh Tước (Phúc Yên).
Núi Đanh cao gần 200 m, cấu tạo chủ yếu bằng đá Quaczit, amphi-bolit, các loại phiến ma thạch, đá granít phong hoả cho sét cao lanh và đá ong Latêrit, tạo thành trong đệ tam kỷ.
Có nhà soạn sách không xuống thực địa thì cho rằng: Núi Đanh ở bên phải dãy Tam Đảo, nằm ở xã Hữu Thủ, Tổng Miêu Duệ, huyện Tam Dương; nay thuộc xã Kim Long. Sách "Nam Việt thần kỳ hội lục" lại nói rằng: ở xã Bồ Lý, huyện Lập Thạch, nổi lên 7 ngọn núi, gọi là núi Đanh. Còn ngày nay, chúng ta thấy: Núi Đanh nằm ngay trong địa bàn thành phố Vĩnh Yên.
Núi Đanh là nơi quy hoá vào ngày 4 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1258) của 7 vị anh hùng Vĩnh Yên, sau khi các vị trợ lực quân triều đình, do tướng Lê Tần, đời vua Trần Thái Tông, đánh tan bọn xâm lược Nguyên Mông dưới sự chỉ huy của Ngột Lương Hợp Thai tại trận Nỗ Nguyên tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1257). Với chiến tích ấy, Nỗ Nguyên được đổi thành Bình Lệ Nguyên, hàm ý nghĩa "Dẹp bằng giặc Nguyên". 7 vị anh hùng đã chém được trên 1.000 đầu giặc Nguyên Mông, làm chết đuối hàng trăm tên khác trên các khúc sông Cà Lồ thuộc địa phần, Nội Phật, Kẻ Đạo, Hương Canh.
Vua Trần Nhân Tông đã phong tặng cả 7 vị là "Tả hà nhất đái thất vị Đại Vương" nghĩa là "7 vị đại vương ở trên một dải phía tả Sông Hồng" chứ không phải "Lỗ Đinh Sơn thất vị".
Nhân dân Vĩnh Yên ở Tích Sơn, Vĩnh Ninh, Long Đậu, xóm Khâu, xóm Sậu, xóm Tiếc và các làng Nhân Mỹ, Miêu Duệ, Hữu Thủ, Hướng Đạo, Hán Nữ, Yên Lập, Mỹ Hổ là các địa bàn chân núi Đanh, đều lập đình miếu để thờ 7 vị anh hùng và gọi là "Thần Núi Đanh".
Theo thần phả xã Bồ Lý, tổng Yên Dương, huyện Tam Dương (nay thuộc huyện Lập Thạch) thì 7 vị anh hùng đều là con của ông Lê Văn Trọng và bà Khổng Thị Cúc. Không lẽ, bố họ Lê (gốc Đại Việt) lại đẻ ra con họ Lỗ (nòi xâm lược như câu thơ “nghịch Lỗ lai xâm phạm") hay sao?
ông bà Lê Đại Công sinh 3 lần thì 2 lần sinh ba, được 6 con trai. Lần thứ nhất sinh vào năm Đinh Mùi (1187). Lần thứ hai sinh vào năm Kỷ Dậu (1189). Lần thứ 3 cũng là lần cuối cùng, sinh được 1 gái vào năm Tân Hợi (1191). 7 vị đều được ông bà Lê Văn Trọng cầu tự trên núi Thạch Bàn, thuộc Tam Đảo Linh Sơn, và được đặt tên như sau:
1- Lê Văn Cường, 2- Lê Văn Dũng, 3- Lê Văn Mẫn, 4 - Lê Văn Dực, 5 - Lê Văn Vũ, 6 - Lê Văn Đài, 7 - Lê Thị Bồ, thường gọi là Bảy.
Điều này, ta cần xem xét lại để tránh khởi "Tam sao thất bản", từ "Lê" đổi thành "Lỗ".
Nếu bài vị thờ ở đình làng Đạo Hoằng ghi là:
"Đinh Sơn Lỗ Thất Vị"
Thì ta nên thống nhất giải nghĩa là: "7 vị đánh giặc Lỗ ở Núi Đanh" chứ không nên gọi là "Lỗ Đinh Sơn" hay "Lỗ Đình Sơn". Chẳng hóa ra ở Vĩnh Yên có cả dòng tộc "Lỗ Đinh" và "Lỗ Đình" đặc sệt gốc Hoa ư?
Từ "Lỗ" phải chăng nhân dân ta dùng để chỉ bất kỳ bọn xâm lược nào ở phương Bắc tới.
"Như Hà nghịch Lỗ lai xâm phạm"
Nghĩa là: Sông Như Nguyệt, giặc Tống dám xâm phạm, chúng bay sẽ bị đánh tơi bời (Lý Thường Kiệt).
Hoặc: "Quyết tình giết giặc treo đầu
Đem công phá lỗ về tâu triều đình"
(Hịch Tướng sỹ diễn ca) Lỗ ở đây nghĩa là giặc Nguyên
Từ Triều Trần đến Triều Nguyễn, 7 vị anh hùng họ Lê ở thành phố Vĩnh Yên được ban tặng tên chữ là:
1/ Lư Trung, 2/Trợ Thuận, 3/Cao Huân, 4/Vĩ Liệt, 5/Hiệp Linh, 6/Tuấn Lĩnh, 7/Các Tĩnh, giữ chức Điển Binh Thị Nội. Riêng cô Lê Thị Bồ giữ chức tham mưu Quân sự, tước "Lê Hùng Nữ Công Chúa" với nghĩa "người nữ anh hùng họ Lê được phong công chúa. Ta nhớ rằng, thời Bà Trưng (năm 41) ở Quất Lưu giáp với Vĩnh Yên đã có dòng họ Lê cực kỳ anh hùng là Lê Tuấn Công, Lê Đạm Nương, Lê Hồng Nương, Lê Thanh Nương, Lê Bình Lý không vì lẽ gì mà đến đời Trần, trên 1.000 năm sau, lại nẩy ra họ Lỗ?
Mong rằng các bậc cao minh uyên bác, khi soạn sách quan tâm lý giải những điều mà người viết bài này dám "múa rìu" cho con cháu đời sau đỡ nhầm lẫn, thật là một việc công ích.
ST