Nhiều làng ở ven sông Phó Đáy biết nghề làm bánh mụn nhưng ngon và đẹp nhất là làng Đình Chu. Người ta làm bánh để ăn quanh năm, nhất là trong các dịp lễ, tết, hội làng; rộn nhất là sau vụ gặt mùa, trời se lạnh và có nếp mới.
Nguyên vật liệu gồm: gạo nếp cái, mật mía, quả dành dành chín vàng, lõi cây bấc đèn, tro của các loại cây đáng, cây núc nác, cây sắn, cây vừng, vỏ lạc, các quả lai, trấu, sở.
Cách làm: Quả dành dành giã nát ngâm trong nước lã, để riêng. Các loại cây đốt lấy tro, ngâm nước, bóp thật nhuyễn, lọc vài lần để lấy nước trong. Gạo nếp nhặt hết hạt tẻ, sàng sẩy thật sạch, ngâm trong nước tro đã lọc chừng sáu tiếng đồng hồ, đem ra để ráo nước ngâm tiếp vào nước dành dành cho đến lúc gạo nhuốm mầu vàng của kén tầm thì vớt ra đề ráo nước rồi cho vào chõ đồ thành xôi. Khi xôi chín, đổ vào cối đá giã nóng, giã thật nhuyễn, giã đến khi thấy xôi dính chặt lấy chày, kéo lên thấy xôi dãn dài, mượt mà thì được. Đổ xôi đã giã ra nong (hay nia), dùng vỏ chai hay gỗ tròn lăn cán thật đều, bánh dày 1cm là đẹp. Bánh đã cán đem phơi nắng cho se mặt; sau đó dùng dao cắt hình vuông hay chữ nhật hoặc dùng khuôn có hình hoa quả, súc vật... cắt thành miếng, đem ra phơi nắng hoặc sấy cho thật khô. Đem bánh khô cất vào chum, vại đậy thật kín không cho gió lọt vào (Gió lọt vào, bánh dễ ám mốc và khi rang nở không đều).
Khi nào muốn ăn thì chế biến tiếp. Phải chuẩn bị bột áo và mật mía. Bột áo là thóc nếp rang nổ thành bỏng, sấy hết vỏ trấu, giã nhỏ, rây lấy bột mịn. Mật mía đem đun vừa lửa và quấy đều; khi lấy một ít mật cho vào lòng bàn tay xoa trong chậu nước, mật không tan trong nước là được.
Lấy bánh dày khô cho vào chảo rang đều, rang bằng than củi chắc hoặc nứa đóm cho nhiệt vừa phải, bánh hấp thụ từ từ đến lúc đủ nhiệt thì nở phồng ra rất nhanh, lúc đầu chỉ bằng ngón tay cái, lúc nở hết bằng nắp ấm pha trà; trông giống cái mụn cái nhọt ở người, cho nên có tên là bánh mụn.
Bánh nở hết độ cho vào chảo mật, dùng đũa cả đảo đều ở nhiệt độ thấp hơn lúc rang; khi mật quyện hết vào bánh thì đổ ra nong lót bột áo. Bánh nguội thì ăn ngay được nhưng nếu đem ủ kín, lúc nào ăn mới lấy ra thì giòn hơn.
Đi làm đồng về, bày ra đĩa mấy chiếc bánh mụn đủ hình hoa lá quả cây vàng xâm màu dành dành ẩn dưới màu đỏ tươi của mật mía đã thấy vui mắt. Trong lúc chờ cơm, nhâm nhi chiếc bánh, nghe cái “mụn” ròn tan trong miệng, kéo theo vị thơm của nếp mới, vị ngọt lịm của mật, đệm thêm hớp chè tươi, người ăn như cảm thấy tiêu tan hết mọi thứ mỏi mệt trên đời./.
ST