Bạo lực giới trong trường học đang ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em và thiếu niên. Ước tính mỗi năm có tới 246 triệu trẻ em bị bạo lực ở trường học.
Hình ảnh các học sinh đánh nhau, được quay clip và tung lên mạng trở nên phổ biến (Ảnh minh họa)
Hôm nay (22/11), tại Hà Nội diễn ra "Hội thảo, tập huấn về Nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực học đường, kỹ năng công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các nhà trường phổ thông" - do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc tổ chức.
Theo UN Women, trên toàn thế giới, bạo lực giới trong trường học đang ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em và thiếu niên. Ước tính mỗi năm có tới 246 triệu trẻ em gái và trẻ em trai bị bạo lực ở trường học.
Bạo lực giới ở trường học không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của học sinh, mà còn liên quan đến việc các em nghỉ học nhiều hơn, kết quả học tập kém hơn, bỏ học, tự ti, trầm cảm, mang thai và bị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ Giáo dục- Đào tạo) cho biết, hiện tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, bạo lực tuổi học đường còn diễn biến phức tạp và vẫn xảy ra tại một số địa phương; các em đánh nhau ngoài trường học, quay clip và đưa lên mạng xã hội gây bức xúc trong xã hội và khiến dư luận lo lắng.
Trong khi đó, công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả, nhất là trong việc làm gương của người lớn, chăm sóc, bảo vệ và quản lý học sinh, sinh viên.
Khó khăn của ngành giáo dục – đào tạo trong vấn đề phòng ngừa bạo lực trong lứa tuổi học đường hiện nay là thiếu các mô hình chuẩn về phòng chống bạo lực học đường để triển khai trên toàn quốc; không đủ nhân lực có chuyên môn để tổ chức tư vấn, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Vì vậy, để ngăn ngừa bạo lực giới ở trường học thì cần trang bị cho giáo viên những kiến thức cơ bản về tâm lý, kỹ năng cơ bản để tư vấn cho học sinh; cũng như có bộ giáo trình chuẩn để giảng dạy trong nhà trường.
Tại hội thảo, Bộ GD-ĐT cũng xin ý kiến của các nhà giáo dục về dự thảo (lần 2) Thông tư hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông. Theo Thông tư, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phải thực hiện trong các trường phổ thông có sự phối hợp giữa các lực lượng trong nhà trường.
Hoạt động tư vấn tâm lý phải có sự phối hợp chặt chẽ, tham gia trực tiếp của cha mẹ học sinh và được thực hiện thường xuyên trong suốt thời gian học tập của học sinh.
Nội dung công tác tư vấn gồm: tư vấn các mối quan hệ gia đình – xã hội; tư vấn những vấn đề tâm lý lứa tuổi vị thành niên; tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản; tư vấn hướng nghiệp; tư vấn những vấn đề của xã hội hiện đại và tư vấn học tập./.
Theo Lại Thìn/VOV.VN