Cập nhật: 10/12/2016 08:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các nhà khoa học đã xác định bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim là bệnh có tỈ lệ tử vong cao nhất nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Các nhà khoa học đã xác định bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim là bệnh có tỈ lệ tử vong cao nhất nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Thực tế, tình trạng suy mạch vành thường dẫn đến nhồi máu cơ tim. Vì vậy, cần phát hiện sớm suy mạch vành và tiên lượng khả năng dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Để chẩn đoán xác định bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim, ngoài những biểu hiện của các triệu chứng lâm sàng được ghi nhận, bác sĩ cũng thường phải căn cứ vào một số kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để hỗ trợ cho việc chẩn đoán.

Bệnh mạch vành

Thông thường việc đo điện tim với điện tâm đồ ECG (electrocardiography) chỉ giúp phát hiện, chẩn đoán được khoảng 80% các trường hợp bệnh nhân bị bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng bệnh mạch vành đều là hậu quả của tình trạng xơ vữa động mạch. Tuy vậy trong thời gian sau đó, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 50% người bị nhồi máu cơ tim có nồng độ chất chlolesterol trong máu cao rõ rệt; đồng thời đã phát hiện thấy tình trạng viêm mạn tính cũng là một nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh mạch vành. Rồi với những thành tựu phát triển của khoa học, đã ra đời kỹ thuật xét nghiệm định lượng CRP (C reactive protein) trong máu với độ nhạy cao hs-CRP (high sensitive C reactive protein). CRP được gọi là protein phản ứng C, chúng tăng lên rõ rệt và xuất hiện rất sớm khi người bệnh bị tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng.

 

Đo điện tim chỉ giúp phát hiện, chẩn đoán được khoảng 80%

 các trường hợp bệnh nhân bị bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim

Theo các nhà khoa học, việc phát hiện bệnh mạch vành quan trọng nhất là thực hiện xét nghiệm hs-CRP trong máu. Với xét nghiệm này, đã phát hiện được nguy cơ bị bệnh mạch vành ở những người vốn được xem là bình thường: không bị tăng mỡ máu, cao huyết áp hoặc đái tháo đường, tức là những người trước đây không nghĩ đến là có thể bị bệnh mạch vành. Nếu xét nghiệm thấy nồng độ CRP cao là có khả năng nguy cơ mắc bệnh mạch vành tới gấp 3 lần. Do đó, nồng độ CRP được xem yếu tố rất quan trọng, có giá trị xác định khả năng bị mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành trong tương lai; nhất là đối với những người thường không quan tâm vì cho rằng không bị xơ vữa động mạch, không có tiền sử bệnh tim.

Trên thực tế, nếu nồng độ CRP từ 10mg/l trở lên, tức là chỉ hơi cao mà xét nghiệm lại sau từ 3 - 4 tuần vẫn thấy không thay đổi thì phải thận trọng. Đồng thời khi xét nghiệm CRP, nếu phối hợp thêm với xét nghiệm cholesterol triglycerid, HDL-cholesterol (lactate dehydrogenase-cholesterol) thấy mỡ máu cao thì lại tăng giá trị chẩn đoán sớm và tiên lượng nguy cơ bị mắc bệnh mạch vành. Nếu nồng độ CRP cao, nên điều trị dự phòng bằng aspirin và statin sẽ có thể làm giảm được nguy cơ này.

Nhồi máu cơ tim

Những trường hợp thiếu máu cơ tim không biết hoặc không phát hiện được để xử trí điều trị sẽ gây ra triệu chứng đau thắt ngực lúc đầu không thường xuyên, rồi sau đó khi có tế bào cơ tim bị hủy hoại thì sẽ chuyển sang tình trạng nhồi máu cơ tim. Trong thời gian gần đây, Hội Tim mạch châu Âu ESC (European society of cardiology) và Hội Tim mạch Hoa Kỳ ACC (American college of cardiology) đã đưa ra một chẩn đoán mới để chẩn đoán xác định tình trạng nhồi máu cơ tim với 2 tiêu chuẩn gồm: tăng chỉ tố tim là chất chỉ điểm và một triệu chứng khác đi kèm như bị đau tức ngực hoặc có kết quả điện tâm đồ bất thường.

 

Hộp thử nghiệm phát hiện troponin I (TnI), CK-MB và myoglobin cùng một lúc giúp

chẩn đoán xác định tình trạng nhồi máu cơ tim ở người bệnh chính xác với tỉ lệ 100%

Chỉ tố tim là chất chỉ điểm được gọi là tiêu chuẩn vàng, đây là loại protein đặc hiệu của cơ tim có tên gọi là troponin gồm troponin I, troponin T và troponin C; nhưng chủ yếu là troponin I và troponin T. Troponin là chỉ tố quan trọng chỉ điểm sự tổn thương của tim mà sự thương tổn này là vấn đề chính dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim. Vì vậy chỉ tố troponin, chủ yếu là troponin I và troponin T, là chỉ tố quan trọng nhất để chẩn đoán xác định tình trạng nhồi máu cơ tim ở một người bị thiếu máu cơ tim. Chỉ tố tim troponin có thể tăng trong vòng từ 4 - 6 giờ đầu sau khi cơ tim bị tổn thương và đạt đỉnh cao vào giờ thứ 12. Sau đó, chỉ tố troponin I vẫn còn cao trong khoảng thời gian từ 5 - 7 ngày và chỉ tố troponin T vẫn còn cao trong khoảng thời gian từ 7 - 10 ngày; đây là chỉ tố tim chỉ điểm tình trạng nhồi máu cơ tim có giá trị nhất.

Ngoài chỉ tố tim troponin đã nêu ở trên, hai xét nghiệm hóa sinh khác được thực hiện từ bệnh phẩm máu cũng có giá trị chẩn đoán tình trạng nhồi máu cơ tim là xét nghiệm CK-MB (creatin kinase myocardial) và myoglobin. Khi bệnh nhân vào bệnh viện, cần xét nghiệm máu vào giờ thứ 6 sau khi bị nhồi máu cơ tim và xét nghiệm lại vào giờ thứ 12 nếu lần thực hiện trước cho kết quả thấp mà vẫn còn nghi ngờ bị mắc bệnh.

Trước đây ở các nước tại châu Âu và châu Mỹ, các nhà khoa học đã sử dụng hộp thử nghiệm chạy bằng năng lượng pin dùng trong những trường hợp cấp cứu để xét nghiệm phát hiện troponin I (TnI), CK-MB và myoglobin cùng một lúc, kỹ thuật khá đơn giản vì chỉ cần 1 giọt máu là có thể cho kết quả sau 10 phút. Xét nghiệm này có thể thao tác ngay tại nhà bệnh nhân hoặc trên xe ô tô cấp cứu. Kỹ thuật xét nghiệm đã giúp chẩn đoán xác định tình trạng nhồi máu cơ tim ở người bệnh chính xác với tỉ lệ 100% các trường hợp vì đã phối hợp kết quả xét nghiệm cả 3 chỉ tố tim quan trọng và cần thiết. Hiện nay tại nước ta, các cơ sở y tế cũng đã thực hiện được các xét nghiệm có liên quan như xét nghiệm CRP, troponin I (TnI), CK-MB và myoglobin từ bệnh phẩm máu để phát hiện, chẩn đoán xác định bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim. Cơ sở y tế nào thực hiện được các xét nghiệm này là đã đạt tiêu chuẩn quốc tế về chẩn đoán sinh học đối với bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim. Nếu cơ sở y tế chưa có điều kiện thực hiện được các xét nghiệm nêu trên, có thể thực hiện xét nghiệm định lượng trong máu các enzyme như transaminase SGOT (serum glutamic oxalo-acetic transaminase) hay còn gọi là AST (aspartate amino-transferase) và LDH (lactate dehydrogenase). Tất nhiên, trong tất cả trường hợp cần lưu ý phối hợp thêm với kết quả điện tim trên điện tâm đồ đo được.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim là nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tử vong với tỉ lệ khá cao, trong đó có một số trường hợp xảy ra đột ngột. Do đó, mọi người cần biết các dấu hiệu của triệu chứng lâm sàng, những chỉ tố chỉ điểm cần thiết để giúp chẩn đoán xác định và tiên lượng khả năng mắc bệnh; đây là cơ sở để chủ động ngăn ngừa và xử trí can thiệp điều trị cấp cứu khi gặp phải. Việc chẩn đoán nhanh nhồi máu cơ tim chỉ cần thực hiện trong 15 phút là đã xác định được 3 chỉ tố chỉ điểm cùng một lúc gồm troponin I, CK-MB và myoglobin; đây là tiêu chuẩn vàng để giúp cho chẩn đoán. Thực tế điện tâm đồ ECG có độ nhạy trong phát hiện nhồi máu cơ tim khoảng 63 - 84%, trong khi đó 3 chỉ tố phối hợp trên chỉ điểm có độ nhạy đến 100% các trường hợp.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm