Cập nhật: 10/12/2016 09:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Người dân trồng thốt nốt chủ yếu để lấy nước uống giải khát, chế biến rượu vang và cô đặc sản xuất đường. Đường thốt nốt có hương vị thơm ngon đặc biệt, có thể ăn tươi hoặc nấu ăn, còn dùng để chữa bệnh.

Thường đường thốt nốt được chế biến thành những miếng như đường phèn, hình tròn, đường kính khoảng 4cm, dày 2cm, có loại màu ngà vàng, có loại trắng. Những người sành ăn thường chọn loại màu ngà vì vẫn giữ được hương vị tự nhiên hơn loại trắng đã qua tinh chế.

Thốt nốt có tên khoa học là Berassus flabellifer L. thuộc họ Dừa Palmaceae,.Thốt nốt trong tiếng Khmer “Thnot” tức là cây dừa đường.Thân cây có thể cao trên 20m, có nhiều khoanh, trên ngọn có một tán lá xòe rộng.

 

Cung cấp nhiều khoáng chất: đường thốt nốt rất giàu các khoáng chất thiết yếu. Theo một số kết quả nghiên cứu, hàm lượng khoáng chất trong loại đường này cao hơn gấp 60 lần so với đường cát trắng. Đây là nguồn thực phẩm cung cấp nhiều loại vitamin khác nhau. Đây cũng là phương thuốc tuyệt vời cho phụ nữ bị thiếu máu. Đường thốt nốt là một nguồn giàu chất sắt và nếu phụ nữ thêm nó vào chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp họ cải thiện được tình trạng thiếu máu. Đây là thực phẩm cần thiết cho tất cả phụ nữ, đặc biệt là thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai.

Khôi phục sức khỏe cho hệ thống tiêu hóa: nghe có vẻ lạ nhưng đường thốt nốt có khả năng hoạt động như một tác nhân hỗ trợ tiêu hóa. Tại một số nơi ở Ấn Độ, người dân có thói quen nhâm nhi những cục đường thốt nốt nho nhỏ sau bữa ăn chính cho dễ tiêu. Loại đường này khi vào trong dạ dày sẽ kích thích sự hoạt động của các enzyme tiêu hóa và còn giúp tẩy sạch đường ruột.

Tốt cho da: đường thốt nốt cũng rất tốt cho da. Nó làm cho làn da khỏe mạnh. Nếu bị mụn trứng cá và mụn nhọt trên da, hãy ăn đường thốt nốt mỗi ngày sẽ thấy tác dụng của nó và sẽ có được một làn da đẹp và không tỳ vết.

Giàu chất dinh dưỡng: trong đường thốt nốt chứa rất nhiều chất sắt. Do đó, tiêu thụ thường xuyên sẽ làm gia tăng lượng huyết sắt tố và trị được chứng thiếu máu. Bên cạnh đó, lượng magiê lại có tác dụng điều chỉnh hệ thống thần kinh. Hàm lượng các chất chống oxy hóa dồi dào trong loại chất ngọt tự nhiên này cũng giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể không bị tổn hại do các gốc tự do gây ra. Ngoài ra, chúng còn giàu canxi, kali và phốt pho.

Bổ sung năng lượng: đường thốt nốt chứa các hợp chất carbohydrate giúp cơ thể tiêu hóa nhanh hơn so với đường cát trắng. Do đó, chúng sẽ giải phóng nguồn năng lượng tích trữ dùng loại đường này thường xuyên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có cảm giác no lâu và ít thèm ăn hơn sau khi tiêu thụ những món được chế biến từ đường thốt nốt.

Chữa chứng đau nửa đầu: đau nửa đầu là bệnh xảy ra khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Những hoạt chất tự nhiên có tác dụng trị bệnh hiện diện trong đường thốt nốt sẽ giúp bạn làm dịu cơn đau do chứng bệnh này gây ra. Chỉ cần ăn khoảng 20g đường thốt nốt sẽ cảm thấy tình trạng đau nửa đầu giảm hẳn.

Hạn chế những tác động theo mùa trong năm lên cơ thể: đặc tính độc đáo này của đường thốt nốt thể hiện ở việc chúng có tác dụng làm giảm tình trạng nổi mụn nhọt ở mùa hè và dịu cảm giác lạnh giá của mùa đông. Vào mùa hè, loại thực phẩm này sẽ giúp hạ nhiệt, làm mát cơ thể. Trong khi đó, vào mùa đông, đường nốt thốt lại có tác dụng giữ ấm, giúp đỡ bị lạnh hơn.

 

Tốt cho trẻ em: nó là đường thô nên không có ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa của bé mà ngược lại còn cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt là đối  với trẻ sơ sinh. Một trong số những lợi ích sức khỏe đó là thúc đẩy hệ thống miễn dịch của bé, ngăn ngừa bệnh thiếu máu, làm sạch gan và giúp xương chắc khỏe. Tuy nhiên, đường thốt nốt nên được tiêu thụ ở mức vừa phải. Nếu không sẽ gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm: các bé có thể “nghiện” đường thốt nốt do hương vị ngọt ngào của nó, từ đó có thể bị bệnh đường ruột, nếu lượng đường thốt nốt dư thừa quá nhiều còn có thể khiến bé mắc bệnh về da, nổi mụn. Ngoài ra, đường thốt nốt có hàm lượng calo khá cao sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Vì vậy, chỉ nên cho bé tiêu thụ ở mức vừa phải để hấp thu được những lợi ích tốt nhất.

Ngăn ngừa táo bón: đường thốt nốt giúp hệ thống đường ruột làm việc một cách nhịp nhàng và đều đặn hơn và giúp ngăn ngừa táo bón ở trẻ sơ sinh. Nó kích hoạt các enzym tiêu hóa và thúc đẩy quá trình tiêu hóa ở trẻ sơ sinh. Khi đường thốt nốt được hấp thụ vào cơ thể sẽ xảy ra quá trình đào thải các độc tố khỏi cơ thể và làm sạch gan.

Giúp xương chắc khỏe: đường thốt nốt cung cấp chất khoáng, canxi và phốt pho - những chất dinh dưỡng cần thiết cho việc giup xương và các mô của trẻ nhỏ khỏe mạnh.

 

Ăn khoảng 20g đường thốt nốt sẽ cảm thấy tình trạng đau nửa đầu giảm hẳn

Chống lại cảm cúm: do hệ thống miễn dịch của bé còn yếu nên thường xuyên bị cảm lạnh, cảm cúm và ho. Đường thốt nốt là loại thực phẩm được đánh giá cao trong việc điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cúm.

Tăng khả năng miễn dịch: đường thốt nốt giàu chất chống oxy hóa và khoáng chất như selen và kẽm, giúp ngăn chặn nguy cơ tổn thương các tế bào do hoạt động của các gốc tự do. Từ đó giúp các bé chống nhiễm trùng, tăng khả năng miễn nhiễm.

Một số đơn thuốc sử dụng từ cây thốt nốt

Nhuận tràng: sáng sớm cắt cụm hoa lấy nước chảy ra từ cụm hoa uống, có tác dụng giải khát, nhuận tràng, phòng tránh táo bón.

Chữa đau họng do viêm họng, phòng bệnh viêm họng: mỗi ngày dùng một miếng đường thốt nốtnhỏ nhai, ngậm và nuốt, sẽ làm dịu họng, sát khuẩn và giữ cho họng, cuống phổi không bị khô rát.

Tác dụng lợi tiểu: rễ cây thốt nốt 50g, thái khúc, cho vào ấm đổ 3 bát con nước sắc nhỏ lửa còn 1 bát nước, uống ngày một lần; dùng liền 1 tuần.

Dùng cây thốt nốt non, thái khúc, cho vào ấm đổ 3 bát con nước sắc nhỏ lửa còn 1 bát nước, uống ngày một lần; dùng liền 1 tuần.

Dùng cuống cụm hoa (vòi hoa) 100g, thái thành từng miếng mỏng, sắc với 600ml nước trong 15 phút, chia làm nhiều lần uống trong ngày, dùng liền 1 tuần.

Trị giun đũa: lấy cuống cụm hoa thốt nốt nướng nóng, vắt lấynước, thêm ít đường, uống vào buổi sáng, mỗi lần khoảng 100ml, uống trong vài ngày vào buổi sáng có thể ra giun.

Cần chọn và sử dụng loại đường thốt nốt rõ nguồn gốc để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có sự hiện diện của các hóa chất cũng như các thành phần nhân tạo nào khác.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

(Đơn vị điều trị ban ngày, Cơ sở 3 BV. Đại học Y Dược TP.HCM)

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm