(Chinhphu.vn) - Luôn đóng vai trò nền tảng quan trọng cho sự phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp ở Việt Nam nhưng hiện nay tác phẩm múa dân gian được biên đạo, dàn dựng dễ dãi, sử dụng ngôn ngữ múa lai tạp, vay mượn đến mức khiên cưỡng.
Ảnh minh họa
Nhìn lại hành trình sáng tạo tác phẩm múa chuyên nghiệp trong hơn nửa thế kỷ qua cho thấy những điểm sáng, dấu ấn thành công đều có nguồn cội từ múa dân gian, như: “Cánh chim mặt trời” (NSND Thái Ly), “Khúc biến tấu từ những pho tượng cổ” (NSND Ứng Duy Thịnh), “Mùa hoa ban nở” (NSND Minh Tiến), “Tây Bắc vui tươi” (Hoàng Châu)... Vào thời kỳ hoàng kim của múa dân gian, các đoàn nghệ thuật đua nhau dựng múa nón Thái, múa sạp, múa xòe, múa khèn, múa trống…
Nhưng những năm trở lại đây, tại các sân khấu, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc những năm gần đây ngày càng vắng bóng các tiết mục múa dân gian. Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí và thời gian ít ỏi vì thế chất lượng tác phẩm không cao, không để lại ấn tượng. Hội diễn vừa kết thúc đã có các phẩm phải “về hưu”, “nghỉ mất sức” hoặc cho vào kho lưu trữ.
Thiếu vắng tinh thần dân gian
Tại hội thảo về múa dân tộc diễn ra cuối tháng 11/2016, nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cảnh báo dòng múa dân gian có chiều hướng lai tạp, biến tướng, không rõ ràng và chạy theo thị hiếu khán giả. Điều đó tạo ra nhiều nguy cơ dẫn đến nền nghệ thuật truyền thống bị biến tướng và mất dần bản sắc, làm khán giả bị nhầm lẫn về dân tộc, trang phục.
Trên sân khấu múa hiện nay, một số biên đạo lấy trang phục dân tộc làm phương tiện để thông báo tới khán giả về dân tộc mình phản ánh, còn dường như chất liệu ngôn ngữ, phong tục dân tộc thì không được quan tâm. Có người đưa động tác múa dân gian của một dân tộc lên sân khấu nhưng lại sử dụng âm nhạc, trang phục truyền thống của dân tộc khác; hoặc trang phục được làm mới, mất đi nét đặc trưng của dân tộc đó...
“Biên đạo múa không hiểu biết sâu rộng về dân tộc, lịch sử, xã hội, phong tục tập quán, văn hóa thì sẽ dẫn đến hệ quả tạo ra tác phẩm “đầu Ngô mình Sở”, nghe nhạc dân tộc Tày tưởng nhạc dân tộc Thái, động tác múa của dân tộc Ba Na nhầm vào động tác múa của dân tộc Ê Đê, động tác múa của dân tộc Cơ Tu nhầm vào động tác múa của dân tộc Tà Ôi”, ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế nhận xét.
Không chỉ thiếu vắng về số lượng, tinh thần dân gian trong sáng tác múa cũng là vấn đề khiến câu hỏi của nghệ sĩ Khắc Tuế thêm day dứt: “Phải chăng, giờ đây các biên đạo múa sống nhà cao nên khuất non xanh, không dứt nổi sự níu kéo của phố phường để mà dành thời gian viếng thăm điền dã nơi gốc tích của các dân tộc thiểu số? Nên họ đã “sản sinh” ra những đứa con lai múa đầy dị hợm?”.
Ngôn ngữ múa dân tộc hiện đại cũng là vấn đề rất đáng bàn trong sáng tác của một số biên đạo trẻ. Hiện nay, hòa trộn ngôn ngữ múa dân gian, dân tộc với múa hiện đại phương Tây đang trở thành trào lưu phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự khai thác quá đà ngôn ngữ múa hiện đại đã khiến múa dân gian không còn là chính mình. Hình ảnh duyên dáng của những cô gái Tày, Thái, những bước xúng xính váy hoa của cô gái Mông xuống chợ thỉnh thoảng lại được xen kẽ với những cú “đá”, “xoạc chân”, “lăn”, “bò”... trên mặt sàn không phải hiếm và rất phản cảm.
Ảnh minh họa
Nghệ thuật nào cũng cần gốc rễ
Đến nay, trong giới nghệ sỹ múa Việt Nam còn đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc giữ nguyên các giá trị truyền thống trong múa dân tộc hay việc chấp nhận các hướng đi mới như việc kết hợp múa dân tộc và múa đương đại.
Nhà nghiên cứu Thái Phiên (Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam) cho rằng: “Trên lý thuyết thì điệu múa của dân tộc nào cần được giữ gìn nguyên vẹn, mang đúng đặc trưng của dân tộc ấy. Tuy nhiên, múa cũng giống như các loại hình nghệ thuật khác luôn biến đổi nên việc tiếp thu cái hay, cái đẹp của các hình thức múa khác để làm giàu cho múa dân tộc Việt Nam là tất yếu”.
Nhưng việc tiếp thu tinh hoa thế giới để làm các điệu múa dân tộc Việt Nam gần gũi với đời sống hiện đại, rất cần sự khai phá và có chọn lọc của các biên đạo múa tâm huyết và tài năng. Như lời khẳng định của NSƯT Hòa Hiếu (Phó Trưởng Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu): “Kho tàng ngôn ngữ múa dân gian phong phú đang chờ đợi người biên đạo để mắt tới và vực dậy bằng ngôn ngữ mới, đầy sáng tạo nhưng không làm mất bản sắc cốt lõi của nó. Có khi tác phẩm đẹp thật, nhưng người xem không rõ quốc tịch, xuất xứ. Nghệ thuật nào cũng cần gốc rễ, không gốc rễ sẽ vật vờ, gió lớn là ngã, bão lớn là tan”.
Khai thác ngôn ngữ múa dân gian, biên đạo phải gắn chặt với không gian văn hóa của dân tộc ấy, như: Phong tục tập quán, trang phục, điêu khắc, hội họa, âm nhạc... - biên đạo múa Phạm Minh Phương, giảng viên múa dân gian, dân tộc (Trường Cao đẳng Múa Việt Nam) góp ý.
Thực tế, có tiết mục chỉ dùng 3 - 4 động tác của múa dân gian, nhưng sử dụng triệt để đạo cụ, trang trí, đem đến không gian văn hóa của dân tộc ấy thì vẫnthành công; trong khi có tác phẩm dùng nhiều động tác cũng không ra được bản sắc. Lấy ngôn ngữ múa của dân tộc nào làm chủ đạo cho tác phẩm, thì phải chọn đúng đặc trưng dân tộc đó. Chọn chất liệu đúng rồi, phát triển chất liệu như thế nào để kết cấu, phát triển tác phẩm, đòi hỏi tài năng của biên đạo...
Múa đương đại ra đời phù hợp với hơi thở thời đại, phản ánh được các nội dung mới mẻ của thời đại, tiếp thu tinh hoa của múa đương đại nước ngoài để làm giàu cho múa đương đại Việt Nam. Nhưng múa đương đại cũng cần tiếp thu tinh hoa của múa dân gian các dân tộc, làm cái gốc, làm hạt giống mà lai tạo, làm chủ đề mà phát triển vì múa dân gian là hồn cốt của dân tộc.
“Văn hóa nói chung, nghệ thuật múa nói riêng luôn có giao lưu, tiếp biến, nhưng đi từ múa dân gian đến múa chuyên nghiệp mới là phát triển tự thân, là hướng đi chủ đạo để phát triển nghệ thuật múa Việt Nam. Biên đạo trẻ cần quan tâm nhiều hơn tới hướng đi này, để có tác phẩm biểu hiện tâm hồn, bản sắc dân tộc” - NSND Vũ Hoài nhấn mạnh.
Theo Phương Nguyên/(Chinhphu.vn)