Hàng triệu người bệnh trên thế giới hiện đang phải đối mặt với chứng đau mạn tính. Dưới đây là một số rủi ro và biến chứng của đau mạn tính các bạn cần biết để khắc phục.
Cơn đau thường làm cho bệnh trầm cảm nặng hơn.
Cam chịu bị đau
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Osteopathic (Mỹ), gần một nửa số người xem việc bị đau như một phần của cuộc sống. Khoảng 40% số người quan niệm triệu chứng đau là tất yếu trong quá trình lão hóa theo tuổi tác. Nhiều người bị đau nhưng vẫn trì hoãn việc chữa trị hoặc đi gặp bác sĩ ngay cả khi họ đang sống ở một xã hội có nền y khoa tiên tiến với nhiều kỹ thuật điều trị giúp giảm đau đớn. Lời khuyên là nên thăm khám bác sĩ để có chất lượng sống tốt hơn.
Phụ thuộc vào thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau được coi là công cụ cực kỳ có giá trị trong cuộc chiến chống lại cơn đau mạn tính. Nhưng một số loại lại có thành phần gây nghiện dẫn đến phụ thuộc về thể chất và tâm lý. Phụ thuộc cơ năng có nghĩa là cơ thể bạn cần thuốc để ổn định và giảm triệu chứng. Mặt khác, phụ thuộc tâm lý sẽ xảy ra khi bạn vẫn muốn nhu cầu về thuốc dù cần thiết hay không, bạn luôn mặc định cần nó để giảm đau. Trong cả hai trường hợp, bác sĩ có thể giúp bạn cắt giảm và điều chỉnh.
Tác dụng phụ của thuốc
Khi dùng thuốc giảm đau, người bệnh có thể bị rủi ro do tác dụng phụ của thuốc. Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid (còn gọi là NSAID) có thể gây kích ứng dạ dày của bạn. Acetaminophen (tylenol) có thể gây tổn hại gan, đặc biệt khi kết hợp với rượu. Các dòng thuốc gây nghiện có thể gây táo bón. Hãy tìm hiểu những nhược điểm của mỗi loại thuốc, xem kĩ các dấu hiệu cảnh báo và các bước bạn có thể làm để ngăn chặn chúng. Ví dụ, ăn nhiều trái cây và rau có thể làm giảm táo bón ở những người dùng thuốc giảm đau có tính gây nghiện.
Trầm cảm, phiền muộn
Đau mạn tính và trầm cảm có một mối quan hệ gắn bó. Cơn đau thường làm cho bệnh trầm cảm nặng hơn, thậm chí còn làm tăng nguy cơ tự tử. Phục hồi cả hai điều này cần có thời gian. Một số loại thuốc có tác dụng cho cả hai vấn đề này cùng lúc nên nhất thiết bạn phải theo chỉ định bác sĩ.
Ngoài ra, việc co mình lại và nghĩ rằng mọi người xung quanh không thực sự hiểu những gì bạn đang trải qua khiến bạn bị cô lập với xã hội đồng thời có thể dẫn đến trầm cảm. Hãy giữ thái độ cởi mở trong giao tiếp với bạn bè, gia đình, người dân trong cộng đồng và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Kết nối với những người có bệnh giống mình để tìm sự đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ khi cần thiết.
Khó khăn với các hoạt động hàng ngày
Các loại đau có thể cản trở khả năng làm việc hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác hàng ngày của bạn, chẳng hạn như nấu ăn, đi bộ xuống phố, thậm chí mặc quần áo cũng rất khó khăn. Những hoạt động quen thuộc như vậy cũng có thể làm trầm trọng thêm cơn đau của bạn. Việc đối phó với cơn đau nhức mạn tính có thể khiến bạn không có năng lượng để tập trung vào bất cứ điều gì khác.
Giấc ngủ bị gián đoạn
Thông thường, đau có thể diễn ra vào ban đêm khiến bạn chệnh choạng và kéo tới ngày hôm sau. Để thoát ra khỏi chu kỳ tiêu cực này, hãy lên lịch trình cho giấc ngủ, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Ngoài ra, nên tránh những giấc ngủ ngắn sau 15 giờ. Hãy khắc phục thói quen này để có được cơn buồn ngủ buổi tối bằng cách thực hiện hoạt động cần thiết của bạn như giặt ủi và mua sắm tạp hóa tại thời điểm này trong ngày để giữ cho bạn tỉnh táo.
Tăng cân
Đau thường gây trở ngại ăn và tập thể dục theo thói quen. Theo thời gian, sự mất cân bằng giữa lượng calories nạp vào cơ thể có thể dẫn đến tăng cân. Đổi lại, trọng lượng dư thừa có thể làm chậm lành vết thương và làm cho một số loại đau tồi tệ hơn. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc duy trì một lối sống lành mạnh trong khuôn khổ chứng đau của bạn.
Đối mặt với nỗi đau mỗi ngày có thể khiến bạn cảm thấy bất lực. Nhưng thay đổi suy nghĩ của bạn có thể đặt bạn vào một con đường giảm bớt nỗi đau đớn của bạn và giúp bạn sống tốt hơn.
Mai Hương
Theo suckhoedoisong.vn