Bệnh vảy nến là do sự rối loạn điều tiết tạo nên một màng ngăn bám chặt trên da. Bệnh có biểu hiện trên da bằng các mảng đỏ với vảy trắng phủ lên như sáp nến, phân biệt ranh giới rất rõ với vùng da lành xung quanh.
Bệnh vảy nến là do sự rối loạn điều tiết tạo nên một màng ngăn bám chặt trên da. Bệnh có biểu hiện trên da bằng các mảng đỏ với vảy trắng phủ lên như sáp nến, phân biệt ranh giới rất rõ với vùng da lành xung quanh, gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý, thẩm mỹ của bệnh nhân. Vảy nến không thể chữa được hoàn toàn, nhưng nếu điều trị đúng thì có thể kiểm soát được bệnh.
Các thuốc điều trị cổ điển
Đối với vảy nến nhẹ, ít lan rộng:
Lúc này, bệnh vảy nến khu trú ở cùi chỏ, đầu gối, có thể kèm theo vài mảng ở da đầu. Bệnh vảy nến kiểu này ít gây trở ngại chức năng lao động và sinh hoạt.
Các thuốc trước đây thường dùng là acid salicylic. Acid salicylic ở nồng độ từ 2 - 15% hoặc phối hợp với một loại thuốc corticoids bôi da, là liệu pháp bước đầu khi vảy nến có phần dày sừng, á sừng quan trọng. Thời gian đầu tổn thương da dày, vảy dày thì dùng loại corticoide kết hợp với salisilic như: diprrosalic, beprosalic để làm cho thương tổn mỏng dần, sau khi hết vảy, da hết dày thì dùng corticoide đơn như beprosone, tramsone...
Bên cạnh đó, có thể dùng calcipotriol (daivonex), chế phẩm phối hợp với corticoid. Những trường hợp vảy nến da đầu có thể kết hợp gội đầu có chứa thuốc.
Vảy nến lan rộng, gây trở ngại cuộc sống hàng ngày:
Quang hóa liệu pháp (PUVA) khi bệnh vảy nến có tổn thương da vượt quá 40% diện tích cơ thể. Không dùng biện pháp này cho bệnh nhân đục thủy tinh thể, bệnh nhân có tiền căn u hắc tố hoặc hội chứng Nơvi (bớt) không điển hình, bệnh nhân đã có điều trị bằng tia rơnghen hoặc đang uống thuốc có tính nhạy cảm với ánh sáng.
Uống acitrétine (soriatane): Đây là một retinoid có thể phối hợp với quang hóa liệu pháp (RePUVA). Acitrétine gây quái thai nên phải cho bệnh nhân uống với khuyến cáo nghiêm ngặt. Sự ngừa thai phải được kéo dài ít nhất là 2 năm sau khi ngừng thuốc retinoid. Các tác dụng phụ của thuốc có thể gặp: khô da niêm, tăng cholesterol huyết, tăng triglycerid huyết, tăng transaminose, nhưng thường thì sau tháng thứ 2 các tác dụng phụ này sẽ dần ổn định.
Vảy nến nặng lan rộng và tái phát:
Dùng một số loại thuốc sau:
Méthotrexate là một liệu pháp được cho là tốt nhất đối với các bệnh vảy nến nặng. Méthotrexate còn có thể sử dụng trong các trường hợp vảy nến đỏ da, vảy nến mụn mủ và vảy nến khớp. Sự dung nạp thuốc trên lâm sàng thường là tốt. Không dùng phối hợp với kháng viêm non steriod, sulfa-méthoxazole - trimethopime, cyclosporine hoặc bất kỳ thuốc nào có tương tác với biến dưỡng của acid folic đều chống chỉ định. Không nên dùng méthotrexate cho người bệnh vảy nến nhiễm HIV.
Trong trường hợp có chống chỉ định dùng méthotrexate, sử dụng retinoid, cyclosporine thay thế là phác đồ lựa chọn.
Cyclosporine (sandimmun) là một liệu pháp hữu hiệu cho bệnh vảy nến nặng và kháng với các liệu pháp khác. Tác dụng phụ ở da được biểu hiện bởi chứng rậm lông và chứng phì đại nướu răng. Vì nguy cơ độc hại thận nên thời hạn chỉ định dùng thuốc tối đa không nên vượt quá 2 năm.
Các thuốc mới điều trị bệnh vảy nến
Mới đây, một số thuốc đã được công nhận có hiệu quả cao trong điều trị bệnh vảy nến.
Alefaceft: đã được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận trong điều trị vảy nến mảng, trung bình và nặng. Alefaceft ngăn chặn sự tương tác của LFA - 3 nằm trên tế bào Langerhans và CD4 bằng cách ức chế cạnh tranh, điều này giúp ngăn cản dẫn truyền các tín hiệu kích thích giữa tế bào nhận và tế bào T. Nó còn có tác dụng ức chế miễn dịch. Thuốc không có tác dụng phụ đáng kể.
Efalizumab: là một kháng thể đơn Clon IgG1 được FDA công nhận. Liều khởi đầu 0,7mg/kg tiêm dưới da 1 lần/tuần. Có cải thiện lâm sàng 2 tuần sau khi tiêm thuốc. Tái phát có thể xuất hiện 2 tháng sau khi ngưng điều trị. Có khoảng 5% bệnh nhân có hiện tượng phản ứng ngược khi ngưng thuốc.
Pimecrolimus (SPZ-AZM 981): thuốc có tác dụng phá vỡ dòng dẫn truyền tín hiệu nội bào của thụ thể tế bào T bằng cách ức chế sự hoạt hóa và sự tăng sinh tế bào T. Với dạng kem 1% có hiệu quả điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em. Thuốc được nghiên cứu điều trị vảy nến và bước đầu có hiệu quả tốt.
Rosiglitazone: là một thiazolidine dùng đường uống được FDA công nhận điều trị bệnh đái tháo đường týp II và đang được nghiên cứu trong điều trị bệnh vảy nến, thuốc có tác dụng ức chế sản xuất cytokin và thúc đẩy sự biệt hóa tế bào.
Tazarotene: một retinoid gần đây được công nhận trong điều trị vảy nến thể mảng với dạng uống. Tazarotene chuyển hóa thành chất có hoạt tính là acid tazoroteric, có thời gian bán hủy 7 - 12 giờ. Vì vậy, đây là thuốc có thể thay thế an toàn trong điều trị vảy nến bằng retinoid hệ thống đối với phụ nữ tuổi còn sinh đẻ.
BS. Hoa Tấn Dũng
Theo suckhoedoisong.vn