Cập nhật: 24/12/2016 08:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch mới ở Việt Nam, nó mang lại lợi ích không chỉ về kinh tế, xã hội cho cộng đồng mà còn góp phần vào công tác bảo tồn các nét văn hóa bản địa và giữ gìn cảnh quan tự nhiên của vùng. Thật vậy, các sáng kiến về du lịch cộng đồng nhằm vào mục tiêu thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc vận hành và quản lý các dự án du lịch nhỏ như một phương tiện mang lại thu nhập thay thế và giảm nghèo cho cộng đồng. Các sáng kiến còn khuyến khích tôn trọng các truyền thống và văn hóa địa phương cũng như các di sản thiên nhiên. Du lịch cộng đồng dựa trên sự tò mò, mong muốn của khách du lịch để tìm hiểu thêm và có được các trải nghiệm về cuộc sống hàng ngày của người dân từ các nền văn hóa khác nhau, khám phá thiên nhiên, tình nguyện, nhân đạo giúp đỡ cộng đồng.

 

Các loại hình du lịch phù hợp với du lịch cộng đồng như: Du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch làng nghề; du lịch dân tộc hay bản địa và du lịch văn hóa. Ngoài ra việc thúc đẩy nghệ thuật và hàng thủ công địa phương có thể là một thành phần quan trọng trong các dự án du lịch cộng đồng và trong các hình thức chủ đạo của ngành du lịch.

 

Đặc trưng của loại hình du lịch này chính là thành phần tham gia đa dạng: Từ chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, các cơ quan bảo tồn, công ty du lịch, hãng lữ hành, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương và khách du lịch tới cộng đồng dân cư, các đối tác liên quan và du khách có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên văn hóa, thiên nhiên địa phương. Các thành viên của cộng đồng đều được chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch. Tuy nhiên quy mô hoạt động của loại hình du lịch này thường không lớn, thị trường khách khá hẹp về đối tượng và ít về số lượng; các sản phẩm, dịch vụ - du lịch được phát triển phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa địa phương.

Đối tượng chính của loại hình du lịch cộng đồng thường có các đặc điểm như tôn trọng các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa và các điểm tham quan. Quan tâm đến tác động của du lịch đối với môi trường và các giá trị bền vững khác. Thích chỗ ở có quy mô nhỏ của người dân địa phương; tìm kiếm những khía cạnh chân thực của cuộc sống như: Đặc sản địa phương, những thiết kế mộc mạc và tự nhiên, các yếu tố mang đậm tính truyền thống bản địa. Tìm kiếm sự tương tác với con người, lối sống và các nền văn hóa riêng biệt của chính họ. Không bị thu hút bởi cách tiếp thị hàng loạt, có học vấn và thu nhập cao. Họ không có con cái hoặc có con đủ tuổi để ở nhà một mình. Khách du lịch bụi và khách du lịch trẻ có ngân sách đi du lịch nhỏ cũng có thể tham gia được du lịch cộng đồng vì các dịch vụ ăn ở, đi lại của loại hình du lịch này thường rẻ hơn so với các dịch vụ của loại hình du lịch khác.

 

Hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều tỉnh thành đã áp dụng loại hình du lịch cộng đồng vào địa phương và bước đầu đã đạt được những thành công và có doanh thu ổn định như: Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam.

Du lịch cộng đồng ở Vĩnh Phúc hiện nay còn là một khái niệm mới mẻ đối với du khách. Thiên nhiên đã ban tặng cho Vĩnh Phúc một kho tàng các danh thắng thiên nhiên hùng vĩ như núi Sáng, thác Bay, thác Bạc, hồ Thanh Lanh, hồ Đầm Vạc, hồ Xạ Hương, núi Tam Đảo... cùng nhiều thác, hồ nổi tiếng khác. Vĩnh Phúc là địa bàn sinh sống của rất nhiều các dân tộc anh em (tiêu biểu trong đó có dân tộc Sán Dìu, Cao Lan). Mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá đặc trưng độc đáo, được thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca (hát Sọong Cô - làn điệu dân ca đặc sắc của người dân tộc Sán Dìu, được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian ở Vĩnh Phúc), ẩm thực (với đặc sản như rau su su, cá thính, chè kho Tứ Yên, giò chả, nem chua Vĩnh Yên)... Cùng với đó là hệ thống giao thông đi lại thuận tiện. Đây chính là thế mạnh để Vĩnh Phúc phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Hiện tại, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ để phát  triển du lịch cộng đồng tại Vĩnh Phúc còn nhiều hạn chế; chưa có một dự án du lịch cộng đồng nào được triển khai theo đúng tiêu chí. Mức độ tham gia của cộng đồng vẫn chỉ ở mức cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ, chưa tham gia vào quá trình tổ chức và ra quyết định, xây dựng các kế hoạch thực hiện trong du lịch cộng đồng. Việc tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và lập chương trình cho các tuyến, chương trình du lịch tại cộng đồng còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Chủng loại, kiểu dáng các sản phẩm thủ công truyền thống chưa phong phú, đa dạng và chất lượng chưa cao để hấp dẫn khách du lịch. Trong khi đó các công ty du lịch lại chưa thực sự đánh giá, đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu để nắm bắt được nhu cầu và mong muốn của khách du lịch. Hai bộ phận doanh nghiệp và cộng đồng hoạt động một cách riêng lẻ, không có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Cùng với đó, các cấp quản lý chưa thực sự quan tâm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng; chưa có các chính sách đãi ngộ tốt đối với các nghệ nhân làng nghề; sự mất dần các giá trị truyền thống của các cộng đồng và thay vào đó là đô thị hóa, bê tông hóa cảnh quan làng quê. Bên cạnh đó là sự xuống cấp nghiêm trọng của các điểm di tích lịch sử, các làng nghề thì bị mai một dần. Thực trạng và những hạn chế này đang làm lãng phí một nguồn tài nguyên du lịch quý giá của địa phương trong khi loại  hình sản phẩm du lịch của chúng ta còn nghèo nàn, đơn điệu về chủng loại. Phát triển du lịch bền vững đang là đòi hỏi của mọi quốc gia thì vấn đề khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này có ý nghĩa rất quan trọng.

 

Vừa qua, tỉnh đã có chủ trương xây dựng làng văn hóa tại xã Đạo Trù và Đại Đình, huyện Tam Đảo theo hướng phục vụ du khách tại cộng đồng. Đây là hai xã có số lượng người dân tộc Sán Dìu cao nhất của tỉnh với hơn 87% người dân; có đầy đủ tiêu chí về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa, những phong tục tập quán đặc sắc. Nơi đây cũng được nhiều du khách biết đến và tham quan, tuy nhiên số lượng nguồn khách đến không ổn định và đang bị suy giảm do nhiều nguyên nhân; trong đó nguyên nhân chủ yếu là những giá trị truyền thống đang dần bị mai một và chưa có chính sách cụ thể để bảo tồn nhằm phát triển du lịch bền vững. Việc xây dựng làng văn hóa để phục vụ du lịch cộng đồng tại hai xã Đạo Trù và Đại Đình đi vào hoạt động hiệu quả sẽ là bước đệm quan trọng, có tính chất đòn bẩy cho các chương trình, dự án du lịch cộng đồng khác phát triển tại Vĩnh Phúc.

 

Việc xây dựng làng du lịch cộng đồng sẽ đem lại sự đổi thay theo hướng tích cực đối với các làng bản, nhận thức của cán bộ và người dân về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng từng bước sẽ được nâng lên. Người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, ý thức bảo tồn văn hoá, bảo vệ tài nguyên du lịch được hình thành và củng cố. Qua đó nhiều gia đình có thể chủ động và tham gia hiệu quả vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương như: Cải tạo nhà ở, mua sắm trang thiết bị tối thiểu để phục vụ và đón khách du lịch tham quan, lưu trú; nâng cao ý thức sống vệ sinh, các công trình vệ sinh sẽ được xây dựng thay thế cho công trình vệ sinh truyền thống; người dân sẽ chú trọng giữ gìn và làm đẹp cảnh quan làng bản. Việc mở các lớp tập huấn, tuyên truyền cho người dân trong thôn, bản giúp người dân có được những kỹ năng cơ bản phục vụ, khai thác, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch để có thể thu hút được lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và lưu trú.

Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững và hiệu quả, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, Vĩnh Phúc cần phải có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới như: Lựa chọn, quy hoạch và phát triển các làng du lịch cộng đồng có đầy đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, đảm bảo an toàn, an ninh để đầu tư xây dựng. Nâng cấp hạ tầng cơ sở, chú trọng đến các điểm, các làng bản nằm trên tour, tuyến du lịch chính của tỉnh. Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên và nhân viên phục vụ tại các thôn bản. Đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tại đây, các hộ dân được hỗ trợ, tập huấn kỹ năng giao tiếp, tổ chức vệ sinh nhà ở và thành lập các đội văn nghệ tại thôn, bản, sẵn sàng biểu diễn phục vụ khi du khách có nhu cầu; bên cạnh đó, khuyến khích các hộ dân trong thôn bảo tồn và phát triển một số ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thủ công, mây tre đan… Hoàn thiện chiến lược tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch sinh thái tại cộng đồng tạo điều kiện cho du khách khám phá bản sắc văn hoá phong phú trong cảnh tự nhiên nguyên sơ của các bản làng dân tộc cũng như góp phần vào giữ gìn và phục hồi các ngành nghề thủ công truyền thống, các nét văn hoá đặc sắc của mỗi dân tộc, góp phần vào bảo vệ môi trường và tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Có các chủ dự án nâng cao chất lượng hoạt động du lịch bằng cách làm phong phú thêm các sản phầm nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Các địa phương tích cực chỉ đạo các xã, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp tục  bảo tồn, phục dựng những nét đẹp văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, tăng cường vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên để phát triển du lịch bền vững./.

ST

Tệp đính kèm